Một người đàn ông sống tại California (Mỹ) vừa đâm đơn kiện Apple đã tạo ra một cơ chế độc quyền bất hợp pháp với chiếc iPhone, không cho phép người dùng Mỹ được chọn lựa một nhà cung cấp dịch vụ di động nào khác ngoài AT&T.
Ông Damian Fernandez - luật sư đại diện bên nguyên đơn – cho biết, nội dung hồ sơ vụ kiện được để trình lên toà án ngày 5/10 vừa qua còn nêu rõ hành động phát hành bản nâng cấp phần mềm biến iPhone mở khoá thành “một cục gạch” là một hành động ngăn chặn người dùng được chọn lựa sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp khác.
Luật sư Fernandez tuyên bố thân chủ của ông muốn vụ kiện này sẽ đại diện cho quyền lợi của tất cả những người đã mua iPhone ở Mỹ. Ước tính Apple đã tiêu thụ được khoảng 1,28 triệu chiếc iPhone trên thị trường Mỹ kể từ khi thiết bị này chính thức ra mắt ngày 26/6.
Để mua được iPhone người dùng buộc phải ký hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ của AT&T tối thiểu phải trong 5 năm liên tiếp. Chính sách này đã làm bùng dậy một làn sóng mở khoá iPhone cho phép thiết bị có thể vận hành với bất kỳ một mạng di động GSM nào.
Như vậy, hồ sơ vụ kiện kết luận, Apple đã có hành động độc quyền, buộc khách hàng phải sử dụng dịch vụ của AT&T và không hề muốn mở khoá dịch vụ nhằm cho phép người dùng được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác.
Không những thế Apple còn vô hiệu hoá những chiếc iPhone đã mở khoá bằng bản cập nhật phần mềm phát hành ngày 27/9 vừa qua. “Đây là hành động trừng phạt khách hàng của Apple,” luật sư Fernandez khẳng định trong hồ sơ vụ kiện.
Mục tiêu của vụ kiện là mong muốn toà án yêu cầu Apple phải mở khoá iPhone, cung cấp cả dịch vụ bảo hành cho iPhone mở khoá, và cho phép người dùng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động khác. Vụ kiện cũng yêu cầu Apple phải đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, mức đền bù không được tiết lộ.
Apple từ chối bình luận về thông tin nói trên.
(Theo VnMedia/AFP)