Trước sự ngỡ ngàng của giới quan sát, Chủ tịch Yahoo Terry Semel vừa tuyên bố rút lui khỏi ghế Giám đốc điều hành, kết thúc hành trình bám đuổi đối thủ Google trong vô vọng. Tuy nhiên, các cổ đông và nhân viên của Yahoo đều không lấy làm buồn.
Trên thực tế, việc Yahoo tỏ ra chậm chạp và lẹt đẹt đuổi theo Google trong suốt thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư và bản thân nhân viên Yahoo hết sức thất vọng. Những chính sách do Terry Semel vạch ra, cộng với một công cuộc đại phẫu, cải tổ trên diện rộng đều chưa phát huy được hiệu quả. Yahoo vẫn loay hoay trong việc kiếm tìm một sản phẩm "đinh" cho mình.
Cựu Giám đốc điều hành Terry Semel của Yahoo. Nguồn: AP
Sau khi Semel từ chức, Yahoo đã bổ nhiệm đồng sáng lập Jerry Yang làm CEO mới, còn bà Susan Decker được chỉ định làm Tân Chủ tịch. Bà Decker là Giám đốc tài chính của Yahoo và theo dõi toàn bộ các hoạt động liên quang đến quảng cáo - nguồn doanh thu chủ lực của Yahoo.
Quyết định từ chức bất ngờ của ông Semel được công bố chỉ một tuần sau khi giá cổ phiếu Yahoo tụt xuống mức thấp kỷ lục của 18 tháng gần đây (gần 30%). Tốc độ tăng trưởng tài chính của Yahoo cũng bị Google bỏ xa.
"Yahoo đang nắm trong tay nhiều lãnh đạo giỏi. Tôi cảm thấy đã đến lúc mình nên làm huấn luyện viên hơn là cầu thủ trực tiếp trên sân rồi", ông Semel tuyên bố.
Phố Wall thì tỏ ra hoàn toàn sẵn sàng cho một sự thay đổi. Giá cổ phiếu của Yahoo đã tăng thêm 81 cent lên 28,12 USD vào đầu phiên giao dịch, để rồi tăng vọt thêm 1,33 USD (tương đương 4,7%) vào phiên cuối.
"Rủng rỉnh" ra đi
Vì quyết định từ chức của Semel là tự nguyện nên ông sẽ không nhận được gói trợ cấp nghỉ việc theo chính sách của hãng. Mặc dù vậy, vị cựu Giám đốc điều hành này cũng đã "kiếm" đủ kể từ sau khi gia nhập Yahoo hồi tháng 5/2001. Trong suốt 6 năm tại vị, ông này đã bỏ túi gần 450 triệu USD nhờ quyền mua cổ phiếu.
Và mặc dù Yahoo trong thời gian gần đây hết sức khốn khó, Semel vẫn được thưởng một số lượng lớn cổ phiếu của hãng hồi năm ngoái, nâng tổng giá trị tiền thưởng cả năm 2006 của ông này lên 71,7 triệu USD - nhiều hơn bất cứ vị CEO nào khác tại Mỹ.
Số cổ phiếu thưởng này là một phần trong giao kết để đảm bảo rằng Semel sẽ gắn bó với ghế Giám đốc điều hành đến hết năm 2008.
Trong cuộc họp báo ngay sau tuyên bố của Semel, đồng sáng lập Yang đã mô tả về Semel như một "hình mẫu và một bậc thầy". Yang cũng gián tiếp bác bỏ lời đồn rằng Yahoo sẽ "bán mình" cho Microsoft hay một hãng nào khác.
"Chúng tôi rất phấn khích khi được tiếp tục lãnh đạo một công ty tuyệt như thế này. Chúng tôi còn có cả một tương lai rất dài và thịnh vượng phía trước, nếu điều hành đúng hướng".
Gánh nặng cho người ở lại
Hơn bất cứ ai khác, Yang tin rằng Yahoo sẽ duy trì được sự độc lập của mình. "Chúng tôi hiểu rất rõ những thách thức mà Yahoo đang phải đối mặt. Chúng tôi sẽ phải chèo lái tốt hơn, thu hút được nhiều tài năng hơn. Tôi nghĩ Yahoo rất cần có một vị lãnh đạo tài giỏi lúc này để dẫn đường cho mọi người vượt qua đợt đại phẫu".
Năm nay 38 tuổi, Yang hiện vẫn sở hữu 4% cổ phần của Yahoo với trị giá lên tới 1,5 tỷ USD. Người sáng lập còn lại - David Filo vẫn nắm giữ 6% cổ phần tương đương 2,3 tỷ USD.
Không thể phủ nhận những gì Semel đã làm được cho Yahoo. Giá cổ phiếu Yahoo đã tăng gần 3 lần do được hưởng lợi từ dòng tiền đổ vào quảng cáo trực tuyến.
Tuy nhiên, nếu biết rằng doanh thu Google kiếm được trong một quý cũng nhiều hơn Yahoo hì hục làm cả năm, bạn sẽ thấy thành tích trước không lấy gì làm ấn tượng cho lắm.
Đây quả là một thực tế buồn cho Yahoo, vì khi Google chính thức IPO vào tháng 8/2004, lúc ấy cả quy mô thị trường, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Yahoo đều cao hơn đáng kể.
Sự tăng trưởng như sao chổi của Google quả là một viên thuốc đắng mà Semel khó lòng "tiêu hóa" nổi, nhất là khi ông từng là người chỉ trích quyết liệt ý tưởng mua lại Google hồi năm 2002 với cái giá "bèo" 5 tỷ USD.
Để rồi bây giờ, Semel phải giương mắt nhìn Google từng bước mở rộng mạng lưới "chân rết" của mình ra khỏi địa hạt tìm kiếm truyền thống, tăng giá cổ phiếu hơn 6 lần và tạo ra một giá trị thị trường lên tới 140 tỷ USD.
Rất nhiều nhân viên của Yahoo đã bỏ sang Google, dấy lên mối lo ngại về chuyện chảy máu chất xám. "Liệu Yahoo có đủ nhân tài để giành lại vị thế của mình hay không?" luôn là bài toán nhức đầu với giới lãnh đạo hãng này.
Trọng Cầm (Theo AP)