Ngồi kế bên bếp than hồng, Lê Anh Phương đang cập nhật blog của mình, cái blog mà cô bé gọi là “cô gái với một ngôi sao thay đổi”, đồng thời tải nhạc từ trang web của Super Junior, một ban nhạc nam của Hàn Quốc.
Blogger 14 tuổi này dành khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày trên một trong 11 chiếc máy tính đã được lắp đặt với kết nối WiMax tại làng Tả Van, một ngôi làng miền núi tại miền Tây Bắc Việt Nam.
Wimax đã có mặt tại vùng cao Việt Nam
Có thể mọi người cho rằng một sáng kiến như vậy phải được hỗ trợ bằng các chương trình từ thiện. Nhưng công ty Intel, nhà sản xuất chip của Mỹ, cùng với công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC), một nhà khai thác viễn thông nội địa thuộc sở hữu Nhà nước đang hy vọng trình diễn rằng băng rộng không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận mà còn là một cách thức cho những vùng sâu, xa nhất Việt Nam để họ nhảy vọt, đi thẳng lên những công nghệ viễn thông hiện đại nhất.
Năm tháng sau khi khai trương, dự án thử nghiệm Tả Van – một dự án miễn phí đối với dân làng – vẫn còn phải đối mặt với những thách thức. Giai đoạn ban đầu, sự nhiệt tình của em Phương đối với mạng Internet dường như không lan nhanh như ngọn lửa tại Tả Van, quê hương của khoảng 3000 người thuộc ba dân tộc thiểu số của Việt Nam. Nhiều người dường như vẫn còn đang thích nghi với công nghệ cơ bản ở làng hơn, nơi mà chiếc máy điện thoại cố định đầu tiên được lắp đặt tại bưu cục vào năm 2004 và ngôi làng này mới chỉ được kết nối với điện lưới quốc gia vào năm 2005.
“Cha của em không hề có ý tưởng hoặc hứng thú gì đối với mạng Internet, nhưng em cho rằng điều đó cũng là bình thường bởi vì họ là những người già,” Phương nói.
Mặc dù vậy, Intel cho biết việc công ty lựa chọn Tả Van là chính xác bởi vì công ty muốn kiểm chứng công nghệ tại một vùng khó khăn cũng như là đo lường sự hứng thú trong người dùng ở vùng sâu. Và Intel tin tưởng rằng băng rộng có thể được biến thành một câu chuyện thành công đến nỗi có kế hoạch lắp đặt Internet tốc độ cao tại một số cộng đồng vùng sâu khác trên khắp Việt Nam trong năm nay.
Công ty cũng đang tìm cách phối hợp với các nhà cung cấp địa phương trong một số dự án tương tự tại một vài quốc gia châu Á khác, bao gồm cả Malaysia, Philippines và Ấn Độ.
Thiết bị thu phát đang được lắp thử nghiệm tại Lào Cai. (Ảnh: VNN)
Andrew Allison, một cán bộ cấp cao của Intel cho biết: “Những công nghệ này dường như chỉ có trong phim của James Bond và sẽ không trở thành sự thực trong vòng 10 đến 15 năm tới. Với những công nghệ như là WiMax, bạn có thể kết hợp lưu lượng trên một diện rộng từ nhiều bên liên quan, biến chi phí khai thác trở nên có khả năng kiểm soát cao hơn. Chúng tôi đang hạ thấp giá cước đến một mức độ mà người dùng có thể chấp nhận được.”
Hà Nội được kỳ vọng là sẽ tổ chức đấu giá giấy phép khai thác các mạng di động thế hệ 3 và WiMax vào năm nay. Trong khi không có hy vọng là các công ty nước ngoài sẽ được cho phép tham gia đấu giá trực tiếp, ông Van Den Abeele, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Alcatel-Lucent cho rằng, một số nhà khai thác nước ngoài hay các nhóm đầu tư sẽ tham gia với tư cách là các đối tác hoặc đơn vị hỗ trợ cho đấu thầu trong nước.
WiMax không phải là công nghệ băng rộng duy nhất phù hợp với các vùng nông thôn, phần lớn các nhà lãnh đạo đang dự báo rằng các quốc gia như Việt Nam cuối cùng sẽ đi đến một tổ hợp của cơ sở hạ tầng mạng cố định và vô tuyến. Nhưng vô tuyến mang lại một số lợi thế, tối thiểu cũng là khả năng với tới những địa hình miền núi như là Tả Van bằng cách chiếu búp sóng trực tiếp từ vệ tinh IPStar, một vệ tinh ở Châu Á Thái Bình Dương do Shin Corp của Thái Lan kiểm soát.
Có khoảng 5% của 85 triệu người dân Việt Nam có truy nhập đến mạng cố định trong khi vùng phủ sóng di động đã đạt được mật độ 30%. Đối với băng rộng, vùng phủ chỉ vào khoảng 2%, nhưng số lượng thuê bao ADSL có tốc độ tăng gấp ba và đạt tới con số 1.2 triệu thuê bao trong năm ngoái.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng mạng cáp đồng hiện thường có chất lượng kém hoặc bị ăn mòn do thời tiết nóng ẩm. Những mạch vòng ở Việt Nam thường là quá dài để có thể hỗ trợ được công nghệ DSL.
“Tại phần lớn các vùng của quốc gia này, mạng cáp đồng thường hẹp và chất lượng cáp đồng rất thấp, đó cũng chính là lý do tại sao chúng tôi kỳ vọng vào một sự chuyển đổi đáng kể sang các công nghệ di động,” Ông Van Den Abeele cho biết. “Họ có thể nhảy trực tiếp sang di động hoặc từ băng rộng sang WiMax, và sẽ không lắp đặt thêm cáp đồng dưới mặt đất.”
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hơn 70% người Việt Nam sống bên ngoài các đô thị. Nhưng đất nước này lại có một số lượng người đang ở độ tuổi trung bình lớn hơn cả dân số của nước Đức (26 tuổi, thấp hơn khoảng 6 năm so với quốc gia láng giềng Trung Quốc), các nhà lãnh đạo viễn thông đang lý luận rằng Việt Nam kết hợp giữa số lượng và sức trẻ cần thiết để đưa dự án băng rộng nông thôn đến thành công.
Tỷ lệ người biết chữ hơn 90% cũng lại là một lợi thế khác, và những mối quan hệ gia đình kết nối những người dân nông thôn và thành thị, cũng như là Việt Kiều, những người đã gửi về nước tới 6 tỷ USD mỗi năm. Cuối cùng, một cuộc khảo sát do Alcatel thực hiện vào năm ngoái đã xác định được là có 650.000 doanh nghiệp nhỏ có quan tâm đến truy nhập Internet, phần lớn số doanh nghiệp này nằm ở vùng nông thôn. Chi tiêu bình quân vào viễn thông cao hơn gấp hai lần so với các hộ gia đình. “Điều đó chắc chắn sẽ làm cho công việc kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà khai thác và cung cấp thiết bị,’’ ông Van Den Abeele bình luận.
David Brunell, Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế của USAID, Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ, một cơ quan ủng hộ cho dự án Tả Van cho biết: “Có một cơ hội thực sự để biến những người dùng Internet lần đầu ở vùng nông thôn thành những người sử dụng trả tiền trong lĩnh vực viễn thông.’’
Tại một quốc gia như Việt Nam, các công ty viễn thông chỉ có thể tiến hành khi có sự hậu thuẫn của Chính phủ. Gần đây, Hà Nội không chỉ thể hiện rằng họ sẽ tiến hành bán giấy phép mà còn cho biết rằng họ cũng sẽ tài trợ nhiều hơn nữa vào băng rộng, với mục đích mở rộng vùng phủ sóng lên khoảng một phần tư dân số.
Cũng có sự nhận thức ở Hà Nội rằng các nhà khai thác trong nước cần phải nắm lấy cơ hội về băng rộng trước khi mở cửa thị trường viễn thông quốc gia, theo đúng những cam kết được đưa ra khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trần Mạnh Dũng, một cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Cạnh tranh không phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.”
(Theo Raphael Minder/The Financial Times)