Từ khi bước chân vào thế giới ảo hồi tháng 12 năm ngoái, bà Maria Amelia López, 95 tuổi, người Tây Ban Nha, đã thu hút hàng ngàn độc giả từ khắp nơi trên thế giới bằng những bài viết sâu sắc của mình.
Bà Maria Amelia López viết blog miêu tả khung cảnh mùa hè ở Muxía – Tây Ban Nha, nơi bà sinh ra, và ở một nông trang vùng Galicia, nơi bà sống trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Bà López, giờ đã tự gọi mình là “blogger già nhất thế giới”, chỉ mới phát hiện ra Internet cuối năm ngoái khi nghe có tiếng nói phát ra từ máy tính.
Độc giả gọi bà là “bà già nhỏ bé”, họ mải mê theo dõi bà suy ngẫm về hiện tại và hồi tưởng quá khứ.
350.000 lượt truy cập!
Nhật ký trực tuyến của bà (amis95.blogspot.com) là một biên niên ký phong phú với những hồi ức sống động về cuộc sống- từ thời trang và quyền công nhân đến chủ nghĩa khủng bố xứ Basque và chương trình hạt nhân của Iran.
Cháu trai bà, anh Daniel, 35 tuổi, đã lập blog này thay quà sinh nhật cho bà hồi tháng 12. Từ đó, blog của bà López đã thu hút 350.000 lượt truy cập, phản hồi và cả sự quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài như Chile, Venezuela, Nga và Nhật.
“Đây là cả một thế giới mới”, bà López nói. Người phụ nữ thanh lịch có đôi lông mày cao và cong cùng ánh mắt sắc sảo này thường đọc cho cháu mình gõ lại các bài viết. “Cũng giống như đối thoại vậy, và những người nghe tôi nói trở thành bạn tôi”.
Bà López, giờ đã tự gọi mình là “blogger già nhất thế giới”, chỉ mới phát hiện ra Internet cuối năm ngoái khi nghe có tiếng nói phát ra từ máy tính – khi ấy cháu trai bà đang nói chuyện với một người bạn ở Mexico.
Ngồi trong phòng máy tính của toà thị chính tại một thị trấn yên bình phía Tây Bắc Tây Ban Nha, bà nhớ lại: “Khi ấy, tôi đã nghĩ ‘Chuyện quỉ quái gì thế nhỉ?’”.
Và khi được nghe người cháu giải thích, bà López đã quyết định dùng Internet làm công cụ để bắt kịp thế giới.
Nghiền ngẫm quá khứ và hiện tại...
“Tôi đã nói với nó: ‘Giữa thời của bà với thời của cháu có một khoảng cách rất lớn. Bà muốn hiểu văn hoá của cháu. Bà muốn vượt lên tất cả’”, bà nói.
Anh Daniel đã lập blog và dạy bà cách sử dụng Internet để đọc tờ báo tiếng Tây Ban Nha El Pais. Anh in các bản tiểu sử và bài viết mới từ Web cho bà đọc và giúp bà trả lời trên blog vì bà bị cận và hay mỏi mắt khi đọc chữ trên màn hình máy tính.
Với lối viết mạch lạc, hài hước và giản dị, blog của bà López miêu tả khung cảnh mùa hè nhìn từ ban công nhà bà bên bờ biển ở Muxía, nơi bà sinh ra, và từ một nông trang vùng Galicia, nơi bà sống trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Bà viết không đều, có lúc mỗi tuần chỉ một bài, lại có khi ngày nào cũng viết; bà kể về chứng sưng khớp, những lần chóng mặt và những chuyến đi khám bác sĩ.
Bà mô tả tiến độ thi công khu chung cư kế bên nhà mình ở Muxía, phản ánh rằng máy móc của họ quá thô sơ và không có các biện pháp an toàn lao động; bà cũng phàn nàn về đường truyền băng thông rộng chất lượng quá kém ở Galicia.
Hồi tháng 1, bà tự hỏi làm sao các cô gái đi lễ nhà thờ có thể đủ ấm khi mặc váy ngắn đến mức “hở cả hông và quần lót”. Bà cho biết mình không phản đối thời trang hiện đại. “Một chiếc váy ngắn với đôi chân đẹp – tôi thích thế”, bà viết. “Nhưng bạn thực sự cần có một đôi chân đẹp”.
Tháng 5, bà gửi lên một bài viết cập nhật định kỳ về chuyến đi Brazil, đăng ảnh mình khiêu vũ bên bờ biển và lội nước. Đó là lần đầu bà đi du lịch ra bên ngoài châu Âu.
Khi ETA, nhóm ly khai vũ trang xứ Basque, chính thức kết thúc hiệp định ngừng bắn hồi tháng 6, bà López hướng cái nhìn cảm thông tới Thủ tướng Zapatero, người đã rất nỗ lực vì hoà bình. “Ông đã làm những gì có thể,” bà viết trên blog. “Và ông vẫn sẽ làm nữa nếu có thể, nhưng điều này rất khó”.
Bà cho biết, chính ngài Thủ tướng cũng là một trong số hàng trăm người đã viết phản hồi cho bà López, để tán dương tính năng động của bà, chúc blog của bà… sống lâu hoặc xin ý kiến.
“Internet mở ra nhiều con đường và cũng giúp ta tìm lại quá khứ”
Nếu Internet đã cho bà López cơ hội mới để kết nối với thế giới bên ngoài thì nó đồng thời cũng đưa bà trở lại với những ký ức về quá khứ.
Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra năm 1936 - khi đó, bà López mới 25 tuổi. Trong một bài viết hồi tháng 3, bà López đã thuật lại việc bà và gia đình được một người lính tình cờ đi qua làng của bà bảo vệ. Đó là thời kỳ đầu nội chiến.
Một độc giả từ Madrid, anh Joaquín Polo, đã đọc bài viết của bà và viết thư phản hồi vì tin rằng người lính ấy chính là bác mình, ông Luis. Điều bất ngờ là ở chỗ bà López lại cũng quen biết cha mẹ của Polo.
“Internet mở ra nhiều con đường và cũng giúp ta tìm lại quá khứ”, bà viết.
Đã cuối hè, bà López cho biết kế hoạch sắp tới của bà là học cách định hướng tốt hơn trên Web và có thể là học một thứ tiếng nào đó. “Người già như tôi – và cả nhiều người già nhưng ít tuổi hơn tôi – đều nên có ai đó hướng dẫn cách dùng Internet,” bà nói. “Bạn cần phải được cập nhật thông tin”.
(Theo TPO/IHT)