221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
944028
Chạy đua cung cấp dịch vụ viễn thông tại Khu đô thị
1
Article
null
Chạy đua cung cấp dịch vụ viễn thông tại Khu đô thị
,

Các mạng điện thoại cố định của EVN, Viettel, VNPT đều muốn giành thị phần tại khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Để chen chân vào các khu đô thị mới, nhà cao tầng, các nhà cung cấp dịch vụ phải chi tiền “lót tay” một lần và “hoa hồng” doanh thu tháng cho các chủ xây dựng
Để chen chân vào các khu đô thị mới, nhà cao tầng, các nhà cung cấp dịch vụ phải chi tiền “lót tay” một lần và “hoa hồng” doanh thu tháng cho các chủ xây dựng

Không như trước, các chủ đầu tư xây dựng các toà nhà thường phải đến “nhờ” các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng mạng viễn thông trong chung cư, khu đô thị mới. Hiện nay, việc xây dựng này đã trở thành cuộc chạy đua giữa VNPT, Viettel, EVN.

Theo một nhân viên phát triển dịch vụ viễn thông, chuyên đi đàm phán, ký kết với các công ty xây dựng, để chen chân vào các khu đô thị mới, nhà cao tầng, các mạng phải chi tiền “lót tay” một lần và “hoa hồng” doanh thu tháng cho các chủ xây dựng. Nhiều công ty đòi mức hoa hồng là 10% trên số doanh thu dịch vụ viễn thông của tháng đó trong toà nhà. Ngoài ra, trước khi được ký hợp đồng, viễn thông buộc phải có những khoản tiền gọi là chi “quan hệ” nhất định.

Cho đến bây giờ, Bưu điện Hà Nội (BĐHN) vẫn còn cảm thấy “đau” khi bị “thua” Viettel trong việc giành quyền cung cấp dịch vụ tại khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính. Theo ông Bùi Văn Lực, Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh BĐHN, lúc đó khách hàng yêu cầu được sử dụng lại số điện thoại cũ, nhân viên BĐHN đến lắp đặt nhưng không được Viettel đồng ý.

Khi BĐHN yêu cầu được sử dụng chung cơ sở hạ tầng tại đây, Viettel cũng đặt “yêu sách” ngược lại: tất cả các khu chung cư, đô thị mới ở HN, BĐHN đều phải “mở cửa” cho Viettel. Tất nhiên là BĐHN không chấp nhận yêu cầu này.

Sau đó, BĐHN lắp đặt các cột sóng của CityPhone, bắn vào các toà nhà, nhưng hiệu quả của việc này không cao. Tính đến hết quý I/2007, BĐHN đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng cho mạng viễn thông tại hơn 100 khu chung cư cao tầng, khu đô thị mới. Hiện tại đã phát triển được 15.000 thuê bao. Tuy chỉ chiếm gần 2% trong tổng số thuê bao trên toàn TP.HN (TP.HN hiện có 900.000 thuê bao), nhưng doanh thu lại hứa hẹn rất nhiều. Vì doanh thu bình quân mỗi thuê bao tại đây cao hơn từ 1,5 đến 2 lần bình quân chung. Điều này cũng lý giải vì sao EVN, Viettel và VNPT đều coi khu đô thị mới, chung cư cao tầng là “khách hàng tiềm năng, khách hàng chiến lược”.

Theo thống kê, hiện tại Viettel đã cung cấp tại 27 khu chung cư, nhà cao tầng, với khoảng 20.000 thuê bao. Viettel cũng đã ký hợp đồng với 26 nhà chung cư, khu đô thị mới, tiếp tục lắp đặt thiết bị. Ông Lê Hữu Hiền, Phó Giám đốc phát triển mạng lưới Viettel Telecom cho biết: “Viettel Telecom luôn coi khách hàng tại khu vực này là khách hàng tiềm năng, không phải vì doanh thu, mà đây là những khu vực mới, chưa có nhà cung cấp nên dễ hơn”.

