Gã khổng lồ tìm kiếm mong trở thành một thế lực "khuynh đảo" trên sân chơi di động, hệt như cách hãng đang thống trị mạng Internet hiện nay. Chỉ có điều, Google tin họ có thể hoàn thành tham vọng đó mà thậm chí không cần đến một "con dế" riêng.
Tối qua, lần đầu tiên Google vén màn hé lộ "Tham vọng di động" của hãng, với việc công bố một gói phần mềm miễn phí - dự định đáp xuống thị trường trong nửa cuối năm 2008.
Nguồn: AP
Tên của nó là Android, nhằm tưởng nhớ một công ty di động tại Thung lũng Silicon bị Google thâu tóm cách đây 2 năm.
Tự do và nguồn mở
Google hy vọng Android sẽ mở ra một kênh quảng cáo mới đầy hấp dẫn, kèm theo đó là những dịch vụ di động lôi cuốn, hữu ích, đủ để thoả mãn người dùng khi họ rời xa máy tính cá nhân.
Trái ngược với những lời đồn đại rộ lên từ nhiều tháng nay, Google không hề chế tạo một chiếc điện thoại riêng, cũng không có kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất bên ngoài để tung ra ĐTDĐ "Google-inside" (tức là cài đặt trọn bộ phần mềm của Google).
Thay vào đó, hãng sẽ hợp tác cùng 4 nhà sản xuất và 29 công ty của Liên minh ĐTDĐ Nguồn mở trong việc phát triển gói phần mềm Android.
Lẽ tất nhiên, Giám đốc điều hành Eric Schmidt vẫn tỏ vẻ úp mở về khả năng tung ra một "con dế" riêng, dùng phần mềm của riêng hãng trong tương lai. "Chúng tôi không muốn loại trừ bất cứ khả năng nào", ông này tuyên bố.
Còn hiện tại, Google sẽ tập trung toàn lực vào việc kêu gọi hỗ trợ cho Android. "Tất cả các nhà phát triển sẽ có quyền truy cập vào mã nguồn Android như nhau. Sự tự do này sẽ thúc đẩy sáng tạo và cải tiến dành cho smartphone. Bạn sẽ có thể làm được những điều kỳ diệu với con dế của mình, theo một cách chưa bao giờ dám mơ đến trước đây".
Tuy nhiên, người dùng sẽ phải sắm một chiếc điện thoại mới nếu muốn sử dụng phần mềm Google, bởi lẽ Android không tương thích với những model hiện có trên thị trường.
Mối đe doạ lớn
"Dù còn lâu mới phát hành, nhưng Android đã nổi lên như một mối đe doạ lớn cho những hệ điều hành di động của Microsoft, RIM, Palm hay Symbian", hãng phân tích Gartner nhận định.
Do Android hoàn toàn miễn phí, nó sẽ buộc các hệ điều hành kia phải giảm giá tối đa để cạnh tranh. Những mẫu smartphone cài Android tất yếu sẽ rẻ hơn, bởi nhà sản xuất không mất phí mua phần mềm và phát triển ứng dụng mới.
"Đây là phát súng đầu tiên của Google, nhưng cả thế giới đã nghe thấy", chuyên gia Michael Gartenberg của Jupiter Research ví von.
Với hơn 3 tỷ điện thoại di động đang hoạt động trên toàn thế giới, Google muốn đảm bảo rằng bất cứ ai cũng có thể sử dụng các dịch vụ của hãng như tìm kiếm, email, bản đồ... trên ĐTDĐ dễ dàng y như trên máy tính cá nhân.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của Google lúc này lại chính là các mạng di động. Họ không dễ gì nhường quyền kiểm soát dịch vụ vào tay gã khổng lồ tìm kiếm vì sợ bị tranh mất lợi nhuận. "ĐTDĐ là một sân chơi không tự do như Internet. Có thể hình dung về nó như một khu vườn cấm vậy, nơi các mạng di động có quyền lực tối thượng", Gartenberg bình luận.
Khu vườn cấm
Hiện tại, Motorola, Samsung, HTC và LG Electronics đã đồng ý trang bị Android cho một số sản phẩm sắp phát hành. Google hy vọng gói phần mềm này sẽ có thể xuất hiện trong hàng ngàn model khác nhau vào thời điểm nó chính thức tung ra.
Một số dịch vụ di động cũng đã tỏ ý cởi mở với Android. Trong số này có Sprint Nextel và T-Mobile của Mỹ, China Mobile của Trung Quốc, Telefonica của Tây Ban Nha và Telecom Ý. Ngoài ra, Android cũng sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ các đại gia Intel, Qualcomm, Texas Instrument và Nvidia.
Thế nhưng sự quay lưng của AT&T và Verizon Wireless, hai mạng di động lớn nhất nước Mỹ với tổng cộng 130 triệu thuê bao, có thể gây ra khá nhiều khó khăn cho Android.
Mặc dù vậy, phố Wall vẫn quyết định đặt cược cho Google và Android. Kể từ khi thông tin về "Tham vọng di động" của Google bắt đầu rò rỉ hồi tháng 9, giá cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 200 USD, tức là gần 40%. Nó đạt đến đỉnh cao kỷ lục 730,23 USD vào chiều qua, sau đó giảm nhẹ xuống còn 725,65 USD phiên cuối cùng.
Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)