Những nhân vật quyền lực nhất của giới phần mềm miễn phí đang nhóm họp tại Đại bản doanh của Google để tranh luận về tương lai, cũng như biện pháp đối phó với nguy cơ kiện cáo từ Microsoft.
Những tên tuổi hàng đầu, có máu mặt nhất của cộng đồng Linux sẽ dành tới 3 ngày chỉ để trả lời cho câu hỏi: Phớt lờ hay chiến đấu chống lại Microsoft, hãng phần mềm số một thế giới.
Nguồn: AP
Tình hình chiến sự giữa hai phe phần mềm độc quyền và phần mềm nguồn mở trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft đe dọa sẽ lôi ra tòa bất cứ ai sử dụng phần mềm Linux (ngoài Novell), với lý do... nguồn mở đã vi phạm tới ... 235 bằng sáng chế độc quyền của Microsoft.
Vẫn như thường lệ, các đại biểu sẽ đến dự hội nghị trong trang phục quần jeans, áo thun thay vì những bộ vest chỉn chu, cứng nhắc. Họ nhấm nháp vị ngọt thành công, khi mà Linux ngày càng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực máy tính cá nhân, website và thậm chí cả điện thoại di động.
Linux là biến thể được biết tới nhiều nhất của phần mềm nguồn mở. Người dùng được sử dụng, thay đổi và chia sẻ nó hoàn toàn miễn phí. Các nhà phân phối Linux chỉ kiếm tiền từ việc cung cấp các dịch vụ nâng cấp, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật mà thôi.
Trong khi ấy, Microsoft tính tiền đối với phần mềm do hãng bán ra và kịch liệt phản đổi việc chia sẻ tự do mã nguồn sản phẩm.
Không khí trong Hội nghị đột ngột trở nên căng thẳng sau khi thông tin Linspire, một hãng chuyên bán máy tính cá nhân cài sẵn Linux thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ của Wal-mart, đã trở thành hãng thứ 3 (sau Novell và Xandros) chịu "quỳ gối" trước Microsoft bằng một thỏa thuận "bảo hộ".
Microsoft: có phải kẻ tử thù?
Nhiều đại biểu không giấu nổi sự hằn học đối với Microsoft khi gọi Gã khổng lồ phần mềm là "kẻ địch số một".
Tuy nhiên, đại bộ phận cử tọa vẫn tin rằng người dùng Linux sẽ tự quyết định số phận của họ, và việc Microsoft đe dọa kiện cáo chỉ là nỗ lực tuyệt vọng để tạo ra "sự sợ hãi, bất an và nghi ngờ" trong lòng người dùng mà thôi.
James Bottomley, hiện đang là Giám đốc công nghệ tại Steeleye Technologies, khẳng định Microsoft không thể kiện khách hàng Linux được, vì hầu hết những ai dùng Linux cũng đều xài thêm phần mềm của Microsoft cả.
"Khách hàng của họ (Microsoft) cũng chính là khách hàng của chúng tôi. Việc doạ dẫm của Microsoft chẳng khác gì tự lấy dao đâm vào tay mình cả".
Tương tự, Zend Technologies, hãng phát triển ngôn ngữ lập trình nguồn mở PHP hiện đang được khá nhiều website sử dụng, cũng giữ lập trường trung lập. 80% khách hàng của họ đang dùng phần mềm nguồn mở, nhưng Zend vẫn ký kết một thỏa thuận với Microsoft gần đây.
"Một mặt, Microsoft cần phải bảo vệ công việc kinh doanh khổng lồ của họ. Nhưng ít ai biết rằng ngay chính trong lòng Microsoft vẫn có rất nhiều người nghĩ nguồn mở chính là tương lai. Chỉ có điều họ không dám thừa nhận công khai mà thôi", Giám đốc điều hành Harold Goldberg của Zend cho biết.
Chia rẽ và phân tán nội bộ
Bên cạnh Microsoft là đối thủ lớn nhất, bản thân các hãng phần mềm nguồn mở còn phải cạnh tranh với gần 360 nhà phân phối Linux khác. Số lượng đông đảo này thúc đẩy tốc độ sáng tạo và cải tiến Linux, nhưng mặt khác, nó lại chia nhỏ và làm phân tán năng lực của cộng đồng phát triển.
"Ngay trong bản thân cộng đồng nguồn mở mà lại nảy sinh tư tưởng "Chúng ta" và "Bọn họ". "Chúng ta làm dự án này, còn bọn họ thì không can hệ gì". Bản thân cộng đồng nguồn mở đã không có sự đoàn kết rồi", ông Mark Shuttlesworth, người sáng lập ra Ubuntu - một phiên bản Linux dành cho máy tính để bàn nhận xét.
"Ngày xưa, chỉ có những tín đồ công nghệ hoặc chuyên gia bậc thầy mới mày mò Linux như một sở thích ngoài giờ. Nhưng nay thì rất nhiều người đã được trả lương hậu hĩnh để dùng và phát triển Linux. Nhiều nhà phát triển nguồn mở hàng đầu hiện đang làm việc cho những đại gia như Google, HP và Oracle.
Trọng Cầm (Theo AFP)