Trang web chia sẻ video số một thế giới vừa khai trương công nghệ bộ lọc rất được chờ đợi: tự động gỡ bỏ các clip xâm phạm bản quyền điện ảnh, truyền hình hay ca nhạc.
Bộ lọc này được thiết kế sao cho tác giả bản quyền có thể chặn không cho nội dung của họ xuất hiện trên YouTube. Ngoài ra, họ còn có một lựa chọn khác: chấp thuận cho video clip tiếp tục tồn tại trên YouTube, nhưng đổi lại, sẽ có thể bán quảng cáo kèm theo.
Nguồn: Reuters
Để tìm kiếm và gỡ bỏ các clip ca nhạc xâm phạm bản quyền, YouTube vẫn sử dụng một bộ lọc riêng do Audible Magic phát triển.
Việc các video clip không phép xuất hiện tràn lan trên YouTube trước đây đã khiến cho Website này bị chỉ trích quyết liệt. Đỉnh điểm là vụ Viacom kiện YouTube ra toà và đòi bồi thường 1 tỷ USD do "hiển thị hàng ngàn clip có bản quyền" mà không xin phép.
Lượng truy cập vào YouTube càng lớn thì nỗi bức xúc của các hãng phim và truyền hình càng lớn. Tuy YouTube cũng bày tỏ thiện chí bằng cách gỡ bỏ các clip xâm phạm bản quyền ngay sau khi bị phàn nàn, nhưng dường như hãng vẫn thiếu một sự "chủ động" nhất định.
Các hãng phim cho rằng YouTube đã cố tình làm ngơ trước nạn sao chép trái phép, miễn là có thêm nội dung hấp dẫn để thu hút công chúng và tăng lượng hit.
Vô tác dụng?
Trước cáo buộc này, YouTube đã phải bắt tay với Google để gấp rút phát triển các công cụ phát hiện, đánh dấu và gỡ bỏ clip có bản quyền.
Quan chức của Google bắt đầu hứa hẹn về một "bộ lọc" như vậy cách đây 6 tháng, và giờ thì nó đã chính thức trình làng.
Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để tiên liệu bộ lọc này có tác động gì đến vụ kiện của Viacom hay không.
Luật sư Louis Solomon, người đại diện cho Liên đoàn bóng đá Anh (cũng đang tranh chấp với YouTube xung quanh chuyện bản quyền các clip trận đấu trong Giải ngoại hạng) tuyên bố gọn lỏn rằng "hệ thống này hoàn toàn vô giá trị: Chẳng làm gì để thay đổi được quá khứ và cũng chưa đủ để bảo vệ cho tương lai".
Muốn hệ thống mới phát huy hiệu quả, YouTube cần có sự hợp tác của các hãng truyền thông. Các hãng phim, truyền hình, ghi âm... sẽ phải cung cấp nội dung gốc cho YouTube, để rồi website này so sánh chúng với các file do người dùng up lên.
Điều này có nghĩa là các hãng truyền thông phải cung cấp hàng thập kỷ dữ liệu cho YouTube, nếu như không muốn nội dung của họ xuất hiện trái phép.
Trọng Cầm (Theo AP)