Sức cầu mạnh mẽ từ các thị trường mới, cũng như làn sóng laptop giá rẻ sẽ giúp Intel làm ăn dễ dàng tại châu Á trong cả năm 2008. Tuy nhiên, gã khổng lồ chip sẽ phải theo dõi sít sao những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
"Nói chung, tôi rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng tại châu Á. Nhưng sẽ là tắc trách nếu không thận trọng với tình hình kinh tế tại Mỹ hiện nay", ông Navin Shenoy, Tổng Giám đốc Intel châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Nguồn: Reuters
Mối lo xuất khẩu
Doanh thu của Intel châu Á-Thái Bình Dương bao gồm những lô chip bán trực tiếp tại châu Á, cũng như những sản phẩm tích hợp vào máy tính rồi đem đi "xuất khẩu" sang các khu vực khác.
Hệ quả là, Intel không thể không nín thở dõi theo từng cái "hắt hơi sổ mũi" của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đè nặng lên tâm lý nhiều người.
"Hoạt động xuất khẩu dựa vào thị trường Mỹ đã có nhiều dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tiêu thụ tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn rất mạnh và không hề chịu bất cứ tác động hay sự tụt dốc nào, ít nhất là tại thời điểm này", ông Shenoy khẳng định.
Hãng nghiên cứu IDC dự đoán rằng sản lượng PC tiêu thụ tại châu Á sẽ tăng 16,7% trong năm 2008, gấp hơn 5 lần so với Mỹ (3%). "Cuộc khủng hoảng tín dụng của Mỹ không ảnh hưởng lớn đến sức cầu trên thị trường PC châu Á", IDC phân tích.
Những "công thần" chính
Intel đã có một kết quả kinh doanh quý IV khá tốt, mặc dù hơi thấp hơn so với dự đoán của phố Wall. Theo các quan chức của hãng, nguyên do chủ yếu là vì giá chip nhớ flash giảm quá nhanh, gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận chung mà thôi.
Riêng khu vực châu Á -Thái Bình Dương đóng góp khoản doanh thu lên tới 5,3 tỷ USD - chiếm gần một nửa tổng doanh thu của hãng.
"Chúng tôi đã lập kỷ lục về doanh số CPU xuất xưởng, đồng thời cũng xác lập kỷ lục về lượng chipset tiêu thụ", Shenoy cho biết.
Đóng góp nhiều nhất cho bảng kinh doanh quý IV của Intel là chip sản xuất bằng công nghệ cũ 65 nanomet. Lô chip đầu tiên sử dụng công nghệ mới 45 nanomet (tên gọi Penryn) mới được tung ra thị trường hồi tháng 11 qua nên sức tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn mà thôi.
Mặc dù vậy, Intel tin rằng doanh số của Penryn sẽ cất cánh rất nhanh trong vòng vài tháng tới, thậm chí là qua mặt cả đàn anh 65 nanomet vào quý III/2008.
Hai sản phẩm mới của Intel là Silverthorne và Canmore cũng sẽ đáp xuống thị trường châu Á ngay trong năm nay. Trong đó, Silverthorne là mẫu chip đầu tiên 45 nanomet đầu tiên được Intel thiết kế cho laptop giá rẻ và dự định xuất xưởng trong nửa cuối năm 2008.
Hướng tới sản phẩm mới
Hiện tại, các mẫu laptop bình dân như EEE của Asus chỉ được trang bị vi xử lý Celeron M "đồ cổ" của Intel mà thôi. Các ưu điểm khó chối cãi của Silverthorne là rẻ và tiết kiệm điện, vì thế, nó sẽ không làm đội giá thành của laptop.
"Chúng tôi hy vọng Silverthorne sẽ thúc đẩy sức cầu dành cho máy tính xách tay tại các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á", Shenoy cho biết.
Một mẫu chip khác cũng được Intel kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở châu Á là Canmore, một con chip tích hợp vi xử lý với chip đồ họa và khả năng xem video phân giải cao. Được trình làng tại CES 2008 vừa qua, Canmore nhắm tới các sản phẩm đầu thu kỹ thuật số và thiết bị giải trí gia đình hiện đại.
"Những sản phẩm kiểu này có cơ hội cực lớn tại những thị trường như Hàn Quốc và Đài Loan", Shenoy tự tin.
Ngoài ra, một công nghệ khác do Intel hậu thuẫn cũng được dự báo sẽ có chuyển biến tích cực tại châu Á trong năm nay là WiMax. Theo dự đoán của giới phân tích, đến năm 2013, châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới về ứng dụng WiMax di động.
Trọng Cầm (Theo Reuters)