(VietNamNet) - Ngày 19/9 tới, quyết định quản lý thuê bao trả trước của Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức có hiệu lực. Nhưng khó khăn trong việc đăng ký và xác thực thông tin của chủ thuê bao không phải là nhỏ. VietNamNet xin giới thiệu bài phân tích của ông Ngô Sỹ Thuyết, một chuyên gia lâu năm trong ngành viễn thông, nguyên Trưởng phòng Tin học của Tập đoàn VNPT.
>> Chính thức quản lý thuê bao trả trước!
>> Các mạng di động sẵn sàng "quản" thuê bao trả trước
>> DN góp ý kiến dự thảo "trói" thuê bao trả trước
>> Chính phủ đồng ý triển khai Đề án quản lý thuê bao trả trước
Việc quản lý thuê bao di động trả trước (TBTT) là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên do Việt Nam không tiến hành quản lý từ 2-3 năm trước nên khi số thuê bao trả trước đạt trên 20 triệu mới đặt ra vấn đề quản lý thông tin TBTT, đã tạo nên những khó khăn lớn, phức tạp.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để người sử dụng TBTT có thể tự giác đến với các đại lý, điểm đăng ký để cung cấp thông tin về TBTT? Nhân viên đại lý có đủ trình độ, năng lực trách nhiệm, độ tin cậy để xác nhận thông tin của chủ thuê bao không... cùng hàng loạt vấn đề khác sẽ phát sinh trên quy mô lớn với hàng chục triệu thuê bao?
Vấn đề quan trọng nhất khi triển khai đề án quản lý thông tin TBTT là không gây phiền hà cho người đến đăng ký, việc đăng ký nhanh chóng, thuận tiện ở khắp nơi, bất cứ địa phương nào cũng có điểm đăng ký, mỗi thuê bao đăng ký mất chừng 3-5 phút, cuối cùng là không tốn kém kinh phí. Thông tin được nhập vào Cơ sở dữ liệu khách hàng để sử dụng cho việc chăm sóc khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động. Việc cung cấp thông tin từ TBTT đến nhà cung cấp dịch vụ một chiều qua SMS là không khả thi vì không xác thực được thông tin cung cấp, nên sẽ gây ra những sự phiền phức không đáng có.
Từ thực tế này, để thực hiện được việc quản lý thuê bao trả trước, có một số vấn đề cần được giải quyết trước mắt:
- Thứ nhất, cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật để khách hàng có thể đăng ký qua mạng Internet ở tất cả các đại lý của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Việc đăng ký này cần có nhân viên giao dịch tiếp nhận, xác thực các thông tin nhân thân của chủ thuê bao qua các giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân, bằng lái...
- Thứ hai, cần tăng số lượng điểm đăng ký, nhất là trong thời gian triển khai đề án phải huy động được toàn bộ số lượng đại lý của các nhà cung cấp.
- Chỉ nên kéo dài thời gian thực hiện việc đăng ký trong vòng 6 tháng, không nên kéo dài đến trên 12 tháng để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến khách hàng, cũng như các kế hoạch khai thác khác của nhà cung cấp dịch vụ.
- Sử dụng phương tiện truyền thông khác để phổ biến, giới thiệu: Thông báo trên truyền hình, sóng phát thanh, gửi SMS thông báo tới các thuê bao biết thời điểm kết thúc đăng ký.
- Cảnh báo SMS và qua các phương tiện truyền thông trước thời điểm kết thúc đăng ký 10 ngày.
- Dùng các thủ thuật nghiệp vụ để giảm thiểu thời gian khách đến đăng ký (gọi thử vào máy hiển thị số, copy CMT/hộ chiếu) sao cho vào giờ cao điểm mỗi khách chỉ mất 2-3 phút cho việc cung cấp thông tin đăng ký.
Ở các thành phố lớn, có thể tăng số máy tính nhập thông tin TBTT ở các điểm đăng ký khi sắp đến thời điểm kết thúc đăng ký.
Với cách triển khai như trên, giả sử cả nước có 20 triệu TBTT thực, có 2.000 điểm đăng ký là các đại lý/cửa hàng - nơi cung cấp dịch vụ điện thoại di động của tất cả các nhà cung cấp (các điểm đăng ký này phải được doanh nghiệp quản lý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật), trung bình mỗi điểm phục vụ 10.000 thuê bao. Nếu mỗi ngày đăng ký được 50 thuê bao/điểm, mất 200 ngày (khoảng 6,5 tháng); nếu đăng ký được 100 thuê bao/điểm, mất 100 ngày (3,5 tháng). Như vậy Bộ Thông tin - Truyền thông có thể triển khai và hoàn thành đề án trong vòng 6 - 7 tháng.
Ở đây, cũng cần lưu ý rằng chỉ tháng đầu và tháng cuối là thời gian cao điểm. Sẽ không có chuyện thuê bao trả trước “đổ xô” đi đăng ký thông tin mà sẽ rải đều trong cả 6 tháng. Công tác tuyên truyền cũng cần được huy động một cách hợp lý để “nhắc nhở, động viên” trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi thuê bao di động trả trước đối với đề án vì lợi ích chung trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an ninh trật tự và sử dụng có hiệu quả kho số - nguồn tài nguyên chung. Nếu mỗi điểm đăng ký có số lượng máy tính 2 - 5 chiếc để phục vụ 2 - 5 TBTT cùng thời điểm thì thời gian tổng thể còn ngắn hơn nữa.
Kết thúc 6 tháng, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hoàn toàn có trong máy chủ hệ thống CSDL số TBTT đã đăng ký (dự kiến sẽ chiếm khoảng 80%) và chưa đăng ký (20%). Sau khi nhắc lần cuối cùng qua SMS và các phương tiện truyền thông khác, nhà cung cấp chấp nhận cắt liên lạc đối với số thuê bao này theo quy định và kết thúc đề án.
Các vấn đề tiếp theo sẽ là quản lý cơ sở dữ liệu TBTT này như thế nào phụ thuộc vào từng nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cần phải có quy định thống nhất để đảm bảo việc phát triển thuê bao mới nhất thiết phải có CMTND/hộ chiếu. Về phía khách hàng sử dụng TBTT, trong các trường hợp: không sử dụng dịch vụ, mất điện thoại, cho, tặng phải đến các đại lý của nhà cung cấp dịch vụ để khai báo (trình CMT/hộ chiếu) nếu muốn chấm dứt sự ràng buộc, liên đới trách nhiệm của mình với những số thuê bao dạng này.
-
Ngô Sỹ Thuyết, VNPT
Ý kiến của quý độc giả về việc quản lý thuê bao trả trước: