Máy tính xách tay XO của dự án toàn cầu “Mỗi trẻ em một máy tính xách tay” (OLPC) đã bắt đầu bước sang giai đoạn sản xuất đại trà.
Công nghệ hay hàng cứu trợ?
Châu Phi cần công nghệ hay hàng cứu trợ? Câu hỏi này đã trở nên quá quen thuộc không chỉ với các chuyên gia kinh tế. Giới chuyên môn đã tranh cãi trong nhiều năm mà vẫn không thể thống nhất được ý kiến.
Bàn phím của XO bằng cao su, chống được nước và khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt... (Ảnh: BBC)
Không có công nghệ, châu Phi (và các nước nghèo nói chung) sẽ không thể có bước đột phá để phát triển. Nhưng nếu không có hàng cứu trợ (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm) thì người dân có lẽ chẳng sống được đến công nghệ giúp họ đổi đời.
Máy tính xách tay ư? Trẻ em các nước nghèo cần thiết bị hiện đại này làm gì khi vẫn đang trong cảnh “bữa no bữa đói”. Trước khi nghĩ đến chuyện học hành để thành đạt, các em phải lo làm sao tồn tại được đã.
Thống kê tỷ lệ trẻ em phải bỏ học trong thập niên 1990 của UNESCO khẳng định ở Ấn Độ, Lào và Myanmar, chỉ 50% trẻ em đến trường. Nguyên nhân chủ yếu đương nhiên là do quá nghèo, các em không có điều kiện ăn học.
Và bất kỳ ai, nếu thử đặt mình vào địa vị một đứa trẻ phải bỏ học để mưu sinh, bỗng dưng “vớ” được một chiếc máy tính xách tay (dù giá chỉ 100USD) sẽ thấy rằng lựa chọn hàng đầu là… tìm cách bán hoặc đổi nó lấy những thứ “thiết thực” hơn.
Hội thảo TEDGlobal 2007 (TED là viết tắt tên tổ chức Technology, Entertainment and Design – tạm dịch: Công nghệ, Giải trí và Thiết kế) tổ chức tại Tanzania hồi tháng Sáu vừa qua cuối cùng cũng chỉ đi đến kết luận rằng châu Phi (và các nước nghèo nói chung) cần… cả hai. Trước mắt, họ cần hàng cứu trợ để ổn định cuộc sống. Về lâu dài, công nghệ sẽ giúp họ phát triển.
Chiếc máy XO của OLPC được thiết kế để có thể sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, tại những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất,… Nhưng ở đó người dân và học sinh cần gì hơn? Máy tính hay hàng cứu trợ?
“Giấc mơ xanh” dùng để làm gì?
Lãnh đạo và những người ủng hộ OLPC khẳng định XO - được mệnh danh là “Giấc mơ xanh” -không chỉ là cánh cửa mà là một công cụ tư duy thực thụ, giúp ngưới sử dụng tự khám phá và thể hiện mình.
Học sinh Nigieria đã biến "Giấc mơ xanh" thành "Giấc mơ... đen". (Ảnh - Gizmodo).
Còn học sinh Nigieria sẽ trả lời là để xem… “phim người lớn”.
Giáo sư Negroponte, người sáng lập dự án OLPC hẳn sẽ rất buồn vì mục đích tốt đẹp của ông bị bóp méo. Có lẽ ông đã quên không tính tới việc phải dạy học sinh dùng máy tính vào mục đích gì.
Không ai có thể phủ nhận lý tưởng tốt đẹp của OLPC, nhưng không ít người hoài nghi con đường thực hiện lý tưởng ấy. Trao một công cụ mạnh mẽ vào tay những đứa trẻ không biết phải dùng nó ra sao có thể gây ra tác hại khó lường.
Sản xuất được một chiếc máy tính xách tay giá 100 USD vẫn còn là một giấc mơ, nhưng việc biến chiếc máy ấy thành công cụ học tập cho học sinh nghèo xem ra còn viển vông hơn rất nhiều nếu không có những biện pháp giáo dục cụ thể kèm theo.
Cạnh tranh – nên hay không?
“Thế giới rất rộng lớn và còn nhiều nơi cần đến máy tính”. Đó là tuyên bố của một lãnh đạo Intel khi được hỏi về lý do hãng này “ăn theo” dự án OLPC.
Người ta có thể cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa, tại sao lại không thể cạnh tranh trong sản xuất máy tính giá rẻ phục vụ giáo dục? Các hãng máy tính đang phải cạnh tranh gay gắt trong thị trường máy tính tầm trung và tầm cao. Họ muốn tìm thêm một hướng đi mới, một thị trường “dễ thở” hơn.
Intel và AMD đều đang bắt tay với OLPC để cung cấp chip xử lý cho dự án này, nhưng về lâu dài, rõ ràng họ muốn “có phần” trong thị trường mới. Intel xây thêm nhà máy ở Trung Quốc, Dell đầu tư vào Ấn Độ,… Tất cả có lẽ đều không nằm ngoài mục tiêu tấn công thị trường máy tính giá rẻ.
Nhiều chuyên gia khẳng định Intel đang cố phá giá và chi phí cho một chiếc Classemate PC của hãng này phải lên tới 400 USD. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ là sản phẩm của Intel nhỉnh hơn XO của OLPC về tính năng mà giá lại không hơn nhiều.
Giáo sư Negroponte trước sau vẫn khẳng định đây là “một dự án giáo dục chứ không phải dự án kinh doanh máy tính xách tay". Dù vậy, có lẽ vẫn phải thừa nhận rằng trong một chừng mực nào đó, việc Intel “nhảy vào” thị trường này là điều đáng mừng.
Nhờ có cạnh tranh mà người tiêu dùng (ở đây là học sinh nghèo) sẽ có cơ hội sở hữu những chiếc máy tính xách tay chất lượng cao nhất với mức giá thấp nhất.
(Theo Đông Quang/TTO)