221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1033067
Yahoo chính thức từ chối Microsoft
1
Article
null
Yahoo chính thức từ chối Microsoft
,

Đúng như dự đoán, ban giám đốc của Yahoo đã đồng thanh nhất trí nói "Không" với lời gợi ý mua lại của Microsoft, với lý do "mức giá bỏ thầu 44,6 tỷ USD là quá thấp" và việc "bán thân" cũng không phải "sự lựa chọn tốt nhất" lúc này.

Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft và Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo. Nguồn: AP
Trong thông cáo phát đi tối ngày hôm qua, Yahoo cho biết ban Giám đốc đã đưa ra quyết định sau khi đánh giá một cách nghiêm túc và cẩn trọng lời đề nghị do Microsoft đưa ra.

"Mức giá bỏ thầu của Microsoft đã đánh giá quá thấp Yahoo, chính vì thế, đây không phải là lợi ích tốt nhất cho cả Yahoo lẫn các cổ đông", Yahoo tuyên bố. 

Chỉ vài giờ sau, Microsoft đã lên tiếng hối thúc Yahoo "suy nghĩ lại" và "cân nhắc lại" chuyện hợp nhất hai hãng. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Microsoft sẽ điều chỉnh lại mức giá "chào mời".

"Thật đáng tiếc khi ban giám đốc Yahoo lại hành động như vậy. Rõ ràng mức giá của chúng tôi là công bằng", Microsoft bình luận.

Vận động trái chiều

Ngày 1/2 vừa qua, Microsoft đã công khai lời đề nghị theo hãng là rất "hào phóng": Mua lại Yahoo với giá 44,6 tỷ USD, chi trả một nửa bằng tiền mặt và một nửa bằng cổ phiếu. Đây là nỗ lực mới nhất của gã khổng lồ phần mềm trong việc thách thức công cụ tìm kiếm Google.

Microsoft ra giá 31 USD cho mỗi cổ phiếu Yahoo, tức là cao hơn 62% so với giá đóng cửa của cổ phiếu này hôm 31/1. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Microsoft, giá cổ phiếu Yahoo đã leo thang một cách chóng mặt.

Chỉ trong vòng 10 ngày ngắn ngủi, giá cổ phiếu Yahoo đã tăng lên tới 29,87 USD, tức là xấp xỉ mức giá "hào phóng" mà Microsoft ấn định.

Trong khi ấy, giá cổ phiếu Microsoft lại "đỏ loè" suốt từ đó đến nay, giảm xuống chỉ còn 28,21 USD tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua. Giới đầu tư lo ngại rằng Microsoft rất có thể sẽ phải chi nhiều tiền hơn nữa nếu vẫn muốn mua lại Yahoo.

"Dụ" giá hời hơn

Sau khi mổ xẻ "câu từ" trong thông cáo của Yahoo, giới phân tích cho rằng gã khổng lồ Internet vẫn "ngỏ cửa" cho một mức giá bỏ thầu hấp dẫn hơn.

Đồng thời, Yahoo cũng ngấm ngầm trấn an những tập đoàn đang có ý định thâu tóm hãng rằng: "Sẽ không có vụ kiện chống độc quyền nào từ phía các cổ đông".

"Yahoo đâu có nói "Không" ở bất cứ mức giá nào. Họ chỉ nói lời đề nghị của Microsoft chưa đủ mạnh mà thôi", nhà phân tích Rob Enderle bình luận. Nếu Microsoft có điều chỉnh lại mức giá bỏ thầu cho hấp dẫn hơn thì cũng không phải là việc hiếm thấy trong làng công nghệ thế giới.

Theo giới phân tích, Yahoo tin rằng giá trị của hãng phải xấp xỉ 40 USD/cổ phiếu. Nếu vậy thì mức giá bỏ thầu mà Microsoft đưa ra sẽ bị đội lên vài tỷ USD nữa.

Trên quan điểm của Microsoft, việc sáp nhập hai hãng sẽ giúp "tiết kiệm 1 tỷ USD chi phí mỗi năm". Nhưng Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo lại gửi đi một thông điệp nội bộ, khẳng định "ban lãnh đạo đang tìm cách né tránh chiến dịch thâu tóm của Microsoft".

Không có nhiều lựa chọn

Cùng lúc, gã khổng lồ tìm kiếm Google - kẻ bị đe doạ nhất nếu thương vụ Microsoft-Yahoo thành công - đã lớn tiếng chỉ trích nỗ lực của Microsoft là "một vụ tấn công đầy địch ý nhằm vào những nguyên tắc nền tảng của mạng Internet: cởi mở, thông thoáng và sáng tạo".

Microsoft hy vọng sau khi mua lại Yahoo, sẽ có thể tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến - vốn đang bị Google thống trị.

Trích dẫn một nguồn tin mật, tờ Times đưa tin rằng Yahoo đang "thăm dò khả năng sáp nhập với AOL của Time Warner", một gã khổng lồ Internet cũng đang lao đao trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đại diện Yahoo từ chối bình luận về bài báo này.

Có vẻ như giới phân tích đều nghiêng theo ý kiến Microsoft sẽ nâng giá bỏ thầu, bởi lẽ "hãng cần phải mua Yahoo thật nhanh, khi mà khoảng cách với Google trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến ngày càng bị nới rộng".

Trong khi ấy, trước khi có lời đề nghị của Microsoft, Yahoo đang chứng kiến cổ phiếu của mình rớt xuống mức thấp nhất của 4 năm qua. 1000 nhân viên sắp bị sa thải và tình hình "khó mà cải thiện" trước năm 2009.

"Cả hai hãng dường như đều không có nhiều lựa chọn, họ thực sự cần tới nhau", nhà phân tích Clayton Moran của Stanford Group cho biết.

Trọng Cầm (Tổng hợp AFP, AP)

 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,