Đến nay, khái niệm phần mềm nguồn mở đã không còn xa lạ với nhiều người và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp. Được đánh giá là một phương tiện hữu hiệu để san sẻ sự thịnh vượng của thế giới công nghiệp hoá sang các nước đang phát triển, sự ra đời của phần mềm nguồn mở thực sự là một cuộc cách mạng của công nghiệp phần mềm.
Thái Lan, một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á được biết đến là nơi có nguồn cung cấp vô tận những phần mềm máy tính mới nhất, hầu hết đây đều là các phần mềm bị vi phạm bản quyền. Cách đó nửa vòng trái đất, tại thị trường Brasil, câu chuyện tương tự cũng xảy ra. Những người bán dạo trên phố ngang nhiên bán DVD và phần mềm không có bản quyền trong những sạp hàng với mái che bằng vải dầu, như cách người ta bán rau và những thực phẩm thông thường khác.
Thực trạng này cũng là điều dễ hiểu tại những nước mà một nhân viên với mức lương trung bình phải làm việc hơn một tháng mới đủ điều kiện mua một phần mềm cơ bản hợp pháp. Cũng chính vì những bất cập đó, cuộc họp Thượng đỉnh về cộng đồng thông tin tại Tunisia đã đẩy mạnh sự chú ý và trao đổi ý kiến để thay đổi tình trạng hiện tại. Tổng thư kí Liên hợp quốc và những người có tiếng nói quyết định trong giới công nghệ truyền thông và máy tính cũng có chung ý muốn làm cho giá phần mềm hợp lý hơn với những người không đủ tài chính. Và phần mềm nguồn mở, xem ra, là một lời giải hữu hiệu cho bài toán đó.
Phần mềm nguồn mở là...
Theo Richard Stallman, người của Phong trào phần mềm miễn phí: "Thứ nhất, tự do chạy chương trình mà bạn muốn. Thứ hai, tự do nghiên cứu mã nguồn và thay đổi nó. Tiếp đó là tự do giúp đỡ bằng cách copy và phân phối cho những người khác nếu bạn muốn. Và cuối cùng là tự do giúp đỡ cộng đồng thông qua việc phát hành và phân phối một phiên bản sửa đổi... Nếu bạn có tất cả 4 quyền tự do sử dụng này, nó chính là phần mềm nguồn mở".
Ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Vinh cho rằng: "Khác biệt cơ bản giữa phần mềm nguồn mở với phần mềm nguồn đóng thông thường là ở chỗ: Phần mềm nguồn mở thường do cộng đồng phát triển và những người sử dụng có nhiều quyền tự do. Trong những quyền tự do ấy có tự do về sử dụng, tự do sao chép...".
"Không hẳn 100% các phần mềm nguồn mở đều rẻ hơn các phần mềm có bản quyền, nhưng chắc chắn ban đầu là như vậy. Nhìn qua giá phần mềm của Microsoft và Linux, có thể thấy, nguồn mở rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy nếu cả thế giới dùng Internet, 1 tỉ người tiếp theo sẽ chọn phần mềm nguồn mở hay những phương án về giá cả khác từ những người bán dạo phần mềm độc quyền”, Nhà kinh tế Kenneth Cukier nhấn mạnh.
Tóm lại, có thể hiểu, với phần mềm nguồn mở, người dùng có quyền tự do chạy chương trình theo bất kỳ mục đích nào, không chỉ miễn phí về giá mua mà chủ yếu là miễn phí về bản quyền. Người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển, nâng cấp theo một số nguyên tắc chung.
Không có phí trả trước, không cần lo lắng về nạn ăn cắp bản quyền... Các chuyên viên máy tính cũng như những người bình thường có thể tạo thành cộng đồng ảo để phát minh ra các phần mềm mới. Đặc biệt, những phần mềm này cũng có thể viết bằng ngôn ngữ địa phương... Với những đặc tính này, sự ra đời của nguồn mở thực sự là một cú đột phá của công nghiệp phần mềm.
