Khách hàng vẫn có thể mua sim mà không đăng ký, hoặc đăng ký với thông tin không chính xác vẫn được chấp nhận. Đó là hai vấn đề nổi cộm sau gần 1 tháng thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước.
Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ vừa tiến hành kiểm tra việc thực hiện việc quản lý thuê bao trả trước của các mạng di động và đã có công văn gửi các mạng di động để chấn chỉnh việc thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước. Cụ thể, Bộ yêu cầu các mạng di động cần rà soát và tăng cường thêm khả năng bảo mật cho các chủ điểm giao dịch khi sử dụng đăng ký bằng cổng thông tin điện tử như phân cấp quyền truy nhập, tài khoản, mật khẩu…
Bên cạnh đó cần nâng cao độ dự phòng để đảm bảo nhận hết các bản tin đăng ký qua số 1414. Đối với thẻ sim chưa hoà mạng được đưa ra thị trường đều phải khoá hết các dịch vụ mặc định (kể cả hướng gọi 900 hoặc gửi bản tin nhắn từ hệ thống thông báo cho khách hàng phải đăng ký thông tin thuê bao). Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện đăng ký thông tin thuê bao cá nhân trả trước sẽ do Thanh tra Bộ phối hợp với Sở BCVT các địa phương thực hiện.
Về vấn đề tính xác thực của thông tin đăng ký, ông Tống Viết Trung, Giám đốc Viettel Telecom nhận định, phương thức SMS không thể hiển thị chính xác tên của khách hàng vì đó là dạng hiển thị không có dấu tiếng Việt. Ngoài ra, khi sử dụng hệ thống SMS hoặc cổng thông tin điện tử để đăng ký, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước không có cơ sở để kiểm chứng lại độ chính xác của thông tin.
Ông Bùi Quang Tuyến, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Cho đến thời điểm này, các mạng di động vẫn chưa có được cách thức đánh số chứng minh thư và chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu tàng thư của Bộ Công an nên không thể xác định được thông tin cá nhân của khách hàng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề đăng ký thông tin cá nhân sai như hiện nay thì Bộ Công an phải sớm vào cuộc để hỗ trợ các nhà khai thác”. Bên cạnh đó cũng cần phải xử lý điểm những thuê bao cố tình đăng ký thông tin sai”, ông Bùi Quang Tuyến nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Bùi Quang Tuyến, ông Phạm Ngọc Tú, Phó trưởng phòng Kinh doanh của Vinaphone cho rằng, rất khó xác thực được thông tin cá nhân của khách hàng. “Nếu khách hàng đăng ký đúng theo mẫu và điền đủ 9 chữ số chứng minh thư thì sẽ được chấp nhận. Vinaphone cũng đã đề nghị phía Bộ Công an đưa ra cách đánh số chứng minh để cho các nhà khai thác nhận dạng được khi đối chứng thông tin của khách hàng nhưng hiện chưa có thông tin gì. Cho đến thời điểm này chưa có giải pháp nào để giải quyết vấn đề thuê bao cố tình đăng ký thông tin sai”, ông Phạm Ngọc Tú nói.
Tuy vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quản lý thuê bao di động trả trước là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Trước hết sẽ quản lý chặt các thuê bao trả trước đăng ký mới, sau đó thông qua cơ sở dữ liệu về khách hàng của các doanh nghiệp để kiểm tra tính xác thực. “Sau khi thuê bao đăng ký thông tin cá nhân, qua hệ thống kiểm tra nếu những thông tin này không chính xác cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp xử lý. Với cách quản lý này, sẽ chặt chẽ với các thuê bao đăng ký mới, nhưng tương đối lỏng đối với các thuê bao đang sử dụng. Tuy nhiên, độ chính xác thông tin thuê bao sẽ tăng dần khi việc quản lý được tăng cường và ý thức người dân được nâng lên” - Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết.
(Theo Thái Khang/BĐVN)