221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
929450
Hậu Đề án 112: Bộ Bưu chính Viễn thông chịu gánh nặng
1
Article
null
Hậu Đề án 112: Bộ Bưu chính Viễn thông chịu gánh nặng
,

(VietNamNet) - Phần 2 của cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM - người đầu tiên bật đèn đỏ đề án 112 - tập trung vào hậu quả để lại của đề án. 

>> Trao đổi với người đầu tiên "bật đèn đỏ" Đề án 112 
>> "Đề nghị Thủ tướng cho thanh tra nghiêm túc Đề án 112!"
>> "Ngừng Đề án 112: Một quyết định sáng suốt và dũng cảm!"
>>
Thủ tướng chỉ đạo: Ngừng triển khai Đề án 112
>> Đề án 112: Chịu đau đớn để không mất mát 
>> Đề án 112: ban điều hành “vừa đá bóng vừa thổi còi” 
>> Quyết toán tài chính đề án 112: "Người trong cuộc" nói gì? 
>> TP HCM: Đề nghị thanh tra toàn diện các dự án 112 
>> Kiến nghị xử lý vi phạm trong các đề án 112 
>> Đề án 112 sẽ không còn tồn tại ở TP.HCM 
>> Đề án 112: Chi tiêu quá lớn, hiệu quả kém 
>> Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng

- Đến nay thì trách nhiệm về thực hiện tin học hóa và công nghệ thông tin (CNTT) đã chuyển sang Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT)?

Le_Manh_Ha.jpg

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM, người đầu tiên “bật đèn đỏ” đề nghị ngưng Đề án 112. Ảnh: Bùi Văn.

Nghị định 64 mới năm nay giao Bộ BCVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc trong việc tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Chương trình Chính phủ điện tử đã được Bộ BCVT trình từ năm 2004 nhưng chưa được phê duyệt do vướng đề án 112. Đến nay, đề án này đã bị buộc phải ngưng và Thủ tướng đã giao cho Bộ BCVT sử dụng kết quả của đề án 112 như một tài liệu tham khảo để xây dựng đề án Chính phủ điện tử giai đoạn 2007-2010. Có thể nói Bộ BCVT đang chịu  áp lực rất nặng do 2 đề án về CNTT trước đều thất bại và dường như Bộ chưa sẵn sàng cho công việc mới.

Những vụ kiện đang được báo trước

- Nay đề án đã ngưng, vậy những công việc đang thực hiện dở dang thì sao?

Đề án này rất khó quyết toán kinh phí và theo tôi là không thể quyết toán được vì các lý do sau:

  • Kinh phí hàng năm chưa được Chính phủ phê duyệt, trừ năm 2002.
  • Hợp đồng kinh tế không hợp lệ. Hàng ngàn hợp đồng kinh tế được ký giữa Ban Điều hành (BĐH) 112 và các đơn vị xây dựng, triển khai phần mềm và đào tạo là các hợp đồng không hợp lệ do BĐH 112 không có tư cách pháp nhân và cũng không được giao ký hợp đồng kinh tế.

Như vậy, các công ty, các đơn vị đào tạo đã ứng tiền để tổ chức đào tạo, để triển khai phần mềm thì không thể thanh toán được. Các đơn vị đã nhận được tiền ứng trước của BĐH 112 cũng không thể quyết toán được. Điều này tất yếu dẫn đến thiệt hại cho các đơn vị này và họ sẽ phải kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trưởng BĐH không những phải chịu trách nhiệm về tài chính mà phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của đề án. Không thể không có ai chịu trách nhiệm hoặc không bị xử lý cho thất bại và thất thoát lớn đến như vậy.

- Nhưng nếu doanh nghiệp khởi kiện BĐH, tức là kiện một tổ chức của Nhà nước?

Kiện ai? Kiện BĐH 112 cũng không được vì BĐH 112 không có tư cách pháp nhân. Như vậy phải kiện chính người ký hợp đồng, tức là phải kiện Trưởng BĐH.

- Ngày 19/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngưng thực hiện đề án. Vậy còn BĐH không?

Đề án ngưng, nhưng BĐH sẽ còn phải ngồi lại để giải quyết hậu quả, giống như một trường hợp xử lý phá sản thôi.

 

untitled.JPG

Ông Vũ Đình Thuần, Trưởng ban điều hành đề án 112 giai đoạn I trong 1trong buổi lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án 112 ngày 9/9/2005 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. (Ảnh: H.S.) 


Có gì để lại để kế thừa?

- Trong số các hạng mục đã thực hiện của đề án, nặng về phần cứng hay phần mềm?

Phần cứng là nhiều. Nhưng đây cũng là yếu điểm rất lớn. Các thiết bị phần cứng trong CNTT bị lạc hậu và xuống giá rất nhanh. Phần mềm dùng chung thì không dùng được, coi như bỏ. Đào tạo thì trùng lắp với chương trình đào tạo tin học cơ bản. Một số kiến thức sử dụng 3 phần mềm dùng chung thì không áp dụng được. Cái để lại vô cùng quý giá là bài học về một đề án thất bại.

- Riêng T.P HCM đến nay có thể kế thừa gì từ những “thành quả” của đề án 112?

Hầu như không có gì kế thừa. Ngay cả trung tâm tích hợp dữ liệu cũng không có, vì từ rất sớm chúng tôi đã chặn việc xây dựng những trung tâm này. Không có dữ liệu thì có trung tâm tích hợp làm gì được? Ngay cả Thành phố còn chưa có dữ liệu thì các tỉnh làm sao có. Cái mà BĐH 112 thành phố vẫn tự hào là Cityweb thì cũng là sản phẩm của Sở KH-CN.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, bài học từ thất bại là rất quý. Thành phố cũng đã rút ra các bài học từ sai phạm của đề án 112 từ hơn 2 năm trước và đã kịp thời chuyển sang hướng khác.

Một trong các bài học là phải tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật. Không tuân thủ các quy định về đầu tư sẽ gây thất thoát ngân sách rất lớn. Quy định về đầu tư áp dụng cho tất cả các ngành, từ xây dựng cầu đường, mua sắm máy bay, và CNTT. Tất cả các ngành đều phải chấp hành. Đối với các dự án xây dựng, đòi hỏi số lượng rất lớn công việc thiết kế và bản vẽ. Đối với CNTT, do khả năng kết nối và đồng bộ hóa cao của các thiết bị, nên việc thiết kế hệ thống đơn giản hơn rất nhiều, nên chỉ áp nguyên chi phí thiết kế như của ngành xây dựng đã là cao.

 

phanmemdungchung.jpg

Ba phần mềm dùng chung gồm "Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế xã hội", "Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành" và "Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc" được Ban điều hành Đề án 112 trưng bày trong buổi lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án ngày 9/9/2005. Đây là những phần mềm Sở BCVT TP. HCM đã có công văn đề nghị tạm ngưng triển khai trên diện rộng để đánh giá và sau đó đề nghị ngưng hẳn.(Ảnh: B.M.). 

Tại sao ông lại là người lên tiếng trước?

- Các ý kiến phản hồi trên báo chí đã nêu rất nhiều điểm sai phạm trong thực hiện đề án 112. Tuy nhiên dường như chưa có một cái nhìn tổng quan về toàn bộ đề án?

Thực ra nếu đây là một dự án cầu đường, trường học hay bệnh viện thì câu chuyện đã rất sôi động, vì nhiều người cùng nhìn thấy. Nhưng đề án 112 thuộc về CNTT là lĩnh vực mới nên khó thấy hết được. Không nên chỉ đánh giá đề án qua góc nhìn của người làm khoa học, công nghệ. Đây là bài toán về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến, nên phải đánh giá từ quan điểm của nhà quản lý trong lĩnh vực chuyên môn này.

- Bao nhiêu người trong ngành và ngoài ngành cũng biết về đề án này, tại sao lại là chính ông lên tiếng trước tiên, mặc dù Sở BCVT được thành lập vào cuối  năm 2004, thời gian mà theo kế hoạch đề án chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành giai đoạn 1?

Lúc đầu những cộng sự của tôi - là những người đã tham gia đề án 112 từ trước khi thành lập Sở - có nói nên tránh đề án này vì họ “kinh khủng” lắm. Mới nhận nhiệm vụ nên tôi nghe cũng có lý nhưng chỉ sau khoảng 1 tháng từ khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở tôi quyết định là phải “đánh”. Ngày 17/12/2004 Sở mới chính thức ra mắt và đi vào hoạt động nhưng văn bản của đầu tiên đánh giá và kiến nghị về đề án 112 được gửi ngày 16/12/2004.

Nhiệm vụ chính của Sở được Nhà nước giao là quản lý nhà nước trong CNTT và xây dựng cũng như triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT. Trong khi đó BĐH 112 lại “ôm” hầu hết các dự án CNTT. Chúng tôi đã phát hiện ra một loạt các bất cập và sai phạm của BĐH 112. Nếu mình không lên tiếng thì các sai phạm này lại tiếp tục và sẽ là hòn đá cản đường CNTT.

Chúng tôi không chỉ lên tiếng mà còn đưa ra cách làm mới được TP chấp thuận và đã tạo ra bước đột phá trong ứng dụng CNTT của thành phố. Chúng tôi không  chỉ nói mà còn làm và làm có hiệu quả. Tôi xác định: nhiệm vụ của mình mà mình không làm được thì thà thôi làm Giám đốc Sở để làm việc khác có ích hơn.

112-2.jpg

Những hình ảnh phản ánh hoạt động của Ban điều hành Đề án 112 tại buổi giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" ngày 9/9/2005. (Ảnh: B.M)

 

- Tiên phong đi trước trong cuộc đấu tranh với đề án 112, ông có nhiều lo ngại vì “đấu” với cấp cao hơn và lại thuộc Văn phòng Chính phủ? Có ai đó cho là ông giành công việc về cho Sở của mình?

Tất nhiên là rất khó khăn và cực kỳ căng thẳng. Tôi đã từng phát biểu tại hội nghị của Bộ BCVT: khi làm ở quận Bình Thạnh tôi đã từng chỉ huy giải toả hàng trăm căn nhà xây dựng lấn chiếm đất công, hàng trăm người bị giải tỏa kéo đến nhà tôi chửi bới đe doạ, tôi phải chịu đựng hết. Nhưng những căng thẳng đó không thể so sánh với căng thẳng và khó khăn khi “giải toả” đề án 112.

Không phải là giành việc mà là làm đúng công việc của mình. Tôi đấu tranh để công việc của ngành CNTT phải do ngành CNTT thực hiện. Nếu để cho một đề án CNTT thực hiện một cách sai phạm mà Sở BCVT không xử lý thì cá nhân giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm.

Liệu có kết toán được không?

- Như ông đã nói, cho đến nay không cơ quan nào xác định được bao nhiêu tiền đã đổ vào đề án 112. Ba trăm tỉ hay ba ngàn tỉ đồng? Nhưng sớm hay muộn thì cũng phải có kết toán?

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ban điều hành đề án 112 phải tổng kết và quyết toán trong tháng 8/2006 và báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2006. Trong năm 2006, Sở BCVT đã hai lần có văn bản đề nghị UBND TP tổng kết và quyết toán đề án 112. Nhưng tôi có thể chắc chắn là đề án này sẽ không thể quyết toán được như tôi đã nói ở trên.

- Xin cảm ơn ông đã trao đổi!

  • Bùi Văn

Trích công văn của Sở BCVT gửi UBND TP. HCM

"Sở BCVT kiến nghị Thường trực UBND xem xét và phân công thực hiện rõ ràng theo đúng chức năng và nhiệm vụ của từng đơn vị. Theo quy định hiện hành Văn phòng HĐND và UBND không có chức năng tham mưu giúp UBND TP quản lý Nhà nước về CNTT, không có nhiệm vụ và không có chuyên môn trong triển khai ứng dụng CNTT.

Sở BCVT là cơ quan được thành lập theo quyết định của UBND TP, có lãnh đạo và chuyên viên được đào tạo về chuyên ngành CNTT, có kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước và có đủ bộ máy để thực hiện nhiệm vụ. Sở BCVT phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về các hoạt động CNTT trên địa bàn. Với trách nhiệm này, Sở BCVT cho rằng Văn phòng HĐND và UBND không có khả năng và không có nhiệm vụ thực hiện quản lý và triển khai CNTT. Đây là ngành chuyên môn sâu, công nghệ cao và gắn với quản lý Nhà nước của các ngành chuyên môn khác nên cần phải có một cơ quan chuyên môn giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn - cơ quan đó là Sở BCVT.

Trong trường hợp xét thấy Văn phòng HĐND và UBND có lãnh đạo, có cán bộ, có bộ máy được tổ chức và đào tạo đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về CNTT, đề nghị UBND TP xem xét và giao hẳn trách nhiệm cho Văn phòng HĐND và UBND để tránh chồng chéo, không ổn định và thậm chí mất đoàn kết giữa các đơn vị.”

 

Một số báo cáo của Sở BCVT về các thành phần của đề án 112:

Về phần mềm dùng chung:

1. Lãng phí do triển khai tại những nơi hạ tầng chưa sẵn sàng.
2. Còn trong giai đoạn chỉnh sửa nhưng đã triển khai trên diện rộng.
3. Ba phần mềm không liên kết được với nhau và không liên kết được với những phần mềm sử dụng trước đó.
4. Chi phí triển khai quá cao: 25 triệu đồng cho một phần mềm tại một điểm (mỗi điểm chỉ có 2-4 người sử dụng).

Về các trung tâm tích hợp dữ liệu:

1. Đầu tư hàng trăm trung tâm tích hợp dữ liệu, trong khi không có dữ liệu.
2. Với chi phí đầu tư bình quân cho mỗi trung tâm là 4 tỉ đồng, ước tính lãng phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Về chương trình đào tạo:

1. Triển khai đào tạo đại trà khi chưa rõ đối tượng, nội dung, kế hoạch triển khai…
2. Bộ Tài chính quy định việc đào tạo cán bộ tin học ở địa phương phải dùng kinh phí của địa phương, nhưng BĐH 112 đã dùng kinh phí trung ương để “bao” hết.
3. Đơn giá thí điểm của Bộ Tài chính chỉ áp dụng đến tháng 6/2004, nhưng BĐH 112 đã áp dụng cho toàn bộ đề án. 
4. BĐH 112 báo cáo đã đào tạo 68.000 cán bộ với chương trình tương đương bằng A, chi phí thấp nhất 2 triệu đồng/học viên. Thông thường học phí bằng A chỉ từ 300.000/người đến cao nhất là 700.000/người. Mức chênh lệch là 1,3 đến 1,7 triệu đồng/học viên, tổng thiệt hại khoảng từ 80 đến 105 tỷ đồng.

Quan điểm của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,