Nguồn: AP |
Điều đáng ngạc nhiên là Apple lại đứng chót bảng trong danh sách 14 hãng do Greenpeace tổng hợp.
Kế hoạch hành động
Bản báo cáo của Greenpeace tập trung nghiên cứu xem các hãng điện tử lớn có sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất phần cứng hay không, và trong trường hợp người dùng vứt bỏ những sản phẩm này, chúng sẽ được các hãng thu hồi, tái chế rồi xử lý như thế nào.
Theo Greenpeace, điểm số "xanh, sạch" của hãng đã có cải thiện, nhưng vẫn chưa đủ để được coi là "thân thiện với môi trường". Cao điểm nhất (Lenovo) cũng chỉ được 8 điểm, với Nokia (7,3), Sony Ericsson (7), Dell (7) và Samsung (6.3) lần lượt theo sau.
Rất nhiều ông lớn không vượt qua nổi ngưỡng 5 điểm như Toshiba (4.3), Sony (4), LG Electronics (3.6) và Panasonic (3.6). Nhưng tệ nhất phải kể đến Apple, khi mà hãng này chỉ đạt vẻn vẹn 2.7 điểm, đứng đội sổ trong danh sách.
Mặc dù vậy, theo lời Greenpeace thì dù sao, ngành công nghiệp hi-tech cũng đã tỏ ra thiện chí khi bắt tay vào hành động, thay vì chỉ tuyên bố suông về những kế hoạch môi trường trên giấy như trước đây.
Vẫn còn thiếu sót
Sở dĩ Lenovo đứng đầu danh sách là vì tại tất cả các quốc gia có bán sản phẩm của hãng, Lenovo đều cung cấp dịch vụ "Nhận lại sản phẩm cũ".
Điều này có nghĩa là Lenovo sẽ tái chế bất cứ sản phẩm bị hỏng hóc nào do khách hàng gửi lại. Tuy nhiên, hãng này lại mất điểm ở chỗ vẫn sử dụng một vài hóa chất độc hại trong quá trình chế tạo sản phẩm.
Một số hãng khác trong top 5, ví dụ như Sony Ericsson, đã loại bỏ hóa chất độc hại ra khỏi quy trình sản xuất trong nhà máy, nhưng công tác tái chế lại làm không tốt.
Phản ứng trước kết quả do Greenpeach đưa ra, Apple đã tuyên bố "không đồng tình với lời chỉ trích cũng như cách tính điểm của Greenpeace".
Trọng Cầm (Theo BBC)