221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
920428
50 tác phẩm công nghệ xuất sắc nhất mọi thời đại
1
Article
null
50 tác phẩm công nghệ xuất sắc nhất mọi thời đại
,

Kỷ nguyên công nghệ số đã chứng kiến vô số phát minh, sáng kiến xuất sắc, trong đó có những sản phẩm đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta. Sau đây là danh sách 50 sản phẩm công nghệ đỉnh cao kể từ khi máy tính cá nhân ra đời.

Tạp chí PC World đã bình chọn dựa trên các tiêu chí: phổ biến, có ảnh hưởng lâu dài, mang tính đột phá.

1. Netscape Navigator (1994)

Có thể Marc Andreessen đã sớm hình dung ra được "tác phẩm" của mình khi cùng tham gia viết phần mềm Mosaic tại Trung tâm Quốc gia các ứng dụng siêu máy tính. Nhưng phải tới khi Andreessen tốt nghiệp đại học và tiếp xúc với một số nhân vật của Silicon Valley thì cuộc cách mạng web mới thực sự bắt đầu. Năm 1994, Andreessen đưa ra thị trường sản phẩm Netscape Communications, giới thiệu trình duyệt web mới của mình (dựa trên Mosaic) với thế giới. Đó là lần đầu tiên người dùng phổ thông được tiếp xúc với ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản  (HTML).

Netscape là lý do khiến người ta bắt đầu ngồi lỳ hàng giờ liền với Internet, dẫn đến sự bùng nổ (và sụp đổ) của rất nhiều website. Sự ra đời của trình duyệt này cũng dẫn đến vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Microsoft, sau khi công ty này tích hợp Internet Explorer vào hệ điều hành Windows. Và sự kiện Netscape phát hành chứng khoán lần đầu vào ngày 9/8/1995 được xem như sự khởi đầu chính thức của kỷ nguyên dot-com.

Tuy nhiên, Netscape đã không thể giữ mãi vị thế quán quân của mình và bị Internet Explorer "qua mặt" vào cuối thập niên 90. Trình duyệt Netscape vẫn tồn tại dưới quyền sở hữu của AOL nhưng dần bị quên lãng và hầu như không còn được sử dụng. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của nó vẫn bao trùm thế giới web. Các thành phần mã nguồn nguyên thủy của nó đang là một phần của hầu như mọi trình duyệt đang thịnh hành, từ  Mozilla Firefox tới Internet Explorer (bạn có thể click Help/About Internet Explorer để kiểm chứng).

2. Apple II (1977)

Phiên bản Apple đầu tiên (Apple I) chỉ được xem như một sản phẩm của thú tiêu khiển, nhưng Apple II đã có sự tiến bộ vượt bậc, trở thành chiếc máy tính cá nhân thực thụ. Có mặt trên thị trường trước chiếc IBM PC 5150 tới 4 năm, Apple II (và các "anh em" của nó II+, IIe, và IIc) nhanh chóng trở thành chiếc máy tính cho những người có nhu cầu tính toán thực sự. So với nó, những đối thủ cạnh tranh như Commodore và and TRS-80 Color Computer chỉ là những món đồ chơi.

Sự vượt trội của Apple II bao gồm những công cụ tiện ích (là chiếc PC đầu tiên tích hợp bảng tính VisiCalc), chơi game tốt, và có khả năng mở rộng với 8 khe cắm expansion. Chiếc máy cũng có thiết kế rất đẹp, nổi bật so với mọi sản phẩm cùng loại, và đây là triết lý vẫn tồn tại trên máy tính Apple ngày nay. Có thể Apple II không phải chiếc máy tính cá nhân đầu tiên, nhưng nó là tia lửa điện đã khởi động cho toàn bộ ngành công nghiệp điện toán cá nhân.

3. TiVo HDR110 (1999)

tivo.jpg
Thật khó tin, nhưng đó là sự thật: TiVo đã xuất hiện ngót nghét 10 năm, trở thành một "lão tướng" trong thế giới công nghệ. Sản phẩm này dựa trên một khái niệm đơn giản: Thay thế băng ghi hình VHS bằng một ổ cứng dung lượng lớn để ghi lại các chương trình truyền hình. Nhờ thiết bị này, người dùng có thể tạm dừng và xem tiếp một chương trình truyền hình trực tiếp, "tua" qua các đoạn quảng cáo và ghi lại cả serie game show chỉ bằng vài cú click của chiếc điều khiển từ xa. Với những đổi mới liên tục (hiện nay đã tới model Series3), TiVo dễ dàng đánh bại đối thủ cạnh tranh ReplayTV trong trận chiến giành thiện cảm của người dùng mặc dù vẫn rất chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận và đang có nguy cơ bị mua lại. Có thể thương hiệu TiVo rồi sẽ mất đi, nhưng cái tên này đã trở thành một động từ tồn tại mãi mãi trong từ vựng tiếng Anh.

