Hãng điện tử Sony của Nhật Bản tuyên bố sẽ tung ra thị trường dòng TV màn hình OLED đầu tiên trên thế giới, cho ra hình ảnh tươi sáng, sắc nét hơn nhưng chiều dày màn hình lại vẻn vẹn có 3mm.
So với công nghệ LCD và plasma hiện hành, diode phát sáng hữu cơ (OLED) vừa tiết kiệm điện hơn, lại vừa cho phép thiết kế ra những màn hình siêu mỏng và siêu nhẹ. Sở dĩ như vậy là vì chúng không cần đến đèn nền màn hình để trình chiếu hình ảnh như các công nghệ TV hiện nay.
Nguồn: Reuters
TV OLED cũng đặc biệt mạnh mẽ trong việc hiển thị các hình ảnh chuyển động nhanh, rất phù hợp cho việc xem thể thao và phim hành động. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất lúc này của công nghệ OLED chính là ở kích cỡ.
Giới thiệu được một sản phẩm mới, mang tính đột phá về công nghệ có ý nghĩa đặc biệt với Sony vào thời điểm này. Vị trí dẫn đầu trên thị trường máy nghe nhạc số cầm tay của hãng đã bị Apple iPod giành mất.
Tương tự, trên địa hạt video game, doanh số tiêu thụ của PlayStation 3 cũng bị đối thủ Nintendo Wii bỏ xa, bất chấp việc Sony từng thống trị thị trường này trong suốt thập niên 90.
"Nhiều người đã mỉa mai rằng Sony chẳng cho ra đời được sản phẩm mới hấp dẫn nào, bất chấp sức mạnh công nghệ của hãng", Chủ tịch Sony Ryoji Chubachi tâm sự.
"Chính vì thế, tôi muốn chiếc TV OLED đầu tiên trên thế giới này trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh của hãng. Tôi muốn nó trở thành lá cờ đầu cho một cú hồi trào ngoạn mục của Sony".
Chấp nhận lỗ
Và quan trọng hơn, ông hy vọng TV OLED sẽ giúp hãng thống trị thị trường TV màn hình phẳng trị giá tới 82 tỷ USD hiện nay (tính gộp cả plasma lẫn LCD). Mặc dù vậy, rào cản mà TV OLED phải đối mặt là khá lớn.
Giá bán của chiếc TV 11 inch, dày 3mm này là 1740 USD, tức là cao ngang ngửa một TV LCD 40 inch cũng của Sony. Để đổi lại, bạn sẽ chỉ được thưởng thức một màn hình nhỏ hơn cả khổ giấy A4 vẫn hay dùng trong văn phòng.
"Hiện tại, công nghệ chưa cho phép họ sản xuất đại trà những mẫu TV kích cỡ lớn hơn. Chính điều này đã hạn chế sức hấp dẫn của TV OLED", hãng nghiên cứu Gartner nhận định.
"Chúng tôi không cho rằng TV OLED sẽ thay thế được LCD chỉ sau một đêm. Nhưng quả là công nghệ này ẩn chứa tiềm năng rất lớn".
Về phần mình, Chủ tịch Sony nói rằng ông đặt ra mức giá 1740 USD mà "không chú ý lắm đến lợi nhuận". Điều này đồng nghĩa với việc Sony chấp nhận "gánh lỗ" cho từng chiếc TV bán được trong giai đoạn đầu tiên. Nếu không có gì thay đổi, sản phẩm sẽ chính thức phát hành tại Nhật từ ngày 1/12 và "xuất ngoại" sau đó.
Tuổi thọ của TV mới cũng là một vấn đề. Nó chỉ đảm bảo chất lượng trong 30.000 giờ xem đầu tiên, tức là xấp xỉ một nửa tuổi thọ thông thường của TV LCD. Nhưng dù sao, thế cũng đã đủ để bạn ngồi lì trước màn hình 8 tiếng mỗi ngày trong liên tục 10 năm.
Trọng Cầm (Tổng hợp Reuters, BBC)