(VietNamNet) - Trả lời VietNamNet trước giờ lên máy bay vào TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Trần Đức Lai và Q. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền ý thức tới người dân về tác hại của việc cắt trộm cáp quang cùng biện pháp kiên quyết nghiêm cấm khai thác cáp ngoài biển dưới mọi hình thức.
>> Thủ tướng gửi công điện khẩn ngăn chặn trộm cáp quang biển
>> Bộ BCVT lập tổ công tác khẩn giải quyết nạn trộm cáp
>> "Cần nghiêm trị thủ phạm cắt trộm và tiêu thụ cáp quang!"
>> Cáp quang TVH: Mất trộm... 98km, khắc phục mất 3 tháng!
>> Không thể cho phép khai thác cáp biển làm phế liệu!"
>> Bảo vệ cáp quang biển: Cần sự phối hợp từ nhiều phía
>> Bắt giữ 6 vụ "khai thác" cáp quang biển tại Kiên Giang
>> An toàn cáp quang biển: Chỉ trông chờ ý thức công dân
>> Việt Nam chỉ còn một đường cáp quang trên biển
>> Sự cố đứt cáp quang ở Cà Mau: Liên Bộ vào cuộc!
>> Cà Mau: cáp quang lại gặp sự cố
>> Hơn 11 km cáp quang biển Cà Mau "mất tích"
Có mặt tại sân bay Nội Bài lúc 13h30’ chiều nay, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi nhanh với Q. Chủ tịch tập Đoàn VNPT Phạm Long Trận và Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai, trưởng đoàn công tác của Bộ BCVT và tập đoàn VNPT vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để làm việc với UBND các tỉnh, nhằm khảo sát tình hình thực tế và khắc phục tình trạng cắt trộm cáp quang trên biển. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
VietNamNet: - Thưa Thứ trưởng Trần Đức Lai, xin ông cho biết Bộ Bưu chính Viễn thông và các cơ quan chức năng đang triển khai những biện pháp ngăn chặn tình trạng cắt trộm cáp quang biển như thế nào?
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: "Nhất quyết phải yêu cầu các tỉnh tuyên truyền tới người dân không được khai thác với bất kỳ loại cáp nào.". Ảnh: Phạm Tuấn.
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: Lúc 11h trưa nay (31/5), Thủ tướng Chính phủ đã vừa ký công điện khẩn gửi các Bộ Bưu chính Viễn thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn hóa - Thông tin và UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc Triển khai khẩn cấp một số công việc phòng chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển và bảo đảm thông tin liên lạc.
Để triển khai chỉ đạo này của Thủ tướng, Bộ BCVT đã triển khai hai tổ công tác khẩn về phối hợp làm việc với các tỉnh ven biển có tuyến cáp biển đi qua. Tổ công tác thứ nhất do Thứ trưởng Bộ BCVT Nguyễn Minh Hồng làm trưởng đoàn, cùng Tổng giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng bay vào Đà Nẵng. Tổ công tác thứ 2 do tôi và Q. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Mục tiêu của 2 tổ công tác của Bộ BCVT và VNPT trong chuyến làm việc lần này là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: - Mục tiêu của các tổ công tác của Bộ BCVT lần này là để truyền đạt kỹ hơn tới cơ quan chức năng các tỉnh về những thiệt hại do việc các tuyến cáp quang ngầm dưới biển bị cắt. Cụ thể là các thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về thông tin liên lạc. Đặc biệt khi đây là hệ thống thông tin đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia.
Bộ BCVT và Tập đoàn VNPT cũng sẽ yêu cầu các tỉnh phối hợp để triển khai một số công việc, chẳng hạn như phải tuyên truyền cho tất cả nhân dân, đặc biệt là ngư dân và các tàu thuyền đánh cá để họ hiểu tác hại của việc cắt trộm cáp quang, và đây là vấn đề nguy hại tới an ninh quốc gia.
Ngoài ra, cũng phải tuyên truyền để người dân hiểu là dưới đáy biển cũng có một số loại cáp từ thời chế độ cũ, hiện không còn sử dụng và được coi là phế liệu. Tuy nhiên, không chỉ với người dân thường, mà kể cả các chuyên gia viễn thông cũng không thể phân biệt được ngay bằng mắt thường đâu là cáp phế liệu, đâu là cáp quang đang được sử dụng. Cho nên nhất quyết phải yêu cầu các tỉnh tuyên truyền tới người dân không được khai thác với bất kỳ loại cáp nào.
