221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
913790
Viacom thuê "thợ săn" video lậu trên YouTube
1
Article
null
Viacom thuê 'thợ săn' video lậu trên YouTube
,

Để có cơ sở pháp lý cho vụ kiện chống lại YouTube, Viacom đã nhờ một công ty ở thung lũng Silicon tìm ra những video clip lậu trên website chia sẻ video phổ biến này.

13-image001.jpg

Sự bùng phát của video clip lậu đang khiến cả Hollywood lẫn các website video trực tuyến, như YouTube (ảnh), tìm kiếm công nghệ đối phó.

Viacom, hãng vừa kiện đòi YouTube và công ty mẹ Google Inc. bồi thường 1 tỉ USD vì đưa những nội dung của họ lên web mà không được sự đồng ý trước, đã thuê công ty công nghệ BayTSP Inc ở Los Gatos, Mỹ, tìm kiếm những clip vi phạm bản quyền trên website này.

Vào thời điểm vụ kiện bắt đầu, BayTSP đã phát hiện được hơn 160.000 video clip trái phép của các kênh truyền hình của Viacom như MTV, Comedy Central, Nickelodeon... Dù YouTube tuyên bố đã loại bỏ hết số video clip nói trên, nhưng điều này cũng không ngăn được Viacom đòi YouTube bỏ nhiều video clip hơn nữa, đồng thời yêu cầu tòa án buộc YouTube chấm dứt đưa nội dung của họ lên website.

Cùng với sự bùng nổ của trào lưu video trực tuyến, vụ kiện của Viacom cho thấy căng thẳng ngày càng tăng giữa Hollywood và một nhóm website mới vốn khuyến khích người sử dụng chia sẻ nhật ký cá nhân, hình ảnh và video gia đình lên Internet.

Tuy nhiên, bên cạnh những video clip sinh nhật hay kỳ nghỉ gia đình, không ít video clip có nội dung là những chương trình truyền hình và phim ảnh được lưu lại và đưa trái phép lên Internet. Vấn nạn trên thúc đẩy Hollywood và một số công ty web khác tìm kiếm sự giúp đỡ của công nghệ, khiến các công ty trong lĩnh vực săn lùng nội dung ăn cắp bản quyền trên web ngày càng ăn nên làm ra.

Viacom cho biết đã chi hàng chục ngàn USD mỗi tháng để BayTSP tìm kiếm video clip ăn cắp bản quyền trên YouTube. Vào tháng rồi, MySpace bắt đầu nhờ công ty Audible Magic ở Los Gatos giúp bảo đảm những video tải lên website của họ không vi phạm bản quyền. Trong khi đó, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đang đánh giá một phần mềm phát hiện nạn ăn cắp bản quyền do 12 công ty phát triển. Ngoài ra, hãng Atrributor ở Redwood City (Mỹ) chuyên quét tìm nội dung sao chép lậu trên web vừa được tài trợ 10 triệu USD.

MotionDSP là một trong số ngày càng nhiều công ty bất ngờ được lợi từ cuộc chiến giữa Hollywood và các website video trực tuyến. Ban đầu, công ty ở San Mateo (Mỹ) này chỉ phát triển phần mềm cải thiện chất lượng video quay bằng điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác. Nhưng hãng này nhận thấy rằng họ có thể áp dụng cùng một công nghệ vào việc phát hiện những video clip có bản quyền trên Internet.

Phần mềm của MotionDSP hoạt động bằng cách ghi nhận những chuyển động và hành động trong một bộ phim nào đó và tìm kiếm những điểm tương đồng với chúng trên web. Ngay cả khi người nào đó chỉnh sửa bộ phim nói trên – như chuyển thành phim trắng đen hay thay đổi hình ảnh– phần mềm vẫn có thể tìm ra các bản sao chép. Varah nói: “Phần mềm vẫn hoạt động hiệu quả ngay cả khi bộ phim có logo chèn vào hay được nén”.

Trong khi đó, hãng Audible Magic lại có hướng đi khác khi tập trung phân tích tiếng nhạc, lời đối thoại và hiệu quả âm thanh của video clip. Hiện công ty này đã lập một thư viện dữ liệu khổng lồ trong quá trình làm việc với các xưởng phim Hollywood và hãng ghi âm.

Khi một người sử dụng đưa một video lên website MySpace, đoạn video đó sẽ được gửi đến Audible Magic để kiểm tra. Hệ thống của hãng này sẽ phân tích để xác định liệu video clip này có âm thanh tương tự như những gì được lưu trữ trong kho của mình hay không. Nếu có sự tương đồng, video này sẽ bị đánh dấu và không thể được đưa lên MySpace.

Quá trình kiểm tra mất từ vài giây đến một phút, tùy vào mức độ kiểm tra. Ngoài MySpace, các website video trực tuyến như Grouper, Break.com và GoFish cũng sử dụng phần mềm của công ty Audible Magic vốn có khả năng xử lý từ 5 triệu đến 10 triệu tập tin mỗi ngày. Nói về sự quan tâm ngày càng tăng đối với công ty ông, Tổng Giám đốc Audible Magic Vance Ikezoye lý giải: “Nhiều website video trực tuyến đang sợ bị kiện”.

Dù không nói ra nhưng chính YouTube có lẽ là một trong số website quan tâm nhất đến nạn video clip sao chép lậu. Bằng chứng là họ vừa phát triển công nghệ lọc nội dung của riêng mình vừa tìm kiếm thỏa thuận với các công ty truyền thông để đưa các video clip có bản quyền lên mạng.

Dù vậy, Viacom – một trong số công ty từng thương thảo với YouTube về vấn đề trên - vẫn cáo buộc website này quá chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề bản quyền và nhờ BayTSP vào cuộc. Tổng Giám đốc BayTSP Mark Ishikawa cho biết họ vẫn đang tiếp tục truy tìm những video clip lậu và gửi chúng cho Viacom mỗi tuần. Ông Ishikawa nói: “Công việc của chúng tôi là săn video clip lậu. Tôi là thám tử tư mà họ cần để thu thập bằng chứng.”

(Theo PHƯƠNG VÕ - Người Lao Động/San Francisco Chronicle)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,