EVN thực hiện chính sách “mạnh tay” hơn, khi tiếp cận các khu văn phòng đắt tiền tại nội thành HN và cũng có chiến lược “độc” hơn với thế mạnh là “độc quyền” nguồn điện. Thường khi xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực trong các toà nhà, EVN “gài” luôn vào hệ thống cáp viễn thông, và bắt buộc nhà đầu tư xây dựng phải sử dụng. Mặt khác, EVN còn “biếu” hẳn cả một trạm biến áp (trị giá mỗi trạm biến áp hàng tỷ đồng) cho khu chung cư, khu đô thị mới. Tất nhiên, nhà đầu tư phải sử dụng các dịch vụ viễn thông do EVN cung cấp. “Độc chiêu” này của EVN buộc BĐHN và Viettel đứng “chầu rìa” nhiều nơi.

Quyết không chịu thua, Viettel tiếp cận nhà đầu tư và thoả thuận sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận hàng tháng trên cơ sở doanh thu thực của khu chung cư, đô thị mới đó. Thêm vào đó, Viettel cùng mở rộng cửa khi cho nhân viên quản lý khu đô thị, chung cư là nhân viên chăm sóc khách hàng tại đây. Nhờ vậy, Viettel lấy lại thị phần tại đây. Nhưng khốn nỗi, khi tiếp cận được nhà đầu tư, EVN lại không cung cấp điện cho hệ thống tổng đài! Vì vậy, theo Viettel, phải “chơi thân” với anh điện lực thì mới ăn thua.

Bỏ ngỏ quyền lợi khách hàng?

Thường trong các đợt khuyến mãi, khách hàng đến với BĐHN nhiều hơn. Nhưng khi họ mong muốn được lắp đặt các dịch vụ điện thoại cố định, fax, Internet… lại đều bị từ chối.

Khách hàng bức xúc, phản ánh lên lãnh đạo BĐHN, lãnh đạo cho kiểm tra, thì tất cả những khách hàng đó đều ở những khu chung cư mới như Trung Hoà, Nhân Chính, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1… Viettel, EVN đã “đặt” chỗ trước hệ thống hạ tầng.

Chị Hà ở toà nhà M3 Nguyễn Chí Thanh cho biết, “tôi chuyển nhà đến đây, rất muốn dùng mạng cố định của BĐHN vì đã quen thuộc từ lâu, nhưng không được. Theo chủ quản lý toà nhà này thì hệ thống mạng đã được Viettel lắp đặt từ trước…”

Ông Thuần ở khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính cũng nói: “Tôi nghe tin BĐHN khuyến mại Internet, ra đại lý để đăng ký thì họ từ chối. Vì theo họ, ở đó, BĐHN không thể lắp đặt được…”. Tại toà tháp đôi Vincom, trước đây là nơi EVN “độc diễn”, một nhân viên làm việc cho công ty nước ngoài bức xúc: “Văn phòng Công ty chuyển đến đây, muốn chuyển điện thoại lấy số cũ không được, vì họ nói ở đây chỉ sử dụng mạng của EVN. Mạng lại “bập bõm” lúc được lúc không. Sau đó chúng tôi phải kêu lên Ban quản lý toà nhà, họ mới yêu cầu BĐHN đến triển khai dịch vụ…”.

Những ý kiến nêu trên của khách hàng cho thấy, quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông tại các khu chung cư, khu đô thị mới, toà nhà văn phòng... vẫn chưa được bảo đảm. Việc các doanh nghiệp cạnh tranh cung cấp dịch vụ là điều bình thường. Nhưng vì cạnh tranh mà động đến quyền lợi khách hàng là điều cần tránh đặc biệt là quyền được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu sử dụng chung cơ sở hạ tầng để bảo đảm quyền lựa chọn của khách hàng tại các khu đô thị chung cư mới cần được đặt ra một cách nghiêm túc, đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng ngồi lại với nhau.

(Theo Bưu điện VN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,