Liên doanh LG.Philips LCD dự định gây ấn tượng với khách tham quan CES 2008 bằng một sản phẩm đặc biệt: màn hình giấy điện tử màu 14,3 inch.
Kích cỡ này tương đương với một tờ giấy khổ A4, đạt đến độ phân giải 1280 x 800 pixel và có thể hiển thị tới 16,7 triệu màu, LG.Philips LCD cho biết.
Nguồn: Newlaunches
Đây là màn hình giấy điện tử có độ phân giải cao nhất từng được phát triển từ trước tới nay, đồng thời cũng là một bước tiến đáng kể so với loại màn hình công bố hồi tháng 5 năm ngoái, vốn chỉ hiển thị được 4096 màu.
Giấy điện tử đang được nhiều hãng kỳ vọng là công nghệ thay thế giấy viết trong tương lai. Màn hình thường được sản xuất từ vật liệu dẻo, uốn cong được chứ không giống như màn hình LCD thông thường được làm bằng kính.
Tuy nhiên, liều lượng chất dẻo pha với kính cụ thể thế nào lại tùy thuộc vào từng thiết kết sản phẩm riêng. Hiện tại cũng chưa có loại màn hình nào có thể gập gọn như tờ giấy theo đúng nghĩa.
LG.Philips LCD cho biết màn hình 14,3 inch mới đã "vay mượn" một số công nghệ TFT mà hãng đang sử dụng để sản xuất màn hình LCD, sau đó pha trộn với hợp chất kim loại và nhựa plastic.
Kết quả là một màn hình dẻo dày chưa đến 300 micromet, tức là dày hơn tờ giấy photocopy chuẩn một chút. Kể cả khi bị uốn cong, bạn vẫn có thể xem màn hình với góc nhìn 180 độ hoàn chỉnh.
Còn nhiều khiếm khuyết
Ngoài ra, LG.Philips LCD cũng dự định trình diễn tại CES năm nay một màn hình giấy điện tử đơn sắc có kích cỡ tương đương với khổ giấy B5 (17,6 cm x 25 cm).
Nguồn: Engadget
Tuy không gây ấn tượng bằng màn hình màu 14,3 inch, song sản phẩm này lại dễ dàng sản xuất đại trà hơn. Kế hoạch của hãng là xuất xưởng màn hình đơn sắc ngay cuối năm nay.
Bên cạnh các thông số kỹ thuật, một trong những yếu tố quyết định thành công của màn hình là khả năng hiển thị hình ảnh nhanh tới mức nào.
Một màn hình LCD thông thường có thể đổi hình ảnh mới nhiều lần/giây, nhưng các mẫu giấy điện tử hiện hành phải mất tới vài giây mới thay được hoàn toàn một hình.
Lấy thí dụ, màn hình do Fujitsu công bố hồi tháng 5 năm ngoái mất tới 2 giây để "refresh" một hình ảnh 8 màu, trong khi hình ảnh 4096 màu ngốn tới... 10 giây.
Trọng Cầm (Theo PC World)