Phần mềm nguồn mở đã ra đời như thế nào?
Phần mềm nguồn mở mang cơ hội tiếp cận máy tính đến các quốc gia nghèo. |
Vào năm 1984, Richard Stallman, một trong các nhân viên phòng thí nghiệm MIT đặt câu hỏi về hành động của các công ty thương mại phần mềm và bắt đầu cuộc vận động cho phần mềm miễn phí. Richard Stallman, nói: "Tôi có thể làm được gì? Tôi không có đảng phái chính trị nào hậu thuẫn đằng sau. Tôi không thể kì vọng chính phủ hay các tổ chức sẽ thay đổi chính sách của họ nhưng tôi biết cách viết phần mềm. Vì vậy tôi sẽ phát triển 1 hệ điều hành khác với sự giúp đỡ của bất kì ai muốn tham gia. Chúng tôi sẽ tôn trọng quyền tự do của bạn".
Bước phát triển tiếp theo là vào năm 1991. Một nhà lập trình Phần Lan 25 tuổi, Linus Torvalds đã phát triển nhân, thành phần cốt yếu của hệ điều hành Linux. Nó có thể hoạt động trên điện thoại di động cũng như những máy tính phức tạp. Và phát minh của Torvalds có thể download miễn phí.
Theo The Linux Counter- 1 trang web chuyên về nguồn mở, ước tính 29 triệu máy tính đang dùng Linux song vẫn chưa có nhiều người hiểu một cách thấu đáo những yếu tố thật sự tạo nên phần mềm nguồn mở và sự bùng nổ của khái niệm này.
Vào năm 1998, The Open Source Initiative - một tổ chức xúc tiến phần mềm nguồn mở miễn phí được thành lập bởi 2 nhà lập trình Eric Raymond và Bruce Perens. Hai ông cho rằng, từ miễn phí nên thay bằng mở để tránh sự nhầm lẫn. Vì vậy, bằng cách đặt lại tên từ miễn phí thành phần mểm mở, Bruce Perens và đồng nghiệp của ông hi vọng rằng những hình mẫu doanh nghiệp mới sẽ được mở rộng: "Nguồn mở mang những phần mềm miễn phí đến cho các doanh nghiệp và khi chúng ta nói miễn phí, nó không hẳn mang nghĩa là miễn phí, nó nghiêng về nghĩa tự do", Bruce Perens nói.
Ra đời không lâu, phần mềm nguồn mở đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, đi từ vị trí tương đối mờ nhạt lên thành một trào lưu thời thượng trong một thời gian ngắn. Và người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Có phải một cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra? Có phải ngày cuối của những công ty phần mềm có bản quyền đã đến?
Phần mềm nguồn mở - Cuộc cách mạng của công nghiệp phần mềm?
Tại Quốc gia Nam Mỹ Brasil, cách sử dụng những sản phẩm CNTT tại nhà và những đơn vị cá nhân không khác biệt nhiều so với bất cứ nơi đâu trên thế giới, nhưng sự thay đổi tại khu vực của chính phủ lại lớn hơn rất nhiều. Thông qua sự tự do về phần mềm nguồn mở như ở Brasil, Viện công nghệ thông tin quốc gia khẳng định rằng, họ đã tiết kiệm được khoảng 150 triệu USD trong 1 năm cho phí chứng nhận.
Theo ông Gilberto Gil, Bộ trưởng Văn hóa Brasil khoản tiết kiệm này được đầu tư vào nâng cấp phần cứng cho những khu vực còn yếu về công nghệ. Thậm chí hiện nay ở Brasil còn có 1 cơ quan ủy quyền của chính phủ tuyên bố rằng các cơ quan hành chính phải ưu tiên phần mềm nguồn mở miễn phí: "Quan điểm của Brasil về phần mềm miễn phí là rất tích cực. Chính phủ Brasil đã tạo nên các chương trình hỗ trợ phần mềm miễn phí như ứng dụng vào các thủ tục của chính phủ hay như công cụ hữu ích cho xã hội", ông Gilberto Gil nói.
