Kế hoạch “tay không tấn công” ngành công nghiệp di động của Google bằng nền tảng Android có thể gây ấn tượng mạnh cho giới phân tích, nhưng không mảy may khiến Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft e sợ.
Tổng GĐ Microsoft Steve Ballmer. Ảnh: AP. |
“Những nỗ lực của họ mới chỉ là vài dòng trên mặt giấy tại thời điểm này mà thôi, quả là rất khó để so sánh (với Windows Mobile), Steve cười khẩy.
Một cách nhanh chóng, Ballmer chuyển sang nhấn mạnh những thành công mà Microsoft đã đạt được từ nền tảng Windows Mobile . Hiện tại, hệ điều hành này đang nắm giữ một thị phần đáng kể trên thị trường smartphone, đặc biệt là tại Bắc Mỹ.
Theo Ballmer, hiện Windows Mobile đang góp mặt trong khoảng 150 mẫu máy khác nhau, phục vụ hơn 100 mạng di động khắp nơi trên thế giới. Ông này không quên “tiết lộ” rằng hãng có thể bán thêm được 20 triệu smartphone cài Windows Mobile nữa trong năm nay.
“Chúng tôi đang có đà chạy rất tốt. Windows Mobile 6 mới được tung ra thị trường và chắc chắn, trong tương lai sẽ còn thêm nhiều phần mềm tuyệt vời khác. Chúng tôi sẽ quan sát Google, tất nhiên. Nhưng hiện tại, tất cả những gì họ có mới chỉ là một tờ thông cáo báo chí, còn chúng tôi đã có hàng triệu khách hàng, một phần mềm tốt-hữu-hình, nhiều thiết bị phần cứng được người dùng đón nhận”.
Android là nền tảng được Google và một số hãng khác cùng tham gia “Liên minh di động nguồn mở” phát triển. Nền tảng dựa trên nền Linux này sẽ kết hợp các nhân tố nguồn mở với nhau, nhưng cũng bao gồm một hệ điều hành, middleware, nhiều ứng dụng và giao diện tùy biến.
Khá nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp T-Mobile, NTT DoCoMo, Sprint Nextel, Telecom Italia và China Mobile; các hãng sản xuất điện thoại như Samsung Electronics, LG Electronics, Motorola và HTC, cùng với những đại gia công nghệ như Intel, eBay, Qualcomm...
Ngoài Windows Mobile, một đối thủ lớn khác mà Google cũng sẽ phải đối mặt là Symbia. Hai ngày trước, cũng trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Giám đốc điều hành Symbian đã bác bỏ ảnh hưởng “đáng kể” của Android lên sản phẩm hãng mình.
“Đó cũng chỉ là một nền tảng Linux mà thôi. Đang có khoảng 10,15,20, thậm chí 25 nền tảng Linux trên thị trường. Có vẻ như tốc độ chia rẽ của Linux còn nhanh hơn cả nỗ lực thống nhất nó”.
Trọng Cầm (Theo PC World)