(VietNamNet) - Chuyên gia tâm lý nói gì về các biểu hiện tiêu cực của blogger? Cơ quan chức năng nhận định thế nào về "blog" đen và vấn đề quản lý blog?
>> "Chẩn bệnh" giới blogger Việt
Trước trào lưu mạnh mẽ của Blog (nhật ký trực tuyến) và các mạng xã hội ảo tại VN, VietNamNet đã có bài phản ánh trước một số biểu hiện tiêu cực của các blogger. Ngay sau đó Toà soạn đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Nhận thấy vấn đề được nhiều người quan tâm, chúng tôi xin tiếp tục trích dẫn ý kiến đóng góp của Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (ĐH KHXH&NV DDHQG HN) và bài phỏng vấn Chánh Thanh tra Bộ VHTT Vũ Xuân Thành về các vấn đề liên quan đến "blog đen" và quản lý blog.
TS. Nguyễn Hồi Loan: "Blog đen" thể hiện sự thiếu hụt văn hoá của người sử dụng"
Blog, cũng như Internet nói chung là kết quả sự tiến bộ của khoa học, công nghệ. Blog có rất nhiều mặt tích cực, phương tiện để nhiều người, nhất là thế hệ trẻ giải toả phiền muộn, thư giãn, giao lưu bạn bè... Nó xoá bỏ mọi ranh giới, làm phong phú đời sống và mở rộng hiểu biết cho họ.
Thế nhưng tất cả các tiến bộ, thành quả trong đời sống của con người, để sử dụng đúng đều cần có văn hoá tương ứng với nó.
Nhất là bản chất Internet (hay cụ thể là blog) vốn không có cơ chế định danh người dùng, tính "chịu trách nhiệm" không rõ ràng, càng đòi hỏi cao hơn về văn hoá sử dụng.
Đó hoàn toàn là mối quan hệ hai chiều: Một mặt việc sử dụng thể hiện trình độ hiểu biết của người dùng, mặt khác các phương tiện này đòi hỏi người sử dụng cũng phải tuân theo một số quy định.
Giống như khi đi xe buýt, phải có văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Blog cũng tương tự!
Ở Việt Nam, hiện nay có nhiều bất cập liên quan đến văn hoá sử dụng, nguyên do có thể do chúng ta là một nước có xuất phát điểm thấp, trong thời điểm khoa học công nghệ phát triển quá nhanh, sự thích nghi phát triển về văn hoá không theo kịp, vì thế có hiện tượng thiếu hụt văn hoá sử dụng.
Các biểu hiện tiêu cực của blog mà VietNamNet đề cập là một dạng như vậy. Các biểu hiện này có thể chỉ đến từ một bộ phận blogger, số lượng các "blog đen" thực tế cũng không nhiều, nhưng tác động của nó đối với cộng đồng lại rất lớn.
Đừng vội chê trách, tôi thấy đấy là một sự đáng thương hơn là đáng trách, là biểu hiện của sự thiếu hụt văn hoá của người sử dụng. Còn blog chỉ là phương tiện, công cụ. Nó không có tội!
Theo quan điểm của cá nhân tôi: Blog là "nhật ký trực tuyến". Nhật ký riêng tư mọi người thường giữ kín, nay phơi bày nó ra liệu có nên không? Nhất là trong quan niệm văn hoá đặc thù của người Việt Nam? Để chia sẻ kiến thức và tranh luận các vấn đề thì có tốt hơn?
Tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt với nếu mỗi người (nhất là các bạn trẻ) hãy luôn thể hiện mình là một người có văn hoá! Luôn nhớ mình là nguời Việt Nam! Đặc biệt trong giai đoạn đất nước hội nhập với nhiều thành tựu, sản phẩm, công nghệ mới du nhập.
Về mặt quản lý, tôi không có ý kiến. Còn về vấn đề định hướng cho giới trẻ, cá nhân tôi trước giờ vẫn đặt nặng vai trò của gia đình. Nếu một đứa trẻ được giáo dục tốt bởi gia đình, trong bất cứ môi trường nào cũng sẽ thể hiện là người có văn hóa.
Các nhà chức trách nên vận động sự quan tâm của gia đình đối với việc sử dụng máy tính và tham gia môi trường Internet của con em họ.
Các nhà cung cấp dịch vụ blog ngoài các thoả thuận quy định người dùng sử dụng dịch vụ đúng pháp luật, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam khi đăng ký sử dụng blog... Nên chăng thường xuyên có các cuộc thi viết blog theo đề tài, các chuyên đề (đặt ở trang chủ) nhằm định hướng người dùng về vấn đề nội dung?
Chánh thanh tra Bộ VHTT - Vũ Xuân Thành: "Các blogger đăng tải các nội dung thông tin sai phạm nghiêm trọng trên blog có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự!"
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT. |
Trong thời gian qua chúng tôi cũng đã có phát hiện một số blog có nội dung xấu, (chúng tôi thường gọi là "blog đen"). Mặc dù "blog đen" có số lượng ít, nhưng lại có những tác hại to lớn đến cộng đồng.
Những biểu hiện bất cập, sự phát triển mạnh mẽ cùng với việc nhìn thấy trước một môi trường đang phát triển có ảnh hưởng lớn trên Internet, khiến cơ quan chức trách phải có những nghiên cứu để quản lý blog.
Tuy nhiên, phải thừa nhận trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề mới, và có những khó khăn nhất định.
Chẳng hạn, đối tượng quản lý sẽ phải bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ blog và người sử dụng.
Với người sử dụng, bản chất của blog là "nhật ký trực tuyến", mà nhật ký là một trong các yếu tố riêng tư cá nhân, được một số văn bản pháp luật đã có trước đây bảo hộ. Văn bản pháp luật quản lý blog phải làm sao dung hoà được điều này?
Với nhà cung cấp dịch vụ, hầu hết họ đều có các thoả thuận bắt buộc khi người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ, nhưng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ quốc tế ở nước ngoài (lại là những nhà cung cấp dịch vụ có nhiều người dùng hơn cả), việc quản lý là có thể nhưng có những khó khăn nhất định.
Đối với các nhà cung cấp này cần phải hết sức cân nhắc giữa lợi ích của blog với vấn đề chế định. Việc chặn các dịch vụ như của Yahoo hay Google... ở một số nước cho thấy điều đó...
Dù vậy, việc quản lý blog đã được cơ quan chức năng thống nhất sẽ phải đưa ra các văn bản chính thống để quản lý. Trước mắt sẽ có sự tham gia của Bộ VHTT, Bộ BCVT và Bộ Công an cùng một số cơ quan liên quan. Chúng tôi đã thành lập tổ biên soạn liên bộ và đang trong quá trình xây dựng Dự án Luật báo chí sửa đổi, nghiên cứu đưa vào những quy định cụ thể để quản lý blog.
Làm sao để ngăn chặn các blog phát tán nội dung khiêu dâm bằng tiếng Việt?
Đối với "blog đen", rất may là các trường hợp mà chúng tôi phát hiện trước nay cho thấy cũng chưa có các nội dung sai phạm trầm trọng, chủ yếu là đưa các thông tin nhảm nhí. Và sau khi cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông lên tiếng thì một số blogger đã tự động hạ các nội dung sai phạm xuống.
Tuy nhiên quan điểm của cá nhân tôi là blog phải được quản lý bằng pháp luật, có những hình thức xử lý nghiêm minh, chẳng hạn đối với các blog phản động, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!
-
Thế Phong (thực hiện)
Quan điểm của quý độc giả: