Google vẫn là ông vua của vương quốc tìm kiếm Internet, nhưng các đối thủ đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang khiến cho Gã khổng lồ này trầy da tróc vảy.
Mục đích của cuộc nghiên cứu của comScore là vẽ nên một bức tranh toàn cầu về mức độ phổ biến của các thương hiệu tìm kiếm trực tuyến, trong cuộc chiến tranh giành người dùng và dòng tiền quảng cáo.
Nguồn: AP
Theo đó, riêng trong tháng 8 vừa qua, đã có hơn 750 triệu người (ước khoảng 95% tổng số người dùng Internet toàn cầu) tiến hành 61 tỷ yêu cầu tìm kiếm các loại.
Các website của Google nhận được 37,1 tỷ câu lệnh tìm kiếm, trong đó công cụ tìm kiếm trên website chia sẻ video YouTube đóng góp khoảng 5 tỷ lệnh.
Yahoo tiếp tục đứng thứ 2 về số lượng khách hàng khi xử lý khoảng 8,5 tỷ câu lệnh tìm kiếm.
Sự nổi lên của châu Á
Công cụ tìm kiếm Baidu đến từ Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 3 với hơn 3,2 tỷ lệnh, qua mặt cả hai dịch vụ MSN và Live Search của Microsoft (tổng cộng được 2,2 tỷ lượt tìm kiếm).
Một sự ngạc nhiên nữa là Naver, hãng tìm kiếm đến từ Hàn Quốc, đã lọt vào top 5 với 2 tỷ lệnh tìm kiếm, gạt ra ngoài những thương hiệu nổi tiếng của phương Tây như Ask.com hay AOL Search.
Cũng theo comScore, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đã đóng góp tới 20,3 tỷ lượt tìm kiếm.
"Sự nổi lên của các công cụ tìm kiếm châu Á như Baidu.com và Naver bên cạnh Google và Yahoo cho thấy: Tìm kiếm đã trở thành một hiện tượng toàn cầu theo đúng nghĩa".
"Việc quốc tế hoá thị trường tìm kiếm sẽ mang đến những cơ hội đầy hấp dẫn cho quảng cáo, không nghi ngờ gì nữa".
Sau châu Á, người dùng Internet châu Âu cũng sử dụng dịch vụ tìm kiếm rất tích cực. 206 triệu người đã tiến hành khoảng 16 tỷ câu lệnh tìm kiếm khác nhau.
Ở thái cực đối lập, Trung Đông và Châu Phí là hai khu vực có Internet ít phát triển nhất và ít nhu cầu tìm kiếm nhất: 30 triệu người dùng chỉ tìm kiếm khoảng 2 tỷ lượt mà thôi.
Trọng Cầm (Theo AP)