(VietNamNet) - Trong những ngày qua, dư luận và giới báo chí của Việt Nam đã được "thử tải" lần đầu tiên trước ảnh hưởng của cộng đồng blogger Việt Nam, với những nội dung được phát tán với tốc độ chóng mặt, khiến giới báo chí tốn không ít giấy mực phản ánh, cùng những luồng ý kiến tranh luận nảy lửa. Vấn đề đang được đặt ra là tính chính xác trong nội dung của blog đến đâu, và ai sẽ chịu trách nhiệm về những thông tin xấu được phát tán trên đó?
![]() |
Blog, YM: Công cụ phát tán nội dung "siêu tốc"
![]() |
Sir. Đ.T., một trong những blogger có entry khá sớm đề cập đến đoạn video sex của diễn viên TL và link download, lúc 23h03 phút ngày 11/10. |
Theo những thông tin PV VietNamNet thu thập được, một trong những nguồn đầu tiên phát tán đoạn video sex nói trên xuất phát từ một đường link dẫn tới dịch vụ chia sẻ video YouTube nổi tiếng của Google. Chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn chừng vài chục phút trong buổi tối ngày 11/10, đoạn video với dung lượng hơn 6MB này đã có hàng ngàn lượt xem, và ngay sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi YouTube.
Tuy nhiên, đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm phiên bản copy của đoạn video flash đó (định dạng .flv) đã được download về và chuyển đổi sang nhiều định dạng video số khác nhau như .wmv, .3gp... thuận tiện cho việc download và xem để tiếp tục "nhiệm vụ" đáp ứng sự hiếu kỳ của người dùng Internet. Từ đây, đoạn video sex được các "cư dân mạng" tò mò truyền tay nhau, phát tán theo cấp số nhân dưới nhiều hình thức, từ gửi link qua nhắn tin YM, post lên diễn đàn công cộng cho tới đưa lên các blog cá nhân để thu hút nhiều người đọc.
Nếu xét theo Pháp luật Việt Nam, tất cả những hành vi gửi đường link qua YM, post lên diễn đàn hay đưa các link, video clip vào blog để dẫn tới đoạn video sex đều bị coi là hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ
Truy tìm kẻ phát tán nội dung xấu trên mạng: Không đơn giản!
Việc phối hợp với các dịch vụ Internet nổi tiếng của Mỹ như YouTube của Google hay Blog 360o của Yahoo! để truy tìm dấu vết thủ phạm vẫn là chuyện chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nếu không muốn nói là vẫn quá xa vời đối với cơ quan quản lý về Internet và an ninh mạng tại nước ta. Đây là một quy trình khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ theo thời gian thực từ nhiều phía, kể cả bằng các biện pháp ngoại giao phản ứng nhanh chóng.
Đó là chưa kể đến khả năng thủ phạm là kẻ có trình độ máy tính cao, sử dụng các hình thức như fake IP, dùng vài tầng dịch vụ proxy để che giấu địa chỉ IP thật của mình, hoặc gửi một người ở nước ngoài nhờ post đoạn clip lên YouTube rồi phát tán đường link. Thậm chí, khi có được địa chỉ IP của thủ phạm tại Việt Nam, công việc điều tra vẫn có thể rơi vào bế tắc nếu đó là một hàng Internet công cộng hoặc một quán Cafe Wi-Fi thông thường.
![]() |
Những hình ảnh liên quan tới đoạn clip quay bằng ĐTDĐ lập tức được các blogger tìm kiếm, đăng tải kèm những câu chuyện đồn thổi không có điểm dừng... |
Có thể kết án khi blogger phạm pháp
Những quốc gia phát triển về Internet như Mỹ hay châu Âu đều đã có các hình thức tố tụng pháp lý và những bản án đối với những hành vi đưa nội dung xấu, phạm pháp lên blog nói riêng và Internet nói chung. Tuỳ vào mức độ ảnh hưởng, tác hại do nội dung xấu được phát tán trên blog, chủ nhân có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.
dự thảo về đạo đức trên blog toàn cầu. Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu của hiện tượng này, và rất cần có những cơ chế hành pháp đủ mạnh để blogger hiểu rằng mặc dù blog là thế giới ảo trên Internet, nhưng khi hành động trên blog của họ gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức khác ngoài đời thực, họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý theo Luật pháp của xã hội thực.
Điểm mấu chốt quan trọng để có thể chứng minh một công dân phạm pháp vì những hành động trên blog của họ chính là việc chứng minh được anh ta là tác giả của blog và những hành vi trên đó. Đối với những blogger nghiêm túc và sử dụng blog trong thời gian dài, nội dung được viết trên blog và sự tương tác, trao đổi thông tin với các blogger khác phần nào cũng có thể giúp xác định danh tính ngoài đời thực của blogger. Nhưng với những blog nặc danh, được đăng ký nick chỉ với mục đích phát tán các thông tin, nội dung xấu vi phạm pháp luật, nhà chức trách cần có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kịp thời.
Về mặt lý thuyết, ngay khi phát hiện hoạt động truy cập/download tăng vọt vào một địa chỉ web/blog có nội dung xấu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu các ISP tại Việt Nam chặn hoạt động truy cập này, đồng thời liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ như Yahoo 360, YouTube... gỡ bỏ các nội dung xấu đó thông qua một kênh phối hợp trực tiếp.
Trách nhiệm của blogger với cộng đồng
![]() |
AngelFly, một blog vừa được tạo ngày 12/10 để chuyên "đưa tin đồn" về vụ việc của diễn viên TL, nhưng cũng đã có tới gần 150 ngàn lượt người xem. |
Nhiều blogger sau khi thoả chí tò mò, vẫn tiếp tục bị "nhồi" quá nhiều tin nhắn YM, comment lên blog về những địa chỉ download đoạn video sex mới, cùng các địa chỉ blog cập nhật thông tin "vỉa hè" được đồn thổi tứ tung, đã phải treo status lên chat Yahoo rằng "Làm ơn đừng gửi đường link về TL cho tôi nữa...".
Nhiều blogger sau khi cập nhật thông tin khắp nơi về blog của mình để "tổng thuật" vụ scandal video sex của diễn viên nổi tiếng, đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực, ngoài những con số page view tăng vọt kèm theo những lời comment bậy bạ, thô tục của những blogger chưa từng quen biết.
Ở các quốc gia phát triển về Internet, khi một blog phát tán nội dung có ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, các blogger khác sẽ phản ứng, thông báo vi phạm (Report Abuse) tới nhà cung cấp dịch vụ blog và cơ quan quản lý. Cộng đồng blogger nhờ đó tự tạo ra cho mình khả năng miễn nhiễm trước những thông tin xấu, làm tổn hại tới cá nhân, cộng đồng.
![]() |
Tacke, một trong những blog có nhiều entry và tổng hợp nhiều "thông tin bên lề" nhất ngay từ khi vụ việc diễn ra, được nhiều blogger copy lại để đưa lên blog của mình. |
Với khả năng liên kết cộng đồng và truyền tải thông tin rất nhanh, cộng đồng blogger Việt Nam đang hình thành một sức ép cạnh tranh nhất định với các phương tiện truyền thông đại chúng. Những phong trào vận động ủng hộ đồng bào bão lụt sau bão số 2, bão số 5 vừa qua, chia sẻ và tưởng niệm các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ của cộng đồng blogger Việt đã tạo nên những hiệu ứng xã hội rất tích cực.
Sau những "trận sốt dịch" như scandal video sex vừa qua, mỗi blogger đều sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình đối với cồng đồng nói chung và giới blogger nói riêng, và tự nâng cao dần khả năng "đề kháng" của mình trước những thông tin xấu. Chính blogger Việt sẽ là những người giám sát, ngăn chặn nội dung xấu trên blog ngay khi nó vừa xuất hiện và phát tán, để bảo vệ cho quyền lợi thiết thực của chính họ.
-
Bình Minh - Nguyễn Hiếu
Quan điểm của quý độc giả về khả năng ngăn chặn nội dung xấu trên blog: