Hãng máy tính cá nhân thứ 3 thế giới vừa tiến hành thu hồi 205.000 gói pin laptop ngày hôm qua, với một lý do "muôn năm cũ": chúng có thể quá nóng và bốc cháy. 100.000 chiếc được xác định tại Mỹ, trong khi các quốc gia khác còn lại trên toàn cầu có 105.000 chiếc thuộc diện thu hồi.
Chiếc máy tính Lenovo N100 mới được trưng bày tại cửa hàng bán lẻ Best Buy. Nguồn: AP |
Đây là lần thu hồi pin khẩn cấp lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua của Lenovo, vào giữa thời điểm mà hãng này đang cố "giành đất" với những đối thủ lớn hơn, nổi danh hơn như HP và Dell.
Tuy nhiên, "thủ phạm" của những gói pin lỗi lần này lại không phải là Sony mà là Sanyo Electric, một gã khổng lồ điện tử khác cũng của Nhật Bản. Lenovo cho biết tính tới nay, đã có tổng cộng 4 báo cáo về việc pin Sanyo bị quá nóng. Thậm chí trong 1 trường hợp, khách hàng còn bị bỏng nhẹ ở mắt.
Lenovo khuyến cáo người dùng nên dừng sử dụng loại pin bị thu hồi trên ngay lập tức. Nếu laptop bị rơi và đúng phần pin bị va đập mạnh, nó có thể sẽ bốc cháy hoặc gây nổ.
Tháng 9 năm ngoái, IBM và Lenovo cho biết họ sẽ thu hồi 526.000 gói pin lithium-ion mua từ Sony, sau khi một laptop bốc cháy đùng đùng ngay giữa sân bay quốc tế Los Angeles.
Vào thời điểm đó, vụ scandal thu hồi pin đang rất nóng bỏng khi có tổng cộng 10 triệu gói pin Sony trên toàn thế giới bị thu hồi khẩn cấp, ảnh hưởng đến một loạt thương hiệu máy tính xách tay nổi tiếng như Apple, Dell, Lenovo, HP, Fujitsu...
Tuy nhiên, theo giới phân tích, vụ thu hồi pin lần này sẽ không làm tổn thương Lenovo. "Doanh thu của hãng sẽ không bị ảnh hưởng bởi toàn bộ chi phí thu hồi pin sẽ do nhà sản xuất gánh chịu".
Theo thông báo chính thức từ Lenovo, đợt pin bị thu hồi có số seri FRU P/N 92P1131 và được bán với giá 180 USD.
Yếu thế ngay trên sân nhà
Năm ngoái, Lenovo đã phải sa thải 1000 nhân sự trên khắp thế giới, đồng thời trải qua những khóa tài chính èo uột gần đây ở Mỹ và Canada. Không những vậy, ngay tại sân chơi châu Á, những hãng như Dell cũng đang không ngừng gia tăng thị phần và tăng trưởng doanh thu, trong khi Lenovo có dấu hiệu chững lại.
Áp lực lại càng đè nặng lên Lenovo trong việc kích thích tiêu thụ tại châu Âu và Mỹ. Hãng này đã xúc tiến một vài dự án tài trợ quan trọng như tài trợ cho giải bóng rổ NBA, Thế vận hội mùa đông để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Một chiến lược khác là bán máy tính ThinkPad thông qua gần 700 cửa hãng Circuit City tại Mỹ. Trước đó, hãng đã có hợp đồng phân phối với hai thương hiệu bán lẻ nổi tiếng khác là Best Buy và Office Depot.
Các quan chức của Lenovo cho hay cả hai chiến lược này đều không mấy tốn kém nhưng lại rất hiệu quả để quảng bá cho thương hiệu Lenovo.
Trọng Cầm (Theo AP, PC World)