221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
950296
Thuê bao di động mới sẽ có 11 con số!
1
Article
null
"Chữa cháy" kho số di động:
Thuê bao di động mới sẽ có 11 con số!
,

(VietNamNet)Trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ BCVT) cho biết: Với cả hai phương án mở rộng kho số di động, thuê bao di động mới đều sẽ tăng con số lên thành 11 con số.

Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải trả lời phỏng vấn VietNamNet (Ảnh: H.H)

Hiện tại, với hai phương án mở rộng kho số, Bộ Bưu chính Viễn thông đang mong muốn được đông đảo người tiêu dùng đóng góp ý kiến. Dưới đây, VietNamNet xin gửi tới độc giả nội dung trao đổi cụ thể với Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải về tình hình quản lý, sử dụng kho số di động, và biện pháp cứu tình trạng cháy số...

- VietNamNet: Xin ông cho biết đánh giá về việc sử dụng kho số di động của các mạng di động hiện nay?

- Ông Phạm Hồng Hải: Bộ BCVT nhận thấy các doanh nghiệp chưa sử dụng kho số hiệu quả và cần phải có lộ trình để các doanh nghiệp có thể sử dụng hiệu quả kho số. Mặc dù, để kinh doanh, nếu doanh nghiệp có nhiều số thì họ sẽ tung ra thị trường, bán được nhiều sim trắng. Thí dụ như có doanh nghiệp đưa ra kênh phân phối 4 triệu sim để dễ kinh doanh, trong khi thuê bao hoạt động cỡ 1 triệu.

- Nếu ngay từ đầu (vào năm ngoái), Bộ BCVT không cấp thêm mã mới mà tăng thêm số thì sự việc "cháy kho số" hôm nay có thể sẽ khác?

- Xét về qui hoạch kho số, chúng ta thường dự kiến qui hoạch kho số cho từ 10-20 năm khi biết chắc thị trường. Từ qui hoạch này, người ta sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh. Với Việt Nam thì không thể làm được qui hoạch kho số trong thời gian 20 năm. Bởi vì, khi thị trường chưa có nhu cầu mà ép người sử dụng phải bấm thêm nhiều số không cần thiết thì sẽ phiền toái, không có lợi cho xã hội. Nguyên tắc chung cho các nước cũng là: Cần đến đâu cấp đến đấy và khi cần thì có thể tăng dải số.

- Vậy theo ông, biện pháp để sử dụng kho số hiệu quả hơn là gì?

- Theo kinh nghiệm các nước phát triển thì hiệu quả sử dụng kho số đạt tỷ lệ 70-75%. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt 58-59% (trước khi Bộ ban hành văn bản quản lý-PV). Tại quy định tạm thời mà Bộ vừa ban hành thì có yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng tới 60-65%.

Kinh nghiệm các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippine, Indonesia… đều thực hiện đa mã. Vấn đề đặt ra là làm sao để kho số sử dụng hiệu quả hơn. Có nghĩa là số điện thoại dùng thật chứ không phải kho số đưa vào sử dụng. Có 10 triệu số thì phải dùng 10 triệu số chứ không phải cấp 10  triệu số mà chỉ dùng 1 triệu số!

Bộ cũng đã có văn bản quy định thời gian giữ số trên mạng chỉ là 3 tháng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hồi số quá hạn. Quy định này cũng chính là một biện pháp để sử dụng hiệu quả hơn kho số.

Quản lý ổn định khi thị trường bão hòa

- Vậy tại sao hiện tại, các mạng di động vẫn duy trì tình trạng "để 4 sim nuôi 1 sim"?

- Việt Nam là nước đang phát triển, với tốc độ tăng trưởng thuê bao di động rất nhanh, nếu ép doanh nghiệp sử dụng kho số chặt quá (70-75%) thì sẽ không tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh cũng như ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng thuê bao. Tuy nhiên, khi mật độ điện thoại phát triển cao lên, thị trường di động bão hoà thì con số 70-75% hiệu suất kho số sẽ được áp dụng, bảo đảm lợi ích chung của xã hội và quốc gia.

Trong thời gian tới, Bộ cũng đang ép dần các doanh nghiệp sử dụng kho số hiệu quả hơn, yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm sử dụng 60-65% kho số. Văn bản này đã được ban hành từ vài tháng nay. Mục tiêu về lâu dài là phải đạt hiệu suất sử dụng kho số cao hơn.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc Nhà nước ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện thì doanh nghiệp cũng phải triển khai một loạt các biện pháp đến tận các cửa hàng bán sim của mình như qui định đến đại lý cấp 1, cấp 2… hoặc đưa ra qui định là các đại lý phải bán hết sim được cấp thì doanh nghiệp mới cung cấp tiếp.

- Hiện tượng khuyến mại ồ ạt cũng gây ra tình trạng người sử dụng "thà thay sim còn hơn nạp thẻ" - sở hữu cùng lúc hàng chục sim di động, gây lãng phí kho số. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

-  Việc DN khuyến mại như thế nào trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, trong quyết định về giá cước do Thủ tướng mới ban hành có quy định Bộ Thương mại phối hợp Bộ Bưu chính Viễn thông để quản lý. Văn bản này hiện Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ đang phối hợp Bộ Thương mại soạn thảo theo tinh thần khuyến mại không phải là phá giá. DN nào khuyến mại dưới giá thành thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

-  Hiện tại, Singgapore giới hạn mỗi người chỉ được dùng số Sim nhất định. Liệu VN có áp dụng phương pháp này được không, nhằm hạn chế tình trạng lãng phí kho số?

- Về biện pháp này, đúng là Singapore chỉ cho phép một người sử dụng 5-10 sim. Nhưng Singapore là đất nước chỉ có 3 triệu dân, mật độ điện thoại lên đến 100 máy/100 dân. Vì vậy VN không thể theo kinh nghiệm của Singapore. Giải pháp này trước đây Bộ cũng đã tham khảo tuy nhiên Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp lý để có thể bắt buộc một người chỉ được phép sử dụng 5-10 sim.

Kéo dài số thuê bao thành 11 số

- Dư luận đang tranh cãi giữa các phương án tăng mã hoặc đổi số di động lên 11 số. Liệu với việc cấp thêm mã mới cho 3 mạng (mã 01), các DN có thoát khỏi tình trạng "cháy số" không?

-  Đối với việc mở rộng số hay không, quan điểm của Bộ là hiện đã cấp 9 mã di động với tổng số sim là 72 triệu sim (6 mã cho ba mạng lớn, và 3 mã cho 3 mạng CDMA, trung bình 8 triệu số/mạng - PV). Như vậy, về lý thuyết nếu sử dụng hết số sim này thì có thể phát triển được 72 triệu thuê bao. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển thuê bao thời gian gần đây thì con số này sẽ không đủ.

Vì vậy, với đầu 01 (có từ 1 đến 9), kho số sẽ có khoảng 80 triệu số di động. Như vậy, tổng cộng có 152 triệu số, Do vậy, số lượng thuê bao sẽ khá nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thấy hiện nay nhiều công nghệ mới ra đời, nếu với tốc độ phát triển như hiện nay thì chúng tôi cũng lo lắng kho số vẫn không đủ.

Một số công nghệ mới như 3G, Wimax... đang được xem xét cấp phép…cho nên sẽ rất cần những mã mới. Khi quy hoạch, chúng tôi bắt buộc phải dành trước những đầu số mới cho những công nghệ mới, dịch vụ tương lai. Như thế, có nghĩa là không đủ hết các đầu từ 1 tới 9 cấp cho doanh nghiệp di động, vì phải để một số mã mạng mới cho dự phòng!

- Vậy Bộ BCVT hiện đang có kế hoạch thế nào để mở rộng kho số?

-  Khi không đủ, thì chúng ta xem xét kinh nghiệm các nước: Phương án thứ nhất là kéo dài số thuê bao cho tất cả các thuê bao, các mã mạng đang có. Tác động của phương án này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng do phải thay đổi lại số thuê bao đang sử dụng.

Phương án thứ hai: một số thuê bao gồm hai phần: mã mạng (như 090, 093, 098…) và số thuê bao. Bên cạnh các mã cũ (09) vẫn giữ nguyên độ dài 10 con số, Bộ sẽ cấp mã mới và kéo dài mã mạng ra. Thí du như thay vì cấp 010 thì cấp 0101 hoặc 0102.

- Về phương án thứ hai, nếu tăng lên 11 con số cho thuê bao mới đầu 01 (từ 0101xxxxxxx), liệu rằng các thuê bao mới có chấp nhận không, trong khi thuê bao cũ (09) lại chỉ có 10 số?

- Phương án thứ hai bắt buộc người tiêu dùng nào sử dụng sau phải chấp nhận. Với phương án đầu tiên, về kỹ thuật không có vấn đề khi thực hiện thêm số. Nhưng đáng ngại nhất là những người đang sử dụng không chấp nhận vì lượng thuê bao hiện nay đã lên đến 20 triệu thuê bao.

- Có ý kiến cho rằng các DN nên cho phép chuyển đổi mạng, giữ nguyên số, sẽ tiết kiệm được kho số, quan điểm của ông về việc này thế nào?

- Không tiết kiệm được số thuê bao nào với biện pháp này. Kể cả giữ nguyên số di động khi chuyển từ các mạng sang lẫn nhau. Vì về nguyên tắc, trên hai mạng vẫn phải giữ hai số thuê bao (chỉ khác nhau phần mã mạng) cho mỗi mạng của mình để quản lý thuê bao giữ nguyên số khi chuyển mạng. Tuy nhiên, với quy tắc của mạng đa mã (như ba mạng di động lớn đang sử dụng hiện nay), trong tương lai, người sử dụng, khi đến hòa mạng, chỉ quan tâm đến thương hiệu mạng mình cần đăng ký, sẽ không cần chú ý tới mã mạng mình đang dùng là gì!

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hùng (thực hiện)

Quan điểm của quý độc giả về 2 phương án mở rộng kho số của Bộ BCVT:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,