Chiều 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm đã làm việc với Ban điều hành Đề án 112 và lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan về Đề án đang được dư luận quan tâm này.
Điều phải đến của một đề án không hiệu quả
Ảnh minh hoạ. Nguồn: chinhphu.vn
Ngày 25/7/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 112/2001/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (tin học hóa quản lý hành chính nhà nước được hiểu là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý của hệ thống các cấp hành chính nhà nước). Sau này để đơn giản, mọi người gọi tắt là Đề án 112, lâu dần thành quen.
Sau khi nghe Trưởng ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần báo cáo; ý kiến đóng góp của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Bưu Chính viễn thông, Khoa học Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận một số việc làm của Đề án như: Trang bị thiết bị tin học, máy tính cho các Bộ, ngành, địa phương; mở các khóa đào tạo tin học văn phòng cho cán bộ, công chức…
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ: Đề án 112 đã không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ tin học hóa quản lý hành chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao. Thủ tướng bức xúc nhận xét, nhiều năm làm việc ở trụ sở Chính phủ, từ khi có Đề án 112 đến nay, không thấy mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng kết luận: Ngừng triển khai Đề án 112. Ban điều hành Đề án phải tiến hành tổng kết, nghiêm túc kiểm điểm việc không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ; khẩn trương thực hiện kiểm toán, giải quyết những vấn đề tồn tại, liên quan.
Triển khai tin học hóa theo hướng mới, thiết thực, hiệu quả hơn
Thủ tướng nhấn mạnh: Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước phải được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, nhưng thực hiện theo đúng Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ mà Thủ tướng vừa ký ban hành trong tháng 4 này.
Được biết, trong Nghị định 64/2007/NĐ–CP qui định như sau: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan mình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Người đứng đầu cơ quan nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa phương và tổ chức, cơ quan của mình; quyết định các biện pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính phủ khuyến khích các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các sáng kiến, chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin có sự phối hợp với nhau, tạo cơ sở hạ tầng thông tin chung và tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân…
Đẩy nhanh tiến độ phát triển Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trao đổi với Lãnh đạo Website Chính phủ, sáng nay (20/4), tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò và sự cần thiết của Cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với yêu cầu của sự phát triển và lưu ý ý nghĩa vì sao Thủ tướng quyết định Website Chính phủ chuyển thành Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện đồng thời 3 chức năng, nhiệm vụ chủ yếu: là Báo điện tử của Chính phủ; Kết nối mạng thông tin hành chính của Chính phủ; là Cổng dịch vụ công về thông tin của Chính phủ, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của các cấp hành chính…trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thủ tướng nhắc Website Chính phủ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tiến hành ngay các bước theo quy định, khẩn trương chuyển sang cơ chế, hoạt động thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
(Theo website Chính phủ)
Ý kiến của bạn: