Website mạng xã hội như blog, chia sẻ video hoặc ảnh trực tuyến, hấp dẫn được 230 triệu thành viên vào cuối năm 2007 và con số này còn tiếp tục tăng mạnh đến cuối năm 2009. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn rụt rè các khoản đầu tư dài hạn vì cho rằng sự tăng trưởng đó không bền vững.
Ảnh: Comstock Image. |
Datamonitor (Anh) mới đây đã công bố kết quả một nghiên cứu tổng thể của hãng về thị trường và phát triển kỹ thuật của mạng xã hội với góc độ một hiện tượng đặc biệt của văn hóa.
Theo cuộc điều tra này, số người đăng ký gia nhập vào thế giới ảo sẽ tăng đột biến trong thời gian ngắn và đạt cực thịnh vào năm 2009, đem lại cho các nhà cung cấp dịch vụ số tiền khoảng 965 triệu USD. Nhưng sau đó sẽ giảm dần và đi vào ổn định vào năm 2012 với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD mỗi năm.
Số người tham gia mạng xã hội cũng có sự khác biệt ở từng khu vực. Châu Á – TBD là nơi cộng động này phát triển sôi động nhất, chiếm 35% “dân số” mạng xã hội toàn cầu vào cuối năm 2007. Tiếp theo là khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi với 28%. Cư dân mạng ở Bắc Mỹ chiếm 25% trong khi vùng Caribbean và Mỹ Latinh “đóng góp” 12%.
Bản báo cáo của Datamonitor đã chỉ ra sự phát triển sôi động của mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu như một hiện tượng đặc trưng thời “dot com”. Tuy nhiên, thực tế giới đầu tư cũng đang “phân vân đứng giữa 2 dòng nước”. Họ thèm khát và không muốn bỏ lỡ nguồn doanh thu khổng lồ từ những dịch vụ như Google và Yahoo mang lại. Nhưng trào lưu web cũng không hứa hẹn gì nhiều cho đầu tư dài hạn. Đó cũng là nguyên nhân tại sao hầu hết các website mạng xã hội nổi tiếng đều chọn cách phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) để huy động vốn.
Các nhà phân tích của Datamonitor cho rằng cơ hội lớn nhất hiện nay chính là cung cấp giải pháp hạ tầng kỹ thuật để vận hành website, các hướng khai thác, hỗ trợ để dịch vụ trở nên phong phú hơn. Trong thời gian tới, số lượng website theo phong trào này sẽ tăng đáng kể nhưng những dịch vụ đã “thành danh” sẽ vẫn đóng vai trò chính trong cộng đồng mạng.
Hưng Hải (theo CNET)