(VietNamNet) – Trước quyết định quản lý thuê bao trả trước của Bộ Thông tin - Truyền thông, mặc dù các doanh nghiệp VinaPhone, MobiFone và Viettel chưa chính thức nhận được văn bản, nhưng các "nhà mạng" đều có chung nhận định ủng hộ việc thực thi động thái quản lý này.
>> Chính thức quản lý thuê bao trả trước!
>> DN góp ý kiến dự thảo "trói" thuê bao trả trước
>> Thuê bao trả trước chỉ được "giữ số" trong 3 tháng
>> Thuê bao trả trước có thể đăng ký quản lý qua mạng
>> Ngăn chặn SMS "ném đá giấu tay", cách nào?
>> "Ném đá giấu tay" thời… SMS
>> Tấn công DOS vào ĐTDĐ - Hiểm họa khôn lường!
Ảnh: Long Châu - Mobile Net |
Ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc Công ty Vinaphone cho biết: "Việc quản lý thuê bao trả trước trên mạng di động là hợp lý, nhằm tạo điều kiện kiểm soát, ngăn chặn những hành vi tiêu cực của các thuê bao. Đối với thuê bao trả trước đang hoạt động, để thuận lợi cho việc đăng ký lại, khách hàng nên nhắn tin SMS hoặc đăng ký trên cổng thông tin của Vinaphone. Khách hàng sẽ không mất phí đăng ký.
Mặc dù thắt chặt hơn quản lý thuê bao trả trước, nhưng tất nhiên, so với các thuê bao trả sau, việc đăng ký này vẫn chỉ mang tính chất tương đối. Ví dụ, khi người đăng ký sử dụng danh tính của mình cho thuê bao trả trước. Thời gian sau đó, thuê bao này lại được chuyển nhượng, sang tên cho người khác, trong khi vẫn mang tên của chủ thuê bao đầu tiên.
Tất nhiên, với tư cách của nhà cung cấp dịch vụ, chúng tôi quản lý theo thuê bao gốc, và chủ thuê bao phải có trách nhiệm với việc khai báo nhân thân của mình. Vì vậy, khách hàng đăng ký thuê bao trả trước sẽ có nghĩa vụ bảo đảm độ chính xác của địa chỉ, nguồn gốc của mình, tránh gây ra các phiền hà phát sinh khi sử dụng dịch vụ.
Vấn đề trở ngại chính của VinaPhone trong thời gian này là vai trò của các điểm giao dịch trên toàn quốc. Để tiếp xúc với khách hàng, mạng lưới dịch vụ của VinaPhone chủ yếu thông qua hai đầu mối là bưu điện tỉnh, thành và các điểm giao dịch, đại lý bán lẻ.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp, tập huấn cho các điểm giao dịch này trên phạm vi toàn quốc, yêu cầu chấp hành nghiêm quy định bắt buộc khách hàng phải khai báo đầy đủ nhân thân mới được hòa mạng dịch vụ điện thoại trả trước."
Trong bản góp ý lần cuối gửi Bộ BCVT, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom e ngại nhất là tính chính xác thông tin đăng ký qua SMS của chủ thuê bao trả trước, vì SMS không thể hiển thị chính xác tên của khách hàng với dạng hiển thị không có dấu tiếng Việt.
Theo ông Dũng, khi sử dụng hệ thống SMS hoặc cổng thông tin điện tử để đăng ký, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước không có cơ sở để kiểm chứng lại độ chính xác của thông tin, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu khai báo gian dối về thông tin nhân thân.
Tuy nhiên, Quyết định Quản lý thuê bao trả trước đã cho phép các điểm bán lẻ cung cấp thẻ SIM trả trước hoặc máy đầu cuối di động trả trước (loại không dùng thẻ SIM) được đăng ký nhân thân cho khách hàng. Đây là ưu thế lớn vì hiện tại, mạng này có khoảng 20.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc cung cấp 80% số lượng thẻ SIM trả trước.
Ông Đinh Việt Hưng - Trưởng Phòng Giá cước – Tiếp thị của MobiFone trả lời VietNamNet về việc triển khai quyết định "quản chặt" thuê bao trả trước của Bộ: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quản lý thuê bao trả trước, MobiFone đã có những bước chuẩn bị hệ thống từ tháng 7 và đang hoàn thành những công việc cuối cùng để tiến hành quản lý thuê bao trả trước theo đúng quy định.
MobiFone cũng đang nghiên cứu thêm các tình huống đăng ký sao cho khách hàng tiện lợi nhất. So với các mạng di động khác, điểm mạnh của MobiFone là các đại lý bán hàng và chăm sóc khách hàng, nhờ đó sẽ phát huy năng lực của các điểm bán lẻ này để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Ngay trong chiều mai (7/9), MobiFone sẽ triệu tập cuộc họp giữa đội ngũ tin học, tiếp thị bán hàng và chăm sóc khách hàng để triển khai quyết định mới của Bộ".
Hoàng Hùng (ghi)
Ý kiến của quý độc giả về quản lý thuê bao trả trước: