Thứ hai tuần này (2/4), gã khổng lồ phần mềm tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị tất cả những tổ chức lạm dụng danh nghĩa mua phần mềm phục vụ công tác học tập nghiên cứu, chẳng hạn như các trường đại học và sinh viên, để bán lại với giá thông thường nhằm mục đích kiếm lời bất chính.
Được biết tới nay, Microsoft đã khởi tố 9 vụ vi phạm và gửi hơn 50 thư cảnh cáo tới những đơn vị có hành vi sai phạm này. Tất cả các vụ kiện đều diễn ra tại Mỹ song đối tượng xử lý lại là những tổ chức có phạm vi hoạt động mang tính toàn cầu.
Trong phát ngôn của hãng có đoạn: “Những công ty này đã kiếm lời bất chính hàng triệu dollar nhờ cố ý bán phần mềm cho các hãng bán lẻ qua Internet ở Mỹ thay vì cung cấp cho sinh viên theo như cam kết quy định”.
Sau đó, tới lượt các hãng bán lẻ qua Internet lại trục lời thêm một lần nữa bằng cách bán các phần mềm này với giá bán lẻ cho những công dân Mỹ “ngây thơ” không biết đã bị lừa để bỏ tiền ra mua sản phẩm mà họ không được cấp phép sử dụng.
Một trong những đơn vị vi phạm tiêu biểu là EdirectSoftware.com. Để được “yên chuyện”, hãng này đã chấp nhận bồi thường cho Microsoft hơn một tỉ USD về cả tiền mặt lẫn tài sản. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh khác sau khi nhận được thư cảnh báo của Microsoft cũng đã chấp nhận ngừng việc bán lại phần mềm.
Theo nghiên cứu của Liên minh phần mềm thương mại, nạn ăn cắp bản quyền đã làm thâm hụt khoảng 34 tỉ USD doanh thu toàn cầu năm 2005, tăng 1,6 tỉ USD so với năm 2004.
Trong nhiều năm nay, Microsoft đã không ngừng nỗ lực đấu tranh xoá bỏ nạn buôn phầm mềm lậu này, áp dụng nhiều biện pháp đa dạng như có hành động trừng phạt cụ thể hoặc thiết lập công cụ kiểm tra bản quyền phần mềm trên máy tính.
Tất cả những phần mềm dành cho mục đích giáo dục đều được đánh dấu là “Student Media” hoặc “Not for retail or OEM distribution. Not for resale” (tạm dịch là “Cấm bán lẻ hay phân phối OEM. Cấm bán lại”).
Đỗ Dương (Theo CNET)