Phía sau mỗi chiếc điện thoại iPhone của Apple đều có dòng chữ: “Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc.” Tuy nhiên, Apple còn có thể viết thêm dòng chữ “Sản xuất tại Đài Loan.”
Các công ty Đài Loan đang đóng vai trò lớn không chỉ trong việc sản xuất chiếc điện thoại mới nhất của Apple mà còn trong nhiều các sản phẩm điện tử - viễn thông khác, chẳng hạn modem băng thông rộng được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ và thế hệ tiếp theo của các thiết bị viễn thông không dây tốc độ cao.
"SX tại Đài Loan" - Hon Hai hay Quanta?
Apple không cung cấp thông tin về việc hãng đã thuê các công ty nào sản xuất chiếc iPhone. Tuy nhiên, báo chí Đài Loan cho biết Hon Hai và Quanta, hai công ty của hòn đảo này, đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất hàng triệu chiếc iPhone, mặc dù các công ty này cũng từ chối khẳng định thông tin trên.
Giới phân tích nhận định, các nhà sản xuất khác của Đài Loan cũng gần như chắc chắn tham gia vào việc sản xuất iPhone vì họ cung cấp các linh kiện sử dụng trong các loại điện thoại tiên tiến. Cũng theo giới chuyên gia, các công ty Đài Loan còn tham gia vào việc sản xuất iPod và iMac cũng như các máy chơi game cho Sony và Microsoft.
Đài Loan đã trở thành một thị trường gia công hàng điện tử - viễn thông lớn. Chiếm lĩnh vị trí những nhà sản xuất linh kiện máy tính lớn nhất thế giới, các công ty Đài Loan như Compal Electronics, Hon Hai và Quanta đã dùng sức mạnh này để lấn sang các lĩnh vực mới.
Bằng cách cải thiện khả năng cắt giảm chi phí, sản xuất với số lượng lớn và làm việc rất linh hoạt với khách hàng, các công ty Đài Loan đã trở thành các hãng sản xuất hàng đầu về điện thoại di động, điện thoại thông minh, modem băng thông rộng, thiết bị định tuyến không dây, thiết bị định vị toàn cầu, thiết bị mạng và các thiết bị điện tử - viễn thông khác. Cũng giống các công ty tại các nền kinh tế khác, các công ty Đài Loan cũng xâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, với nhiều nhà máy đặt tại đây.
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông có tên Dominic Grant tại công ty Macquarie ở Đài Bắc nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên nếu iPhone có được sản xuất tại Đài Loan vì các sản phẩm máy tính xách tay và iPod của Apple cũng đã được sản xuất tại đây. Đây là một tiến trình tự nhiên.”
Mỹ đã lơ là cuộc tiến hóa của Đài Loan từ một người khổng lồ trong lĩnh vực chế tạo máy tính thành một người khổng lồ trong ngành viễn thông, vì các công ty Đài Loan chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không có các sản phẩm với thương hiệu riêng. Tuy nhiên, sức mạnh công nghiệp của Đài Loan đã giúp các công ty ở đây duy trì được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nơi mà các công ty lắp ráp giá rẻ của Trung Quốc cũng như các công ty có vị thế vững chắc về linh kiện cao cấp như bộ nhớ flash của Đài Loan và Hàn Quốc, đang ngày càng chiếm ưu thế.
Chiến lược tìm ra những cách thức sử dụng mới cho linh kiện máy tính đã đem lại hiệu quả. Các công ty Đài Loan đã chiếm lĩnh thị phần 87% trên thị trường modem không dây toàn cầu, 84% thị trường modem DSL và 70% thị trường thiết bị kỹ thuật số cá nhân.
Trong lĩnh vực điện thoại di động vốn đầy cạnh tranh, các công ty Đài Loan chiếm thị phần 12,4% trên thị trường thế giới vào năm ngoái, tăng so với mức 9,8% trong năm 2005. Mức thị phần này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng khi các công ty như Sony Ericsson tăng cường hoạt động outsourcing (thuê ngoài) đối với các công ty Đài Loan.
Ngôi sao mới nổi về outsourcing
Năm ngoái, doanh thu từ thiết bị và dịch vụ viễn thông của các công ty Đài Loan đạt mức 31,5 triệu USD, tăng hơn 50% so với năm 2006. Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên mức 46 triệu USD vào năm 2010. Tuy nhiên, chưa đầy 1/4 sản lượng thiết bị và dịch vụ viễn thông này được sản xuất tại Đài Loan, phần còn lại được sản xuất ở Trung Quốc đại lục.Giám đốc Gary Chia của Trung tâm Nghiên cứu Yuanta, nhận định: “Đây chỉ là một tiến trình rất tự nhiên vì điện thoại di động thực sự là một phiên bản nhỏ của máy vi tính và người Đài Loan rất giỏi trong việc điều chỉnh.”
Và các công ty Đài Loan, cũng giống như các đối thủ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác ở châu Á, đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nhà máy ở Trung Quốc để tiết kiệm chi phí. Với tương đồng ngôn ngữ, tài chính và văn hóa với Trung Quốc đại lục, các công ty Đài Loan có ưu thế hơn các công ty đến từ những nơi khác.
Vì có rất nhiều những thiết bị mới nhất được sản xuất tại Đài Loan, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một số công ty ở đây đang đi trước công ty có thương hiệu mạnh trong việc tung ra các sản phẩm mới. Chẳng hạn, công ty máy tính High Tech đã tung ra một loại điện thoại cảm ứng chỉ vài tuần trước khi Apple giới thiệu iPhone. Tuy nhiên, với một tên tuổi ít nổi hơn, High Tech có những tham vọng khiêm tốn hơn Apple và vẫn vui mừng khi thấy Apple đã gia nhập thị trường.
“iPhone là một ví dụ tuyệt vời về sức mạnh của Đài Loan, một thị trường thuê ngoài đáng tin cậy với công nghệ hàng đầu,” Allen J. Delattre, Giám đốc bộ phận sản xuất hàng điện tử và công nghẹ cao của công ty tư vấn Accenture nói. “Liệu một người bình thường mua iPhone có biết chiếc điện thoại này có xuất xứ từ Đài Loan? Có thể. Họ có quan tâm đến việc đó không? Có lẽ là không. Nhưng nếu nhìn vào những công ty ở Đài Loan, người ta sẽ thấy những công ty này đứng ở sau hậu trường. Và đó là một nơi tốt vì ở đó có giá trị.”
Chìa khóa của các công ty Đài Loan, theo Delattre và các nhà phân tích khác, là họ sớm đầu tư vào các sản phẩm thế hệ kế tiếp. Chẳng hạn, các công ty ở đây đang nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong việc phát triển công nghệ không dây WiMax và thiết bị cáp quang băng thông rộng.
Mặt khác, công ty Đài Loan cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính quyền. Trong 5 năm tới, chính quyền Đài Loan sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng mạng WiMax tốc độ cao lớn nhất thế giới. Vào năm tới, với 2000 trạm gốc trên khắp hòn đảo, các công ty sẽ có thể bắt đầu thử nghiệm các thiết bị mới, chẳng hạn gửi hình ảnh video từ các xe cấp cứu đang trên đường tới bệnh viện.
Tsung-Tsong Wu, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học của Đài Loan, cơ quan có mức ngân sách hàng năm 1 tỷ USD, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để các công ty có thể đẩy mạnh tốc độ phát triển ở mức mà họ mong muốn.”
(Theo VnEconomy/NYT)