Số lượng máy tính cá nhân xuất xưởng trong quý II đã tăng trưởng một cách mạnh mẽ, nhờ vào sức cầu mãnh liệt ở châu Á và tình hình kinh doanh khả quan ngoài dự kiến của Mỹ.
Hãng nghiên cứu IDC ước tính rằng trong ba tháng từ tháng 4 tới tháng 6, tổng cộng đã có 58,8 triệu máy tính xuất xưởng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ấy, sử dụng phương pháp thống kê khác, hãng nghiên cứu Gartner lại đưa ra con số: 61,1 triệu máy bán được và tỷ lệ tăng trưởng là 11,7%.
Nguồn: AP
Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản, chính là thị trường mạnh mẽ nhất khi chứng kiến doanh số tiêu thụ tăng hơn 20%. Thị trường laptop tiếp tục "hot" với tốc độ tăng trưởng khoảng 50%.
Có thể nói, đà tăng trưởng của thị trường máy tính cá nhân đã bắt đầu ngay từ quý I. Sau gần một năm chỉ tăng trưởng với một con số, lượng máy tính xuất xưởng của cả thế giới đã tăng 10,9% trong 3 tháng đầu năm.
Quý II/2006 cũng chứng kiến một sức cầu mạnh mẽ ngoài mong đợi của thị trường Mỹ. Doanh số tiêu thụ tăng tới 7,2% (số liệu của IDC hoặc 5,9% (số liệu của Gartner), chủ yếu là nhờ sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất và nhu cầu mua sắm laptop tăng cao. Mặc dù vậy, lượng desktop xuất xưởng vẫn tiếp tục suy giảm.
Theo Gartner thì việc Windows Vista ra mắt cũng chẳng có mấy ảnh hưởng đến sức cầu dành cho máy tính cá nhân.
Cuộc đua tranh của các ông lớn
HP vẫn tiếp tục đứng vững ở ngôi vị Hãng PC lớn nhất thế giới và gia tăng cách biệt với Dell. Theo IDC, thị phần của HP trong quý II là 19,3%, dù cho Gartner chỉ đánh giá thị phần HP là 18,2%.
Tương tự, thị phần của Dell cũng có sự khác biệt trong đánh giá của Gartner và IDC. Nếu như IDC cho rằng Dell chỉ chiếm 15% thị phần thì theo Gartner, Dell lại nắm giữ tới 16,1% thị phần.
Tuy bị HP bỏ xa nhưng Dell vẫn là hãng sản xuất máy tính lớn nhất tại thị trường Mỹ, kiểm soát 28,4 - 29,9% thị phần. Tuy nhiên, số lượng máy tính bán được lại giảm 11%, trong khi HP tăng 26%.
"Dell đang gặp khó khăn trong khối khách hàng cá nhân. Hãng đã bắt đầu bán sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị Wal-Mart nhưng số lượng chưa đáng kể để có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của cả quý", nhà phân tích Mikako Kitagawa của Gartner cho biết.
Gateway là hãng máy tính lớn thứ 3 tại Mỹ, nhưng lượng máy tính tiêu thụ lại giảm tới 7%. Kế đến là các đại gia Acer, Toshiba và Apple, mỗi hãng cùng nắm giữ khoảng 5% thị phần.
Trọng Cầm (Theo AP)