221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
972812
Tin nhắn trên sóng truyền hình: Loạn!
1
Article
null
Tin nhắn trên sóng truyền hình: Loạn!
,

Không ít khán giả truyền hình than phiền “rối con mắt bên phải, hoa con mắt bên trái” trước tình trạng loạn tin nhắn trên sóng truyền hình. Nhưng vốn là món lẩu dễ thu lợi, các loại dịch vụ tin nhắn với nội dung vô cùng “thập cẩm” này đang ngày càng lên ngôi...

Lẩu thập cẩm "tin nhắn"

(Minh họa: TTO)

Cách đây khoảng tám năm, khán giả truyền hình bắt đầu làm quen với những dòng chữ chạy trên màn hình. Trong các chương trình "Nhịp cầu âm nhạc" của HTV, dưới chân màn hình thường xuyên chạy dòng chữ là tên khán giả gửi tặng bài hát cho nhau thông qua hộp thư thoại hoặc gửi tin nhắn.

Sau đó, "chữ chạy" đã... chạy sang các chương trình thể thao, game show, phim truyện phát trên sóng VTV, HTV… dưới hình thức cuộc thi dành cho khán giả dự đoán tỉ số bàn thắng hoặc trả lời những câu hỏi trắc nghiệm để nhận những giải thưởng hấp dẫn. Nhưng phải đến năm 2006, sự phát triển của hạ tầng viễn thông đã giúp các loại dịch vụ tin nhắn trên sóng truyền hình phát triển ngày một đa dạng.

"Rối con mắt bên phải, hoa con mắt bên trái"

Ông Xuân Thành, 50 tuổi, nhà ở đường Trường Chinh, Tân Bình (TP.HCM), bức xúc: "Tôi không thể xem được hết một chương trình nào. Chỉ xem khoảng vài chục phút là hai con mắt rất mỏi vì những dòng chữ chạy liên tục dưới chân màn hình. Trước kia chỉ một hàng, sau này đến hai ba hàng chạy tù tì. Màn ảnh cứ ngày một co nhỏ lại!".

Ông ví dụ cụ thể: "Trong chương trình Tôi yêu phim truyện VN (của đài PT-TH Đồng Nai, phát sóng trên DNRTV2 - PV) tối 13/8 có lúc có đến ba dòng chữ về mua hàng giá rẻ, tải nhạc cho điện thoại… chạy song song cùng lúc. Dòng chữ logo Tôi yêu phim truyện VN bị co nhỏ lại và đẩy lên cao đến hơn 1/3 màn hình, vì thế hình ảnh trong bộ phim bị che lấp khá nhiều".

Không chỉ những người lớn tuổi bị làm phiền mà ngay cả những bạn trẻ cũng tỏ ra mất kiên nhẫn. "Trên một vài kênh truyền hình, những dòng quảng cáo các dịch vụ thông qua tin nhắn chạy lấn cả dòng phụ đề, tựa bài hát. Nếu thỉnh thoảng những dòng chữ ấy xuất hiện còn dễ thông cảm. Đằng này nó chạy liên tục nên khó chịu vô cùng ", bạn Tuấn, 18 tuổi, cho biết.

Không chỉ xuất hiện trên một số đài truyền hình tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Tây…, ngay cả các kênh trên hệ thống cáp, kỹ thuật số do VN sản xuất như HTV2, HTV1, SCTV, VCTV1, VCTV6, VTC1, VTC5... đều "loạn" hiện tượng chạy chữ với nội dung vô cùng "thập cẩm" như tải hình ảnh, tải nhạc chuông, tải game, kết quả thi đại học, xổ số, tra cứu chứng khoán, trò chơi… và kể cả... coi bói, tư vấn tình cảm!

Tư vấn "ỡm ờ" và trò đỏ đen may rủi

(Minh họa: TTO)

Kết quả thi đại học, tư vấn tâm lý, sức khỏe và coi bói đang thu hút sự quan tâm của những bà nội trợ và bạn trẻ. Phí dịch vụ cho mỗi lần nhắn tin là 3.000 đồng nhưng khách hàng nhận được khá nhiều những tin nhắn có nội dung rất tầm phào, vô bổ.

