Nếu mong muốn sở hữu một chiếc máy nghe nhạc iPod xem được video, hãy thẳng tiến đến Hồng Kông (nếu bạn ở châu Á), hoặc Hy Lạp (nếu bạn ở châu Âu). Nhưng tốt nhất, nên tránh xa Brazil nếu không muốn bị cháy túi.
Một trong những ngân hàng lớn nhất nước Úc - Commonwealth Bank đã sử dụng chiếc máy nghe nhạc siêu mỏng Nano 4GB (sản phẩm mới nhất của Apple) để so sánh thị giá và giá trị tiền tệ, cũng như sức mua tại 55 quốc gia trên thế giới.
Nguồn: Reuters
Tương tự như bảng chỉ số Big Mac do tạp chí The Economist xây dựng cách đây 20 năm, cuộc nghiên cứu của Commonwealth Bank so sánh giá bán của Nano 4GB tại các nước (tính theo đồng USD) và phát hiện ra rằng: người Brazil bị "cắt cổ" nhất, khi phải bỏ tới 369,61 USD để mua sản phẩm.
Đứng thứ hai trong danh sách "chặt chém" là Bulgaria, nơi người dân địa phương và du khách phải trả tới 318,60 USD cho chiếc máy nghe nhạc Nano 4GB.
Ở thái cực đối lập, Hồng Kông là thiên đường cho các tín đồ iPod. Chỉ với 148,12 USD, bạn đã có thể bỏ túi chiếc máy nghe nhạc này. Mỹ là quốc gia bán rẻ thứ hai, với 149 USD, theo sau là Nhật Bản (154,21 USD) và Singapore (167,31 USD).
Do đồng dollar Úc đã tăng vọt lên mức kỷ lục của 18 năm qua, Úc đã leo một mạch 11 bậc lên vị trí thứ 8 trong Bảng chỉ số iPod. Mỗi chiếc máy nghe nhạc ở đây được bán với giá 175,42 USD, rẻ hơn so với Đức (211,62 USD), Pháp (225,82USD), Hàn Quốc (180,6 USD) và ngay cả với Trung Quốc - nước trực tiếp sản xuất ra iPod Nano.
Trong khu vực EU sử dụng đồ euro, giá cả của iPod Nano cũng rất khác nhau. Các cửa hàng bán lẻ ở Hy Lạp thường đưa ra mức giá hời nhất.
Theo Commonwealth, việc so sánh sức mua và giá cả của sản phẩm ở nhiều quốc gia cùng lúc có thể cho thấy một đồng tiền này đang bị cao giá hay thấp giá so với những đồng tiền khác. Kết quả mà Ngân hàng này rút ra được là đồng USD đang giảm giá so với gần như tất cả các loại tiền tệ khác trên toàn thế giới.
Một điểm nữa cũng nổi lên rất rõ từ báo cáo này là biểu thuế quan khác nhau mà các nước đang áp dụng. Brazil và Argentina thường đánh thuế rất cao nên nếu có điều kiện, người dân địa phương thường ra nước ngoài để mua sắm.
Trọng Cầm (Theo Reuters)