Nằm ở khu vực rừng núi phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, trung tâm "Giải cứu khỏi Internet" có lẽ là nơi chữa bệnh nghiện Internet theo hình thức trại huấn luyện quân sự đầu tiên trên thế giới.
Các học viên, phần lớn là các nam thiếu niên, trong buổi hoạt động ngoài trời tại trại "Giải cứu Internet"
Dưới cơn mưa mùa thu dai dẳng, Lee Chang Hoon, 15 tuổi, và 17 thanh niên trẻ khác bước từng bước mạnh mẽ theo kiểu duyệt binh trên sân. Cơ thể ướt đẫm, run rẩy vì lạnh, trên người lủng lẳng dây an toàn, các cậu bắt đầu trèo qua các chướng ngại vật là những chiếc cột cao có gắn thanh ngang.
Khi Chang Hoon lên đến đỉnh cột, người giáo viên hướng dẫn ở phía dưới quát: "Cậu có gì để nói với mẹ không?". "Không" - Chang Hoon trả lời. Người giáo viên lại quát: "Nói với mẹ là cậu thương mẹ đi". "Con rất thương bố mẹ”. "Vậy thì nhảy đi" - người giáo viên ra lệnh. Chang Hoon nhún mình nhảy xuống, hai tay tóm lấy một chiếc xà treo gần đó. Ở dưới, các cậu bé đồng thanh hô lớn: "Chiến đấu".
Trở về với thế giới thật
Dấu hiệu của nghiện Internet |
Theo khảo sát của Chính phủ Hàn Quốc, có tới 2,4 triệu thanh thiếu niên Hàn Quốc dưới 18 tuổi đang đối mặt với nguy cơ nghiện Internet. Trung bình họ lên mạng ít nhất hai giờ mỗi ngày. Khoảng 1/4 trong số đó đã cho thấy những dấu hiệu của bệnh nghiện thật sự, ví dụ như không thể ngừng sử dụng máy vi tính. Khi bị buộc phải rời mạng Internet, họ phản ứng lại bằng sự giận dữ, thậm chí cả những hành động bạo lực. |
Đó là quang cảnh diễn ra tại trung tâm "Giải cứu Internet", một trại điều dưỡng dành cho các con nghiện Internet tại Hàn Quốc mới thành lập mùa hè năm nay, và chỉ dành cho những người nghiện Internet nặng (các trường hợp nhẹ hơn được đưa đến một trong 140 trung tâm điều dưỡng khác trên toàn quốc).
Ví dụ như Chang Hoon trước đây thường lên mạng tới 17 giờ mỗi ngày. Trung tâm tổ chức các khóa điều trị luân phiên kéo dài 12 ngày, mỗi khóa có 16-18 học viên, chủ yếu là nam giới, tham gia. Chi phí điều trị tại trung tâm hoàn toàn do chính phủ tài trợ.
Trong khóa học, các học viên sống nội trú và bị cấm sử dụng máy vi tính. Mỗi ngày họ chỉ có một giờ để nghe, gọi điện thoại di động. Họ phải trải qua các khóa tập thể lực và hoạt động nhóm cực kỳ nghiêm ngặt như cưỡi ngựa, vượt rào... nhằm giúp xây dựng mối liên hệ xúc cảm với thế giới thực thay cho thế giới ảo.
"Điều quan trọng là giúp họ có được những trải nghiệm của một cuộc sống không có Internet - ông Lee Yun Hee, một giáo viên, cho biết - Giới trẻ Hàn Quốc không biết những trải nghiệm đó là như thế nào".
Bên cạnh những hoạt động thể lực ngoài trời, học viên còn tham gia cả các lớp học mang tính chất điều dưỡng tâm lý như học làm đồ gốm, học đánh trống... Ban đầu, các giáo viên trại huấn luyện gặp rất nhiều khó khăn bởi các học viên thường xuyên trốn trại để lên mạng, dù chỉ là những lúc nghỉ giải lao 10 phút giữa các buổi tập. Nhưng hiện nay ban quản lý trung tâm thiết lập hệ thống giám sát, kể cả ban đêm. Khi có thời gian rảnh rỗi, các học viên phải làm những công việc khác như giặt quần áo, lau dọn phòng ngủ.
Cái giá phải trả
Hiện có đến 90% các gia đình Hàn Quốc kết nối mạng Internet tốc độ cao. "Hàn Quốc là đất nước mở rộng vòng tay nhất đối với Internet - ông Kim Young Sam, giám đốc Trung tâm Tư vấn nghiện Internet, nhận định - Và bây giờ chúng ta phải đi đầu trong việc giải quyết hậu quả”.
Giải quyết bằng cách nào? Ngoài mạng lưới đã nêu gồm 140 trung tâm tư vấn, Hàn Quốc còn có các chương trình điều trị tại gần 100 bệnh viện, và mới nhất là trại "Giải cứu Internet" kể trên. Các nhà nghiên cứu cũng đã xây dựng một bảng liệt kê để chẩn đoán tình trạng nghiện và xác định mức độ ngặt nghèo của con nghiện theo thang của người Hàn Quốc mà họ gọi là K- scale.
Tháng chín mới đây, Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo đầu tiên về nạn nghiện Internet. Các bác sĩ Trung Quốc đại lục và Đài Loan cũng bắt đầu báo cáo về các rối loạn trong giới trẻ liên quan tới vấn đề này. Tại Mỹ, tiến sĩ Jerald Block, một nhà tâm lý học tại Viện Khoa học và y tế Oregon, ước tính tới 9 triệu người Mỹ mắc chứng mà ông gọi là "rối loạn sử dụng vi tính bệnh lý”. Tuy nhiên, ông cho biết cũng mới chỉ có một số bệnh viện tại Mỹ chữa trị chứng rối loạn này. Vì thế, ông cho rằng "Hàn Quốc đang dẫn đầu trong việc xác định và nghiên cứu vấn đề”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những bài tập quân sự tại trung tâm có thể giúp các học viên thoát khỏi cơn nghiện Internet hay không. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã cho thấy sự tiến bộ nhất định. "Những bài tập còn vui hơn là chơi game", Chang Hoon cho biết. Cậu kể khi hoạt động tại trung tâm, cậu không hề nghĩ đến các trò chơi trong thế giới ảo và từ giờ "có thể chỉ lên mạng 5 giờ/ngày".
(Theo TTO/IHT)