Hành động này của Brasil có vẻ như đã buộc các "ông lớn" trong ngành phần mềm phải bắt tay vào việc điều chỉnh chiến lược của mình. Và gần đây nhất, Microsoft ở Brasil thông báo về sự ra mắt phiên bản rẻ hơn của hệ điều hành Windows XP. Jonathan Murray, một đại diện của Microsoft, nói: "Brasil là đất nước rất quan trọng trên thế giới. Có một bộ phận dân số rất nghèo ở Brasil cần tiếp cận với công nghệ và đào tạo kĩ năng để tham gia vào nền kinh tế đang phát triển, để đạt đến nấc thang cao nhất. Và vì vậy chúng tôi rất tích cực hợp tác với chính phủ Brasil trong lĩnh vực giáo dục để đảm bảo sự tiếp cận này. Chúng tôi đã đầu tư 10 triệu USD trong những năm gần đây để cung cấp sự truy cập công nghệ ở Brasil".
Hiện tại, hơn 90% toàn bộ máy tính và laptop trên thế giới chạy trên phần mềm độc quyền như của Apple hay Microsoft. Và dù muốn hay không, sự có mặt của phần mềm nguồn mở đã thực sự làm náo động thế giới phần mềm thương mại và độc quyền. Trước mối đe doạ này, các công ty lớn đã phải để ý đến những phần mềm nguồn mở và lên kế hoạch sống chung với nó.
Vào tháng 2 năm 2005, công ty máy tính lớn IBM giới thiệu kế hoạch đầu tư 100 triệu đô la để ủng hộ phần mềm nguồn mở: "Sự quyết tâm của chúng tôi được tăng lên thông qua việc tham gia vào 150 dự án về phần mềm nguồn mở. Tại trung tâm công nghệ Linux, chúng tôi có hơn 700 nhà lập trình và kĩ sư làm việc cho các dự án này như 1 phần của cộng đồng nguồn mở. Nhưng tôi nghĩ lý do chính của sự quyết tâm này là khách hàng đã yêu cầu nó và nhìn thấy giá trí trong nó", Adam Jollans đại diện của IBM nói.
Còn chiến lược của HP là: Để khách hàng lựa chọn, nếu khách hàng muốn dùng phần mềm bản quyền, chúng tôi rất vui lòng làm theo; nếu họ chọn phần mềm mở, chúng tôi cũng sẽ cung cấp. Chúng tôi làm việc với cộng đồng nguồn mở trên phạm vi lớn.
Không chỉ Công ty phần cứng máy tính Fortune 500 và nhà phát triển phần mềm Sun Microsystems đều đang sử dụng nguồn mở. Mà thậm chí, ngay cả người khổng lồ Microsoft cũng tin vào khả năng bắt tay với cộng đồng nguồn mở. Jonathan Murray, một đại diện của Microsoft, nói: "Cộng đồng nguồn mở đã một lần nữa khuyến khích sự đổi mới phần mềm và nói cách thẳng thắn, chúng tôi cảm thấy rất vui. Nó đã mang rất nhiều người đến với cộng đồng phát triển, tạo ra những bước cải tiến mới quanh phần mềm và chắc chắn chúng tôi nhìn nhận họ như những người cộng tác với Microsoft.”
Rõ ràng, sự ra đời của phần mềm nguồn mở thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp phần mềm và chắc chắn, những người truyền bá cho phần mềm nguồn mở miễn phí sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình của họ. Nhưng liệu những điều này có đồng nghĩa với việc phần mềm nguồn mở sẽ là cầu nối khoảng cách số? Mời Quý độc giả đón xem lời giải trong kỳ tiếp theo.
(Theo Nguyễn Bích/VTV)