Ngoài việc đảm bảo thông tin liên lạc cho các đường cáp quang của Việt Nam, chúng ta cũng phải đảm bảo an toàn cho các đường cáp quang quốc tế của nước bạn trên thềm lục địa của Việt Nam. Đó cũng chính là đảm bảo uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến công tác này, Bộ cũng phối hợp cùng Tập đoàn VNPT triển khai theo công điện khẩn của Thủ tướng về việc khắc phục càng sớm càng tốt tuyến cáp quang bị hỏng để khôi phục thông tin liên lạc. Tổn thất về cáp và chi phí sửa chữa chỉ là tổn thất hữu hình, còn tổn thất vô hình nhưng nghiêm trọng hơn là không đảm bảo được về thông tin liên lạc, ảnh hưởng tới hoạt động thông tin của mọi tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, tổn hại doanh thu của doanh nghiệp.
Bộ BCVT cũng yêu cầu các tỉnh phối hợp chỉ đạo cùng lực lượng công an của tỉnh và bộ đội biên phòng trên biển để có các biện pháp tăng cường kiểm tra kiểm soát và kiên quyết ngăn chặn mọi hình thức khai thác cáp phế liệu.
- Xin hỏi ông Phạm Long Trận. Liệu các đoạn cáp quang bị cắt trộm có thể thu hồi để tái sử dụng được không?
Q. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận: "Các tuyến cáp quang trên đất liền của VNPT nối sang các quốc gia khác cũng từng bị cắt trộm nhiều lần..." Ảnh: T.H.
Q. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận: Không thể, vì cáp đã bị cắt thành từng đoạn ngắn và bóc gỡ lấy phế liệu. Việc sửa chữa phải dùng cáp quang mới hoàn toàn.
Vì hệ thống cáp quang được triển khai bởi đối tác nước ngoài, nên để xác định, phân tích loại cáp quang nào thuộc tuyến TVH cũng không dễ dàng. Trong chuyến công tác này, phía VTI cũng phải mang theo các mẫu cáp quang chuẩn từng được đối tác cung cấp để đối chiếu thì mới có thể kết luận được đâu là cáp quang tuyến TVH bị cắt.
- Vậy theo ông, giải pháp hữu hiệu để người dân từ bỏ ý định khai thác cáp phế liệu ngoài biển là gì?
Q. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận: Cũng giống như đối với các hệ thống cáp quang trên đất liền, giải pháp tốt nhất vẫn là phối hợp với cơ quan chức năng của từng tỉnh, địa bàn ven biển có các tuyến cáp quang biển chạy qua để giáo dục nhận thức người dân, tuyền truyền để họ ý thức được rằng cáp quang là tài sản quốc gia quan trọng cần được bảo vệ.
Ngay cả các tuyến cáp quang trên đất liền của VNPT nối sang các quốc gia khác cũng từng bị cắt trộm nhiều lần. Chúng tôi đã phải phối hợp với các địa phương rất nhiều để răn đe, giáo dục người dân để họ có ý thức tự giác bảo vệ, không xâm phạm tài sản quốc gia.
Còn việc canh gác liên tục trên toàn bộ các khu vực có cáp quang đi qua là rất khó, vì độ dài tuyến cáp rất lớn, nhất nếu ở xa ngoài biển thì gần như không thể liên tục tuần tra, canh gác suốt ngày đêm được vì không thể đủ nhân lực và phương tiện.
- Xin hỏi Thứ trưởng Trần Đức Lai: Cơ quan chức năng sẽ xử phạt mọi trường hợp khai thác cáp trên biển, hay chỉ với các trường hợp cắt trộm vào các tuyến cáp quang đang hoạt động?
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: Một trong những mục tiêu của Bộ BCVT trong chuyến công tác này là xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác trái phép, chẳng hạn như vụ việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bắt giữ được một số tàu cắt trộm 4-5 chục tấn cáp biển.
Bộ BCVT cũng đang phối hợp với Thanh tra Bộ xác minh các loại cáp biển thu giữ được thuộc loại cáp gì. Nhưng như tôi đã nói, hiện tại trên thềm lục địa vùng biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau có rất nhiều tuyến cáp cũ mới, đang sử dụng và đã bỏ đi của cả Việt Nam lẫn quốc tế.
Khi xác định được đúng loại cáp biển bị cắt trộm là cáp quang đang được sử dụng, cơ quan chức năng sẽ có những hình thức xử phạt thật nghiêm với các đối tượng vi phạm để mang tính răn đe.
- Các biện pháp xử phạt có thể sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: Các hình thức xử phạt sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Phía cơ quan công an đang thẩm định các thông tin liên quan tới các vụ cắt trộm và khai thác cáp trái phép. Bộ BCVT cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý đúng theo pháp luật.
Hiện nay chúng ta đã có Luật hình sự, có các khung phạt cụ thể đối với hành động phá hoại tài sản quốc gia, có các mức phạt tù từ 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí là án chung thân hoặc tử hình đều có cả, vì đây là công trình an ninh thông tin quốc gia. Pháp lệnh về bảo vệ biển cũng đã được Quốc hội ban hành với các điều khoản xử phạt về những hành vi như thế này.
- Xin cảm ơn các ông đã trao đổi!
-
Bình Minh - Nguyễn Hiếu
Quan điểm của quý độc giả: