Cạnh tranh trên một thị trường gần như đã định hình vai trò “bá chủ” thuộc về Nokia và Motorola, nhiều hãng sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) châu Á đã gánh chịu không ít hậu quả đau thương và nguy cơ “tuyệt chủng” là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, chỉ rất ít hãng, với chiến lược bắt tay hợp tác với các công ty viễn thông ở các thị trường phát triển và mới nổi để cung cấp các model cao cấp, kiểu dáng hấp dẫn, có thể “sống sót” trong cuộc chiến không cân sức này.
“Thị trường ĐTDĐ vẫn đang sôi động với cuộc cạnh tranh giữa các hãng di động ở châu Á với các “lão làng” thế giới”, Bengt Nordstrom - một chuyên gia chiến lược cao cấp của công ty nghiên cứu thị trường inCode - cho biết. “Với những ứng viên “thấp bé nhẹ cân” trong khu vực thì việc đấu đá với Motorola và Nokia trên phân đoạn thị trường điện thoại thấp cấp là một nhiệm vụ bất khả thi”.
Thực tế, một số công ty ở Hàn Quốc đã rơi vào thảm cảnh chua xót. Trong đó, Pantech và Pantech&Curitel Communications đang phải trải qua giai đoạn nợ nần chồng chất do những thua lỗ vì cạnh tranh và lợi nhuận giảm sút. Tập đoàn VK - một thời nổi tiếng với những mẫu điện thoại siêu mỏng - đã bị chuyển giao quyền sở hữu trong tháng này.
Công ty sản xuất điện thoại hàng đầu của Đài Loan – BenQ, vừa công bố thua lỗ 5 quý liên tiếp. Thảm hại hơn, hoạt động kinh doanh của BenQ cũng rơi vào thảm cảnh tồi tệ, chi nhánh của hãng ở Đức đang bị vỡ nợ.
Thậm chí, Motorola, một đại gia trong làng di động, cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ. Hôm qua, hãng điện thoại Mỹ này vừa dự báo doanh thu của hãng trong quý I năm nay sẽ yếu hơn mức dự đoán cho năm 2007 vì doanh số giảm và cả những áp lực về giá bán.
Nokia vẫn chứng tỏ là “thủ lĩnh” trên thị trường, trong khi đó, Sony Ericsson vượt mặt LG Electronics của Hàn Quốc để đứng ở vị trí thứ 4 trên thị trường di động.
Hầu hết các công ty sản xuất điện thoại nhỏ của Nhật, mới chỉ chiếm chưa đầy 1% thị phần trên thị trường di động, là gánh chịu nhiều “đau thương” nhất. Rất nhiều công ty phải cắt giảm nhân lực do sự cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, theo Michito Kimura, một nhà phân tích của công ty IDC, những “kẻ yếu” này có thể tăng thị phần của mình bằng những sản phẩm tạo nên một cuộc cách mạng, như điện thoại chạy bằng pin nhiên liệu, điện thoại truyền dữ liệu tốc độ siêu nhanh.
IDC cho rằng, chiến lược khoanh vùng phân đoạn thị trường bằng những model ưu việt cũng có thể giúp họ vươn mình ra thị trường thế giới.
Tập đoàn công nghệ Sharp đã tạo được một chỗ đứng trên thị trường bằng những model có kiểu dáng hấp dẫn sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G) để tung ra thị tường Tây Âu. “Song, mặc dù thành công nhưng Sharp cũng khó lòng vươn xa hơn nữa trên thị trường toàn cầu, một phần vì bị hạn chế về tài chính”, Neil Mawston, một nhà phân tích của công ty Strategy Analytics, nhận xét.
Cũng tương tự, nhiều công ty sản xuất điện thoại của Trung Quốc, chiếm chưa đến 1% thị phần, cũng sẽ phải “từ giã” thị trường này hoặc là phải hợp nhất với các đối thủ. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có đến 35 công ty sản xuất mobile.
“Rất ít triển vọng dành cho những thương hiệu của Trung Quốc. Nokia và Motrola đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc từ năm 2005 và đã hạ bệ hầu hết các công ty nội địa bằng những chiến lược marketing rộng rãi”, Mawston nhận xét. "Chỉ có Lenovo, Huawei, với những mẫu điện thoại giàu tính năng và giá cả hợp lý, được đánh giá như là những đối thủ đáng gờm. Tuy nhiên, tiềm lực chưa nhiều nên Lenovo và Huawei vẫn chưa vươn ra được thị trường toàn cầu".
Theo dự báo của chuyên gia phân tích của công ty iSuppli Kevin Wang, năm nay, Bird sẽ giảm lượng hàng xuất xưởng ra nước ngoài còn Huawei và ZTE lại tăng cường mạnh mẽ nhờ những hợp đồng cung cấp điện thoại cho các nhà phân phối Vodafone và Reliance Communications (Ấn Độ).
(Theo Dân trí/Reuters)