221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
973402
Nhà đài ngồi mát ăn... tiền tỉ
1
Article
null
Trào lưu tin nhắn trên sóng truyền hình:
Nhà đài ngồi mát ăn... tiền tỉ
,

Hiện nay, hầu như các đài đều hợp tác với các công ty tin nhắn theo phương châm đối tác hoàn toàn lo từ A-Z, nhà đài chỉ kiểm soát nội dung và phát sóng.

Công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn, đài truyền hình và công ty viễn thông sẽ cùng chia lợi nhuận trên tin nhắn phản hồi theo sự thỏa thuận.

Công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn, đài truyền hình và công ty viễn thông sẽ cùng chia lợi nhuận trên tin nhắn phản hồi theo sự thỏa thuận. (Minh họa: TTO)

Người thắng... cũng khóc

Chị Liên, xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương - người chơi trong chương trình Người chiến thắng (một dạng trò chơi tin nhắn phát sóng sau chương trình tin cuối ngày vào ngày thứ sáu hằng tuần trên HTV7), gửi đến cho chúng tôi những bức xúc: "Tôi tham gia trò chơi này nhiều lắm rồi. Vừa rồi cách đây một tháng, tôi đã trúng được giải thưởng phụ. Chương trình có đăng tên tôi trúng giải và cả số điện thoại di động để liên hệ. Thế nhưng tôi gọi điện đến số này thì không ai nhấc máy. Gọi đến HTV họ nói không biết... Vì tin tưởng HTV nên tôi tham gia, vậy mà...".

Với chương trình Trường quay của HTV, chị Nguyễn Thị Ngọc Lý (TP.HCM) cũng gặp trường hợp tương tự. Giải thưởng 500.000 đồng khi thắng giải đến nay vẫn không biết nằm ở đâu, chỉ biết đã tốn không ít thời gian và sự bực dọc của cả hai vợ chồng.

Hiện tượng "bỏ của vì... nản" của những người tham gia và đoạt giải thưởng trong các trò chơi nhắn tin trên đài tỉnh thì nhiều vô kể - một nhân viên từng làm công việc này cho biết. Theo anh thì tiền thưởng "đi lòng vòng ghê lắm". Từ các đầu số Vina, Mobile, S-Fone... trả về cho tổng đài. Tổng đài mới trích ra trả cho các đài. Thường quy trình này mất 3-4 tháng. Dân hỏi riết rồi đâm ngán... bỏ luôn. Sau này các nhà đài "đá quả bóng" giải thưởng về cho các công ty làm dịch vụ như VTC, FPT chẳng hạn...

Phóng viên cũng đã thử dùng nhiều số điện thoại di động khác nhau để tham gia trò chơi Người chiến thắng. Luật chơi là trả lời một số câu hỏi để tích lũy điểm. Nếu được 100 điểm người chơi sẽ nhận được một tin nhắn chứa câu hỏi bí mật. Trả lời câu hỏi bí mật trong thời gian sớm nhất sẽ có cơ hội trúng giải 3 triệu đồng hoặc giải khuyến khích 100.000 đồng. Các câu hỏi được đặt ra khá dễ, ai cũng có khả năng trả lời để tích lũy điểm.

Vì sử dụng nhiều số điện thoại để chơi thử nên chúng tôi đã biết trước được đáp án của câu hỏi bí mật, soạn sẵn tin nhắn đáp án và nhắn cho tổng đài ngay khi vừa có tín hiệu tin nhắn chứa câu hỏi bí mật đến mà không cần phải mở tin ra. Thế nhưng, bốn số điện thoại chúng tôi sử dụng chơi thử đều chỉ nằm trong 20 số nhận giải khuyến khích.

Cũng như những trường hợp trên, chúng tôi chỉ thấy số điện thoại mình trong danh sách trúng thưởng công bố trên HTV7 mà không thấy bất cứ thông tin nào về việc nhận thưởng. Khi đến HTV để hỏi lãnh giải, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời "không biết, không có chương trình này".