4. Napster (1999)

Chúng ta không đề cập đến dịch vụ thuê bao có thu phí của Napster hiện nay mà đang nói tới phần mềm chia sẻ file do Shawn Fanning khởi xướng. Napster từng bị lên án về việc "nối giáo cho giặc", tạo điều kiện cho nạn xâm phạm bản quyền trên quy mô lớn (60 triệu thành viên ở thời kỳ "thịnh" nhất). Tuy nhiên, công bằng ra mà nói, thì nạn ăn cắp tác quyền đã xuất hiện từ lâu trước khi Napster xuất hiện và vẫn tiếp tục gia tăng khi Napster không còn.

Napster có tầm quan trọng lớn không chỉ vì phát minh ra công nghệ chia sẻ ngang hàng (P2P) mà còn vì nó đã buộc các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ghi âm phải ngồi vào bàn đàm phán với các công ty công nghệ để hợp pháp hóa hành vi trao đổi file trong lĩnh vực nhạc số. Ngay cả P2P giờ đây cũng đã gần đạt được sự công nhận về mặt pháp lý, khi các công ty lớn như Warner Brothers và Paramount vừa ký kết các hợp đồng phân phối nội dung qua BitTorrent, một phương tiện trao đổi file ngang hàng đang thịnh hành, và dịch vụ truyền hình trực tuyến Joost.

5. Lotus 1-2-3 for DOS (1983)

Chương trình bảng tính Lotus 1-2-3  là một trong những ứng dụng quan trọng đầu tiên trên PC, và nó hầu như là động lực duy nhất giúp máy tính cá nhân vượt qua tất cả các nền phần cứng khác để trở thành chuẩn phổ biến cho các doanh nghiệp. Không phải ứng dụng bảng tính đầu tiên, nhưng Lotus 1-2-3 tỏ ra vượt trội rõ rệt so với đối thủ VisiCalc, và nó duy trì vị thế chuẩn mực này cho tới khi kỷ nguyên của Windows và Microsoft Excel trỗi dậy. Lotus chọn đối tác OS/2 để tích hợp thay vì Microsoft và điều đó đánh dấu chấm hết cho số phận của nó trên thị trường, mặc dù hiện nay sản phẩm này vẫn còn tồn tại trong phiên bản Lotus 1-2-3 Millennium Edition.

6. Apple iPod (2001)

Năm 2001, máy chơi nhạc bỏ túi trở nên cực kỳ phổ biến, với rất nhiều mẫu mã bán chạy giá rẻ. Tuy nhiên Apple cho rằng họ có thể làm tốt hơn. Và iPod đã thành công rực rỡ khi Apple tái phát minh chiếc máy nghe nhạc thô kệch và thực dụng trở thành một thiết bị số thời trang và phong cách.

Apple chiếm tới 73% thị phần của thị trường máy nghe nhạc. Đây là một con số trong mơ, bởi đối thủ cạnh tranh bám sát nhất, Sandisk, chỉ chiếm 9% thị phần. Các sản phẩm iPod thế hệ tiếp theo tiếp tục cuộc "bành trướng" trên thị trường với các tính năng bổ sung như video và thiết kế thanh thoát hơn, thời trang và phong cách. Tới nay, hiện tượng iPod vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm nào.

7. Hayes Smartmodem (1981)

Năm 1978, chỉ với 5000 USD, Dennis Hayes khai trương một công ty, mà sau này được nhìn nhận là một trong những doanh nghiệp công nghệ đáng ghi nhận nhất trong thập niên 80: Hayes Microcomputer Products. Không bao lâu sau khi thành lập công ty, Hayes tung ra thị trường sản phẩm chiến lược 300-baud Smartmodem.

Các modem thời kỳ đầu thường đòi hỏi phải có các thiết bị và phụ kiện đi kèm khá rắc rối. Hayes đã tỏ ra nổi trội hơn tất cả với 1 thiết bị độc lập cắm trực tiếp vào giắc cắm của điện thoại bàn. Bước đột phá này tạo tiền đề cho cuộc cách mạng viễn thông và sự bùng nổ của các website, diễn đàn trực tuyến.

Các modem cá nhân có tốc độ cao nhất là 56 kilobits/ giây. Và mặc dù sản phẩm này đã bị công nghệ băng thông rộng vượt qua từ lâu, ngày nay nó vẫn còn hiện diện trong khá nhiều hộ gia đình.

8. Motorola StarTAC (1996)

Trước khi StarTAC ra đời, điện thoại di động là những "cục gạch" khổng lồ đúng với nghĩa đen của nó, khiến người dùng lúng túng và ngượng nghịu. Và rồi kỳ quan nhỏ bé này xuất hiện, chỉ nặng đúng 3,1 ounce (1 ounce = 28,3495 gram), với thiết kế vỏ sò tinh tế chưa từng có trước đó. StarTAC nhanh chóng trở thành chiếc điện thoại di động được ưa chuộng và duy trì vị thế đó tới nửa thập kỷ, đồng thời thiết kế của nó cũng được vay mượn trong vô số thiết bị di động cầm tay thuộc thế hệ "đàn em". Nếu bạn cho rằng StarTAC là một "quái vật" so với các tiêu chuẩn hiện nay thì có lẽ bạn sẽ phải nghĩ lại. Sản phẩm Razr cực kỳ phổ biến của Motorola hiện nay chính là "hậu duệ" trực tiếp của StarTAC, và nó còn nặng hơn StarTAC tới 0,2 ounce. 

9. WordPerfect 5.1 (1989)

WordPerfect 5.1 có lẽ là ứng dụng phổ biến cuối cùng trên hệ điều hành già cỗi DOS. Phần mềm xử lý văn bản này có rất nhiều cách tân, bao gồm menu thả, hỗ trợ bảng biểu, và đặc biệt là chế độ Reveal Codes cho phép hiển thị tất cả các lệnh in ấn được nhúng trong văn bản, cho phép bạn biên tập chúng mà không cần một giao diện người dùng đồ. Đã có các phiên bản WordPerfect mới hơn chạy trên nền Windows, nhưng WordPerfect 5.1 vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, bởi nhiều doanh nghiệp, nhất là các công ty pháp luật, tiếp tục dựa vào chúng để tiết kiệm chi phí, tránh việc phải nâng cấp lên Windows.

10. Tetris (1985)

Ban đầu, mục tiêu của hầu hết các video games chỉ là bắn hạ người ngoài hành tinh, đua xe trên một mê cung hoặc đánh bại bọn côn đồ. Không game nào trong các thể loại này đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ nhiều mà chỉ cần quen tay với cần joystick và một vốc tiền 25 xu là đủ. Trò chơi Tetris do Alexey Pajitnov phát triển độc lập là một trong những game đầu tiên đòi hỏi người chơi phải động não và sự ra đời của nó đã làm chấn động ngành công nghiệp game.

Trò xếp gạch của Pajitnov đủ đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu, nhưng lại cũng đủ thử thách để giữ chân người chơi hầu như vĩnh viễn. Tetris trở thành trò chơi đỉnh cao trên rất nhiều hệ máy, từ PC tới Mac và Game Boy (có rất nhiều người mua Game Boy chỉ để chơi Tetris). Đến nay, mặc dù đã có tuổi thọ hơn 20 năm, Tetris vẫn tiếp tục gợi cảm hứng cho nhiều biến thể mới, chứng minh rằng một trò chơi không nhất thiết phải có đồ họa lộng lẫy và cốt truyện lắt léo mới mê hoặc được người chơi

11. Adobe Photoshop 3.0 (1994)

Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện trên hệ máy Macnăm 1988, Photoshop đã nổi lên như một ứng dụng được yêu thích. Nhưng nhiều năm sau công cụ đồ họa này mới trở thành phần mềm không thể thiếu với các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Bước ngoặt đó đến cùng với sự ra đời của Photoshop 3.0, với sự bổ sung lớp (layer), cho phép các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo với các hình ảnh và hiệu ứng trên các tầng chồng lên nhau, thay vì một hình phẳng duy nhất như trước đó. Công nghệ này mở cửa cho kỹ thuật chỉnh sửa ảnh trên một mức độ lớn chưa từng có - và đó là lý do tại sao những tấm ảnh không còn là bằng chứng đáng tin cậy nữa.

Các phiên bản mới nhất của Adobe, Photoshop CS2 và Photoshop CS3 tiếp tục duy trì truyền thống của phần mềm này và vẫn tiếp tục là một chuẩn mực trong lĩnh vực đồ họa bitmap.

12. IBM ThinkPad 700C (1992)

Trong suốt nhiều năm, chỉ có một cái tên xứng đáng được nhắc tới khi đề cập đến máy tính xách tay, và đó chính là IBM. Mỗi lần ra mắt một phiên bản ThinkPad mới, IBM lại tiếp tục làm thị trường sửng sốt. Mỗi serie thế hệ sau lại "long lanh" hơn thế hệ trước với khối lượng nhỏ hơn, năng lực mạnh hơn, hoặc màn hình lớn hơn so với những gì từng được cho là giới hạn tối đa. Chẳng hạn, phiên bản 701C, với bàn phím ngoài kích thước tiêu chuẩn kiểu cánh bướm mang tính cách tân đến nỗi nó được đưa vào trưng bày trong... Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York.

Phiên bản mở đầu cho chuỗi thành công đó là chiếc 700C, với khối lượng dưới 6 pounds (2,7 kg), có màn hình màu TFT 10,4 inch (rất rộng so với thời điểm đó) cùng với con chuột kiểu que trỏ (pointing stick) đầu tiên. 

Mặc dù ngày nay thương hiệu này đã thuộc quyền sở hữu của công ty Trung Quốc Lenovo, những chiếc ThinkPad (như dòng R60) vẫn là biểu tượng vững chắc của vị thế trong giới doanh nhân.

13. Atari VCS/2600 (1977)

Máy chơi game Atari đầu tiên chính là tiền đề tạo nên hệ thống chơi game tại nhà ngày nay. Có thể nói tất cả các máy chơi game chuyên dụng (console) hiện đại đều ít nhiều thừa kế các đặc điểm của cỗ máy có thiết kế đơn giản này. Chiếc VCS (sau được đổi tên thành 2600) thu hút được sự chú ý lớn (cho tới khi Space Invader ra đời năm 1980), với sản lượng bán ra đạt 8 triệu đơn vị chỉ trong năm 1982. Tổng số máy 2600 được bán ra đạt 40 triệu đơn vị, mở đường cho các đối thủ cạnh tranh và sản phẩm ăn theo tiến vào thị trường máy chơi game gia đình. Có thể nói, ngoài game Pong, máy chơi game 2600 là sản phẩm quan trọng duy nhất mà Atari từng phát hành.

14. Apple Macintosh Plus (1986)

2 năm sau thời điểm phát hành chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, Apple đạt đến đỉnh cao với phiên bản Mac Plus. Dòng máy này khắc phục một số nhược điểm của thế hệ trước, trở thành một trong những sản phẩm được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất của Apple. Chiếc hộp "tất cả trong một" đầy kiểu cách gồm có 1 bộ vi xử lý Motorola 68000, tích hợp 1 màn hình đơn sắc 9 inch và 1 ổ đĩa mềm 3,5 inch. Nổi bật nhất trong những sáng tạo của sản phẩm là 1 cổng SCSI cho phép người dùng kết nối với ổ cứng ngoài, và 1MB RAM có khả năng nâng cấp lên 4MB. 

Máy tính cá nhân còn được coi như một biểu tượng thời trang. Ngày nay, các máy tính iMacs đều có phong cách độc đáo, và tất cả đều được bắt đầu từ Mac Plus. Trước đây, Mac Plus có giá 2600 USD, nhưng giờ đây bạn có thể mua một chiếc với giá dưới 100USD trên eBay.

15. RIM BlackBerry 857 (2000)

Khi tung ra thị trường phiên bản đầu tiên BlackBerry 850, hãng RIM đưa ra ý tưởng thiên tài về việc biến một chiếc máy nhắn tin 2 chiều tiêu chuẩn thành một sản phẩm có tính năng đầy đủ hơn. Chiếc 850 có khả năng gửi - nhận e-mail, cho phép người dùng nhập liệu bằng ngón cái trên bàn phím QWERTY tí hon, mặc dù màn hình hiển thị chỉ gồm 6-8 dòng văn bản khiến việc duyệt tin tương đối khó khăn.

Dòng máy BlackBerry 857 không khác nhiều so với dòng 850, nhưng hiển thị tới 20 dòng văn bản. Hình dạng thuôn dài của thiết bị cũng gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế về một mẫu điện thoại di động. 2 năm sau, thiết bị đầu tiên kết hợp e-mail với ĐTDĐ của RIM ra đời. Và ngày nay, thiết kế của dòng máy 857 vẫn ảnh hưởng tới vẻ ngoài của rất nhiều máy ĐTDĐ thông minh (smart phone). Có thể thấy rõ nét điều đó trong sản phẩm BlackBerry 8700c đang thịnh hành.

(còn tiếp...)

(Theo TTO/PCWorld)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,