Thị trấn Quế Vũ được người Trung Quốc gọi là "mỏ vàng" thời hiện đại. Nhưng thay vì miệt mài đãi vàng bên những dòng suối khô cạn, người công nhân tại đây lại lăn lộn bên những chồng linh kiện máy tính cũ cao ngồn ngộn để chiết xuất ra các kim loại có giá trị như vàng và đồng.
Mỗi năm, có tới hàng triệu máy tính, bàn phím, ti vi và điện thoại hỏng/cũ được nhập lậu vào Trung Quốc qua đường biển. Đại bộ phận đều thẳng tiến về Quế Vũ, một thị trấn nhỏ nằm ở bờ Nam Trung Quốc, không xa đặc khu Hồng Kông là bao.
Nguồn: Reuters
Cốc làm, cò xơi
Người dân Quế Vũ tiếp xúc với đồ điện tử phế liệu hết sức "tự nhiên" và hầu như không có bất cứ hình thức bảo vệ nào: Không mặt nạ, không hệ thống thông gió và hầu như không thấy bóng cơ quan quản lý.
Một số ít may mắn được đeo găng tay, nhưng những đôi găng tay này mỏng dính như thể sẽ toạc bất cứ lúc nào. Ấy vậy nhưng không một ai ca thán, không một ai phàn nàn. Tất cả họ đều sợ bị mất việc, bị đánh đập nếu trót nói chuyện với người nước ngoài.
Năm ngoái, tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc từng thống kê rằng hiện ở Quế Vũ đang có khoảng 5500 doanh nghiệp khai thác rác điện tử kiểu này, và họ tuyển dụng khoảng 30.000 nhân công. Và đừng tưởng rằng "rác" không sinh lời: riêng tại Quế Vũ, ngành kinh doanh này đã đẻ ra doanh thu lên tới 1 tỷ NDT (130,9 triệu USD).
Mặc dù vậy, đại đa số các nhân công chỉ được trả vẻn vẹn 3 USD/ngày mà thôi.
"Người lao động không bao giờ được hưởng thành quả lao động của họ cả", chuyên gia Lai Yun đến từ tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết. "Họ chỉ được "hưởng" những thương tật do axit gây bỏng da hoặc linh kiện máy tính đột ngột phát nổ mà thôi".
Theo một bản báo cáo năm 2005 của Liên Hợp quốc, thế giới thải ra tới 50 triệu tấn rác điện tử mỗi năm, khi người dùng nâng cấp lên máy tính hoặc laptop mới và vứt bỏ những cỗ máy cũ.
72% khối lượng này, bằng nhiều con đường, đã hội tụ về Trung Quốc. Trong suốt quá trình phân hủy rác điện tử, các nhân công (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) thường xuyên phải tiếp xúc với một hỗn hợp các hóa chất độc hại. Họ có thể không hay biết gì về những mối nguy rình rập này, nhưng cũng có thể biết mà phải cắn răng chịu đựng để kiếm kế sinh nhai.
Theo ước tính của báo chí Trung Quốc, cứ 10 người dân Quế Vũ thì có tới 9 người bị mắc các chứng bệnh về da, thần kinh, hệ tiêu hóa hoặc hô hấp.
Sau khi những kim loại quý được tách ra và lấy đi, phần còn lại thường được chôn xuống đất, vứt xuống sông hoặc đơn giản là... đem đốt. Giao thông nhiều nơi trong thị trấn thậm chí còn tắc nghẽn vì những chồng máy tính cao ngất ngưởng, nằm san sát cạnh nhau.
Siêu lợi nhuận
"Người ta đầu tư một cách tối thiểu, sử dụng những thiết bị thô sơ nhất và tận dụng khoảng thời gian ngắn nhất để kiếm lời từ rác điện tử", Giáo sư môi trường học Nie Yongfeng của Đại học Tsinghua, Bắc Kinh bình luận. "Đấy là điều duy nhất mà họ quan tâm".
"Ngành kinh doanh này đúng là siêu lợi nhuận. Trong rác điện tử chứa đầy vàng và đồng". Và tất nhiên, cánh phóng viên cùng các nhà hoạt động môi trường không được chào đón ở đây.
Chiếc ô tô chở phóng viên của Reuters đến Quế Vũ đã bị người dân địa phương hùng hộ chặn lại. Họ ném đá vào cửa sổ và dọa đánh cả tài xế. Các ông chủ rất sợ những bài viết chỉ trích xuất hiện trên mặt báo, vì nếu chính phủ Trung Quốc biết, công việc làm ăn một vốn, mười lời của họ sẽ ngay lập tức "đi tong".
Trọng Cầm (Theo Reuters)