Kiên nhẫn hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng lần ra địa chỉ nhận giải là 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1 (TP.HCM). Đây là một cao ốc cho thuê. Đơn vị phát giải cho chúng tôi là một công ty truyền thông, và theo lời cô lễ tân kiêm nhân viên phát giải, đơn vị này mua sóng truyền hình để phát các chương trình Trường quay vui, Thử thách, Người chiến thắng. Dù rằng chúng tôi tham gia chương trình phát tối 6-7 nhưng đến hơn 20 ngày sau, khi đến nhận giải, chúng tôi được trả lời: "Giám đốc vẫn chưa duyệt danh sách trúng thưởng, nhưng vì chị đã đến đây thì linh động phát luôn!".

Nhà đài bị thao túng?

Thông thường, sau khi trừ 30% doanh thu từ tin nhắn cho các công ty dịch vụ di động (MobiFone, Vinaphone, Viettel...), phần còn lại công ty dịch vụ tin nhắn sẽ chia với nhà đài theo tỉ lệ từ 50% - 80% tùy theo mức độ hợp tác trong từng hợp đồng cụ thể. Có đài tỉnh doanh số thu được từ nhắn tin tương đương với doanh số quảng cáo, đạt vài tỉ đồng/năm.

Sự phối hợp ăn ý với các đài truyền hình địa phương là một thành công lớn của các công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn, bởi họ đã liên kết được với một kênh truyền thông có số lượng truy cập thông tin khổng lồ là hàng triệu khán giả. Nhà đài cũng được lợi không kém. Thế nên tin nhắn lên truyền hình ngày một "phình" to là điều dễ hiểu.

Một nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực tin nhắn của một đài truyền hình tỉnh bật mí: đài anh mỗi ngày có khoảng 10.000 tin nhắn gửi cho các chương trình. "Nếu qui ra tiền, con số không đáng là bao với những đài lớn nhưng với các đài tỉnh đó là nguồn thu đáng kể. Nhất là khi hiện nay Nhà nước đang dần xóa bỏ bao cấp với các đài truyền hình. Chúng tôi phải tìm mọi cách để có lối thoát".

Giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn thừa nhận tình trạng chạy chữ dưới chân màn hình gây khó chịu cho người xem. Thế nhưng, với nhà đài, sự hợp tác này là một phương thức cải thiện doanh thu mà họ chẳng phải bỏ nhiều công sức cũng như không phải tăng thời gian phát sóng. Nhiều nhà đài khu vực miền Trung "miệt mài" chạy chữ từ sáng đến tối, trong hầu hết các chương trình.

Ông cũng tiết lộ thêm "chưa có văn bản nào hướng dẫn, quản lý cụ thể loại hình kinh doanh này nên hầu như khi báo chí đánh động về dịch vụ nhắn tin nào thì chúng tôi sẽ tạm ngưng dịch vụ đó. Với các chương trình trò chơi có trúng thưởng, nếu xét về góc độ luật pháp sẽ phải làm đầy đủ các thủ tục như nêu rõ số lượng người trúng thưởng, giải thưởng, có sự chứng kiến của khách hàng khi trao thưởng... Hiện nay, do chẳng ai quản lý, kiểm tra nên hầu hết công ty đều làm đại cho xong".

Dịch vụ cung cấp thông tin qua tin nhắn không phải là xấu, thậm chí hữu ích khi giúp người dùng có thể tra vấn thông tin mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng và chính xác như trường hợp nhắn tin xem điểm thi đại học. Tuy nhiên, cần phải sớm có một qui chế uốn nó đi đúng hướng. Loại nội dung nào được phép khai thác, nhà cung cấp dịch vụ nào đạt tiêu chuẩn khai thác. Nếu lên sóng truyền hình thì những chương trình nào được phép chạy chữ chân, nội dung nào được chạy, tần số, thời lượng... là những câu hỏi cần các nhà quản lý đưa ra đáp án sớm.

(Theo Hoàng Lê - Hồng Nhung/Tuổi trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,