Theo tổ biên soạn sửa đổi Nghị định 55 về quản lý Internet, hiện đã hoàn thiện xong dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định 55 với nội dung được điều chỉnh thông thoáng hơn. Dự kiến, chậm nhất trong tháng 12/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới để thay thế Nghị định 55 về quản lý Internet.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ khắc phục nhược điểm của quy định về đại lý Internet hiện nay là quá chặt theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, nhưng lại không thực thi trong cuộc sống.
Trước đây, khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải có đoàn kiểm tra liên ngành (các bộ Công an, Bưu chính Viễn thông, Văn hóa Thông tin) và được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT & TT) có văn bản chính thức cho phép cung cấp dịch vụ. Nay dự thảo Nghị định sẽ bỏ quy định này song doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sẽ phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn an ninh và chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý địa điểm và thời gian cung cấp dịch vụ.
Theo Nghị định 55, chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) mới được kết nối trực tiếp đi quốc tế và được kết nối với các trạm trung chuyển lưu lượng kết nối Internet trong nước (IX). Đây là vấn đề mà các ISP cho rằng lâu nay đã hạn chế sự phát triển của các ISP không có hạ tầng. Trong dự thảo lần này đã "cởi trói" với quy định cho phép các ISP không có hạ tầng (NetNam, QT Net… ) được kết nối trực tiếp đi quốc tế và được kết nối với IX. Dự thảo sửa đổi Nghị định 55 cũng cho phép chủ thể được chuyển nhượng tên miền nếu không có nhu cầu sử dụng.
Vấn đề hóc búa nhất theo Tổ biên soạn là vấn đề quản lý nội dung trên Internet. Sự phát triển đa dạng của Internet đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, trong khi đó, việc quản lý phải đảm bảo phát triển lành mạnh chứ không phải là hạn chế sự phát triển và theo đúng tư duy “quản phải theo kịp với mở”. Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho rằng, để thúc đẩy Internet Việt Nam phát triển rất cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và cả người dân để hoàn thiện nghị định mới này.
(Theo Thái Khang/BĐVN)