221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
975802
Gateway: Từ đại gia PC đến "phế phẩm đại hạ giá"
1
Article
null
Gateway: Từ đại gia PC đến 'phế phẩm đại hạ giá'
,

Đài Loan cách Iowa cả một chặng đường xa tít tắp. Thế nhưng khoảng cách ấy vẫn không là gì so với con đường mà Gateway đã đi trong 2 thập niên qua - từ đỉnh cao của một đại gia PC đến chỗ "món hàng bị mặc cả không thương tiếc".

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters
Acer đã đồng ý mua lại Gateway tối qua: Thông tin ấy không hề gây sốc cho nhiều người, bởi người ta đã râm ran chuyện Gateway bán mình từ vài năm nay.

"Lên voi xuống ..."

Nhưng mức giá 710 triệu USD mà Acer đưa ra đủ để khiến những người hiểu chuyện đau lòng. Nó là bằng chứng rõ nhất cho sự thoái trào, tuột dốc của một gã khổng lồ công nghệ, từng vênh vang hét giá tới 7 tỷ USD trước mặt Compaq hồi năm 1997.

Một chuỗi dài những quý tài chính bết bát, đội ngũ lãnh đạo lần lượt đội nón ra đi, một chiến lược kinh doanh kỳ cục... tất cả đã đẩy Gateway tới chỗ "chấm dứt cuộc đời tự do, độc lập" sau 22 năm ngang dọc trên thương trường.

Cơn sốt dotcom xì hơi hồi năm 2000 đã ảnh hưởng cực nặng lên Gateway, và thực tế là hãng này chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn. Dù Gateway có nỗ lực mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ, lấn sân sang địa hạt điện tử gia dụng và mua lại hãng PC bình dân eMachines... chẳng có kế hoạch nào thật sự có tác dụng.

Được thành lập năm 1985, Gateway sống dựa trên mô hình bán hàng trực tiếp (giống như Dell). Lúc đầu, mô hình này rất thành công. Trong thời kỳ hoàng kim những năm 90, mỗi quý hãng có thể tăng trưởng tới 20-30% - thành tích mà không hãng nào có được.

Năm 1997, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Red Waitt của Gateway kiêu hãnh từ chối lời đề nghị sáp nhập từ Compaq. Sau lần lắc đầu này, Gateway chuyển sang kinh doanh phần mềm, dịch vụ, tài chính và kết nối Internet.

Nhưng sự đời không thể thịnh mãi. Năm 1999, Waiitt nghỉ hưu và Jeff Weitzen lên thay. Thế rồi năm 2000 xảy ra đợt đại suy thoái khiến cả thế giới công nghệ chao đảo. Sản lượng xuất xưởng của Gateway sụt giảm thảm hại.

Sai lầm nối tiếp

Từ chỗ bán được 4,2 triệu máy năm 2000, Gateway tụt dần xuống 3,2 triệu máy năm 2001, 2,7 triệu trong năm 2002 và cuối cùng chạm đáy 1,9 triệu máy vào năm 2003.

"Họa vô đơn chí", đợt suy thoái kinh tế toàn cầu lại ập xuống. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Năm 2002, Gateway bắt đầu bày bán cả đồ điện tử gia dụng (camera, đầu băng video và TV plasma) bên trong hệ thống cửa hàng của mình. Lúc đầu chính sách này rất được khen ngợi, nhưng té ra lại là một sai lầm chết người.

"Gateway đã quá chú trọng vào việc bán TV và đặt cược quá lớn cho ngôi nhà số. HP và Dell cũng đặt cược lớn, nhưng họ chưa bao giờ quên PC mới là ngành kinh doanh cốt lõi", nhà phân tích John Spooner nhớ lại.

Vầng hào quang quá khứ dần dần mai một. Nhưng đỉnh điểm sai lầm chính là việc Gateway mua lại eMachines hồi năm 2004. Bộ sậu lãnh đạo của eMachines được dời qua để điều hành Gateway, dù quy mô trước kia của eMachines chỉ là "con kiến" nếu so với Gateway.

"Trên thực tế, cứ như eMachines thâu tóm Gateway mới đúng". Cuối năm ấy, Gateway tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của mình (đồng nghĩa với việc một phần ba nhân sự sẽ bị sa thải).

Acer muốn gì?

Trầy trật đến năm 2005, Gateway mới nhận ra rằng hãng cần phải từ bỏ tất cả TV và đồ điện gia dụng để quay trở về với "hạt nhân" PC. Trong vòng 6 năm, Gateway đã thay tới 5 đời Giám đốc điều hành.

Người ta cảm giác như hãng vẫn giống một con gà mắc tóc, chưa nhìn thấy đường đi, rối bời bởi sai lầm trong quá khứ. Đến nay thì giá trị của Gateway chỉ còn bằng 1/10 so với thời kỳ đỉnh cao.

Nhưng dù sao thì cái thương hiệu vẫn còn đó, và đấy chính là lý do duy nhất để Acer tung tiền. Acer cần có một thương hiệu tại thị trường Mỹ để cạnh tranh với Dell và HP.

Với những người đã dõi theo hành trình vô vọng của Gateway suốt thời gian qua, thông tin Acer "chịu" mua lại Gateway có thể coi là một cái cọc giữa dòng để niềm tin bám lấy. Trái ngược với hình ảnh Gateway, Acer đang nổi lên như một gương mặt trẻ, năng động, xông xáo và quyết liệt.

Hãng liên tục "Tây tiến" bằng những danh mục sản phẩm phong phú, hợp túi tiền và đã thực hiện được nhiều cuộc soán ngôi ngoạn mục. Acer thậm chí còn giành luôn ngôi vị "Doanh nghiệp PC tăng trưởng nhanh nhất thế giới" tại thời điểm này.

Trọng Cầm (Tổng hợp CNET, PC World)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,