Ví dụ như bí quyết trường thọ, bảo vệ sức khỏe (có trong dịch vụ phát sóng trên kênh HTV2 với tin nhắn gửi đến số 8377) lại là: "Việc uống trà sẽ làm giảm nguy cơ mắc sỏi thận, một tách trà/ngày trong ít nhất sáu tháng sẽ làm giảm sỏi mật đến 27%, ung thư túi mật 44%, ung thư ống mật 35%".

Khán giả cũng có thể tận dụng truyền hình để thể hiện tình cảm với ai đó với giá rẻ. Chỉ tốn 4.000 đồng nhắn tin đến số 8408, tình yêu của anh Y dành cho chị X sẽ được hàng triệu người xem kênh HTV7 chứng giám! Chương trình được phát sóng một tháng một lần vào lúc 22 giờ ngày thứ ba của tuần cuối tháng.

Loạn tin nhắn trên sóng truyền hình
Trên Truyền hình Đồng Nai có Chạy đua mua hàng siêu rẻ (8555). Giải thưởng là những sản phẩm như đầu đĩa, xe máy, điện thoại di động… nếu như giá hiện tại của sản phẩm trong tin nhắn trùng với giá của chương trình.

Còn Triệu phú SMS là trò chơi trả lời những câu hỏi với những giải thưởng hấp dẫn như trả lời đúng liền 10 câu hỏi sẽ nhận được 250.000 đồng, 20 câu đoạt 2.000.000 đồng...

Đài Long An có Bạn muốn đổi đời dế yêu bằng hình thức gửi tin nhắn đến số 998, nếu nhận được những chữ cái theo qui định trúng thưởng thì sẽ được giải. Trò chơi Ngón tay vàng, Hitech sành điệu, Bàn thắng vàng, Chọi gà trúng quạ, Đấu giá ngược, Bảy sắc cầu vồng... có nội dung tương tự.

Đài truyền hình Hà Tây có Vòng tay kỳ diệu với giải thưởng cao nhất là chiếc xe máy, chương trình Hội chợ với giải thưởng là điện thoại Nokia nếu nhận được chữ cái Nokia…

"Mánh khóe" người trong cuộc

Ra vẻ là giải thưởng cao nhưng kỳ thật mấy ai trúng được giải. Một người trong cuộc bật mí: "Các trò chơi may mắn, xổ số đều có phần mềm mua từ nước ngoài theo nguyên tắc rớt theo số lượng. Phải đến số lượng tin nhắn nhất định thì giải thưởng mới xuất hiện. Nếu không thu đủ lượng tin nhắn thì giải thưởng chắc chắn sẽ không có. Ấy là chưa kể đến chuyện "đi ma" của những đơn vị tổ chức bởi những cuộc thi này không có cơ quan nào giám sát ngoài chính công ty đó. Vì thế mới có chuyện vui mà những người trong cuộc "đồn" với nhau: trong một cuộc trao giải thưởng, những người đoạt giải ban đầu ai cũng có vẻ lạnh lùng, không biết nhau; nhưng khi về lại đi trên cùng một chiếc taxi, hóa ra họ đều là anh em một nhà!".

Mặt khác, sự phát triển ồ ạt những trò chơi nhắn tin mà thực chất là những trò "đánh bạc" đã tạo nên một bộ phận không nhỏ những "kẻ” chơi chuyên nghiệp. Họ sử dụng hàng chục sim khác nhau để tham gia chương trình và đổ "bom" tin nhắn để tìm giải thưởng. Những người "nghiệp dư” thật ra chỉ "lót" đường. Vô hình trung những trò chơi này kích thích "máu cờ bạc" của nhiều người.

(Theo Hoàng Lê - Hồng Nhung/Tuổi trẻ)

Đón đọc kỳ 2: Nhà đài: Ngồi mát ăn... tiền tỉ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,