"Người đọc cần được báo trước mỗi khi đọc phải trang web có thể chứa lời lẽ tục tĩu", đây là khuyến nghị của dự thảo bộ luật về vấn đề đạo đức trên blog vừa được đưa ra tại Mỹ.
Bản dự luật do Tim O’Reilly phác thảo ra đời sau khi một nữ lập trình viên người Mỹ, bà Kathy Sierra, công bố những lời hăm doạ và quấy rối bà nhận được trên blog cá nhân.
Tim O’Reilly, tác giả của dự thảo luật về vấn đề đạo đức trên blog. Ảnh BBC.
Bộ luật bắt đầu bằng câu: “Chúng ta tôn vinh thế giới blog vì nó luôn gắn với những trao đổi thẳng thắn và cởi mở”. Tuy nhiên, dự luật cho rằng không nên cho phép người dùng để lại những lời bình phẩm nặc danh.
Với những blog mở và chưa được kiểm định, cần treo logo “chấp nhận mọi thứ” để cảnh báo người đọc về nội dung tuỳ tiện của nó.
Do đó, khi người đọc truy cập vào những blog này sẽ được báo trước: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ poster nào và khi những lời qua tiếng lại bắt đầu "tăng nhiệt" thì rất có thể sẽ có những lời lẽ thô tục, mạt sát và cả những bình phẩm xiên xẹo. Vào đây, có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm”.
Bản dự thảo luật hiện đang được giới blogger trên toàn thế giới đánh giá và chỉnh sửa.
Luật tuyên bố rõ ràng: “Chúng ta tuân thủ các tiêu chuẩn “lễ độ bắt buộc”: Chúng ta không tải lên những nội dung "không thể chấp nhận" và sẽ xoá bỏ những lời bình luận chứa nội dung đó”.
Theo định nghĩa của bản dự thảo luật, những nội dung không thể chấp nhận là bất cứ yếu tố nào có chứa hoặc liên kết tới những thứ được dùng để “lăng mạ, quấy rối, theo dõi hoặc đe doạ người khác”. Bên cạnh đó còn là những nội dung mang tính phỉ báng, bôi nhọ, vi phạm bản quyền hay thương hiệu và xâm phạm đời tư.
Bà Kathy Sierra kêu gọi giới blog hãy lên tiếng chống lại tình trạng xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng sau khi bà phải “chịu trận” hàng loạt những lời đe doạ không cho bà xuất hiện trước công chúng cũng như buộc phải ngừng hoạt động blog.
Bà Sierra miêu tả trên blog việc bà đã bị một “chiến dịch doạ dẫm” như thế nào, trong đó có kẻ đã post cả ảnh của bà cạnh chiếc dây thòng lọng treo cổ.
Bà Kathy Sierra, lập trình viên người Mỹ bị đe doạ sát hại trên blog của mình. Ảnh BBC.
Tâm điểm của vấn đề bàn thảo chính là mức độ tự do cấp cho những người muốn gửi bình luận trên blog.
Về điều này, bộ luật quy định: “Nếu những lời bình luận đưa ra được hiểu mang tính đe doạ và chủ nhân của nó không chịu xoá bỏ hay xin lỗi thì chúng tôi sẽ phối hợp với bộ phận thi hành luật để bảo vệ người bị hại”.
Phản ứng của các blogger trước dự thảo luật cũng nhiều quan điểm trái chiều.
Ông Jimmy Wales, đồng sáng lập viên của Wikipedia nhận xét: “Vấn đề ở đây là: Tại sao chúng ta lại cho phép người khác dùng blog của ta làm chỗ để họ thực hiện các hành vi đe doạ cũng như xúc phạm, sỉ nhục người khác? Bạn đâu cần phải phỉ báng người khác để tỏ rằng mình thẳng thắn”.
Song với blogger Jeff Jarvis, anh cho rằng bộ luật này đã “nhầm lẫn”. Trên blog của mình, Jeff viết: “Dự luật này đã quên mất ý nghĩa cốt tử của Internet, blog và ngay cả những hành vi lịch thiệp. Họ coi thế giới của blog như những thư viện trong trường học, chỗ luôn cần sự kiểm soát, có trật tự, họ coi nó là phương tiện truyền thông. Nhưng nó chỉ là một "chỗ". Và khi tôi vào chỗ đó thì đó là "thành phố" của tôi, tôi không cần phải trương lên tấm biển nói rằng tôi sẽ là người hàng xóm tốt bụng. Tôi không cần bất cứ ai chỉ giáo và khuyên tôi rằng đừng nên cay cú!”.
Đỗ Dương (Theo BBC)