Masaya Igarashi muốn sắm một chiếc tai nghe 200 USD cho "con" iPod Touch mới mua, lại đang giằng xé giữa chiếc máy chơi game Nintendo Wii với Sony PlayStation 3.
Còn nếu dư dả tiền tới mức có thể tiêu không cần suy nghĩ, cậu hẳn sẽ lao ngay đến cửa hàng máy ảnh số hay TV màn hình phẳng.
Nguồn: Akihabara
Vai trò mờ nhạt
Vai trò của PC đang ngày một mờ nhạt tại Nhật, khi mà sức mạnh độc quyền một thời của nó đang bị thách thức bởi hàng loạt thiết bị mới như smartphone, Pocket PC, máy chơi game thế hệ mới, máy quay video cầm tay lưu được hàng TB dữ liệu.
"Máy tính không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi nữa", Igarashi tâm sự khi đang đi mua sắm ở bách hoá điện tử Big Camera ngay giữa trung tâm Tokyo. "Chiếc máy desktop 3 năm tuổi ở nhà tôi vẫn chạy tốt".
"Số tiền ấy tôi dành để mua thứ khác thì hơn".
Không có gì khó hiểu khi thị trường PC của Nhật đang tuột dốc không phanh. 25 năm sau ngày PC cách mạng hoá cả ngành công nghiệp điện tử gia dụng, nhiều nhà phân tích tự hỏi không biết Nhật có trở thành thị trường lớn đầu tiên chứng kiến sự tuyệt chủng của máy tính cá nhân hay không.
Một câu hỏi nữa: Liệu viễn cảnh này có lặp lại ở cả những quốc gia khác?
"Thị trường PC gia đình đang bị những thiết bị điện tử khác như TV màn hình phẳng và ĐTDĐ xí chỗ", nhà phân tích Masahiro Katayama của IDC bình luận. Doanh số tiêu thụ đã giảm 5 quý liên tiếp - một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Tệ hơn nữa là xu hướng này không hề có dấu hiệu gì đảo chiều. Quý II vừa qua, doanh số desktop tiếp tục giảm 4,8%, trong khi laptop giảm 3,1%.
Không còn cần tới
Đà suy thoái không bỏ sót một hãng nào. NEC và Sony ế hàng từ năm 2006, trong khi Hitachi vừa tuyên bố tháng trước là sẽ rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực kinh doanh PC, nhằm tập trung nguồn lực cho những mặt hàng mũi nhọn khác.
"Người tiêu dùng không còn bị ấn tượng bởi ổ cứng lớn hay vi xử lý nhanh nữa. Điều đó không làm họ phấn khích bằng một chiếc TV kích cỡ to hơn được.
Tại Nhật Bản, bọn trẻ lớn lên cùng với điện thoại di động chứ không phải PC. Phải nói là tương lai của PC không hề sáng sủa chút nào", ông Katayama phân tích.
Ngày nay, người Nhật tải nhạc trực tiếp về ĐTDĐ hoặc iPod chứ không phải máy tính. Ngày càng nhiều người dùng ĐTDĐ để mua sắm hay chơi game.
Máy ảnh số kết nối trực tiếp với máy in hoặc TV màn hình phẳng để xem ảnh. Nhiều mẫu TV thậm chí có thể download cả phim từ mạng Internet.
Hơn 50% dân Nhật gửi email và duyệt Net bằng điện thoại. 4% đã ngừng hẳn việc sử dụng email trên máy tính, kể từ khi điện thoại của họ trang bị tính năng này.
Trong cuộc triển lãm điện tử quy mô vừa diễn ra ở Tokyo hồi tháng 10, trong khi các quầy trưng bày PC đìu hiu chợ chiều, lèo tèo vài hãng thì gian hàng TV màn hình phẳng lúc nào cũng sầm uất, náo nhiệt và đông đúc.
"Không thể chối cãi được nữa: PC đã bị thất sủng. Giá trị của PC ngày càng nhỏ đi trong mắt người Nhật, trừ phi là nó có thêm tính năng gì đột phá".
Cố gắng vẫy vùng
Không còn cách nào khác, các hãng PC phải tích cực quảng bá sản phẩm của mình tại những nước đang có tiềm năng tăng trưởng - nơi mà số đông dân số chưa sở hữu chiếc máy tính nào.
Hai phương pháp marketing mà họ chọn là: Nhắc nhở với xã hội rằng "PC vẫn giữ vai trò thiết yếu trong việc kết nối thế giới số" và tiếp thị cho những mẫu laptop có giá dưới 300 USD ngay trước mùa Noel.
Một số giải pháp tình thế khác là biến PC giống với một thiết bị nghe nhìn hơn, hoặc là một món đồ trang trí nội thất mang tính nghệ thuật. Lấy thí dụ, mẫu desktop mới của Sony khi gập gọn lại thì biến thành đồng hồ. Phiên bản mới nhất thậm chí còn treo được lên tường. NEC thì cố gắng cải tiến để bộ phận quạt gió chạy êm hơn.
Mặc dù vậy, ngay cả một hãng "bậc thầy" về thời trang như Apple cũng phải chứng kiến thị phần và doanh số tiêu thụ tại Nhật giảm hơn 5% trong 9 tháng qua.
"Có nhiều lý do để Nhật trở thành nước đầu tiên chứng kiến sự ra đi của PC. Người Nhật nghiện công việc, nhưng rất ít người mang việc về nhà làm. Một khi đã rời văn phòng, họ chỉ cùng lắm là check mail hoặc tải nhạc về điện thoại mà thôi", Katayama cho biết.
Trọng Cầm (Theo AP)