'VNPT sẽ có sức bật mới trong năm 2007'
Cập nhật lúc 15:03, Thứ Hai, 26/02/2007 (GMT+7)
Năm 2007, Tập đoàn VNPT đặt ra mục tiêu phải giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường viễn thông. Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo VNPT đang quyết tâm “thổi luồng gió mới” vào toàn thể CBCNV để tạo sức bật mới. Báo Bưu điện Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT nhân những ngày đầu Xuân.
- Năm 2006 là năm VNPT tiếp tục gặp khó khăn trong công tác đầu tư. Nhiều dịch vụ như Internet băng rộng, điện thoại cố định rơi vào tình trạng “cầu vượt cung” do khó khăn về đầu tư. Thưa ông, vấn đề này sẽ được cải thiện như thế nào trong năm 2007?
ông Bùi Thiện Minh. |
- VNPT đã có chủ trương giao quyền mạnh cho các đơn vị thành viên để các đơn vị này có được quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn trong kinh doanh. Vậy năm 2007, các đơn vị thành viên có thể “quyết” đến mức nào?
Năm 2007, VNPT sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho các đơn vị thành viên. Cụ thể, các đơn vị thành viên sẽ được quyền quyết khoảng 60%, Tập đoàn chỉ quyết khoảng 40% vốn đầu tư. Hiện nay, việc đầu tư cho toàn bộ mạng ngoại vi đã phân cấp cho các bưu điện tỉnh, trên Tập đoàn chỉ duyệt kế hoạch về vốn. Nhà trạm quy mô không lớn, các thiết bị truy nhập nhỏ, tuyến cáp quang xuống xã…sẽ phân cấp cho các bưu điện tỉnh.
Đối với hệ thống mạng kỹ thuật cao, thiết bị mua với số lượng lớn và đòi hỏi sự đồng bộ thì Tập đoàn sẽ đầu tư. Việc đầu tư cho lĩnh vực thông tin di động cũng vậy, phần nhà trạm, các hệ thống thiết bị lô nhỏ sẽ do các đơn vị tự đầu tư. Những lô thiết bị lớn, các công ty di động tiến hành đấu thầu, Tập đoàn chỉ thẩm định dự án. Như vậy, có thể thấy, Tập đoàn đã tạo cơ chế “mở” cho các đơn vị thành viên trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, đi cùng với cơ chế “mở” này, các đơn vị thành viên sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc đầu tư cũng như hiệu quả kinh doanh của mình.
- VNPT đã hướng tới đầu tư ra thị trường nước ngoài bằng việc mở Văn phòng đại diện tại Mỹ và đầu tư liên doanh bên Lào. Ông có thể cho biết, việc đầu tư ra nước ngoài có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược phát triển của VNPT?
VNPT cho rằng, khi mở cửa thị trường, không chỉ có DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà các DN Việt Nam cũng phải tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Việc đầu tư ra nước ngoài là hướng phát triển của VNPT để mở rộng thị trường kinh doanh và tăng cường học hỏi kinh nghiệm kinh doanh trên thế giới. Hiện VNPT mới đầu tư liên doanh sản xuất cáp đồng tại Lào. Lĩnh vực khai thác dịch vụ cũng đang được xúc tiến chuẩn bị đầu tư với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanma. Đối với những thị trường lớn như Mỹ, VNPT sẽ có hợp tác để gom lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về.
- Mục tiêu của VNPT sẽ phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, vậy việc đa dạng hoá ngành nghề này sẽ được VNPT tiến hành ra sao?
Ngay trong lĩnh vực viễn thông, VNPT sẽ phát triển nhiều dịch vụ hơn. Lĩnh vực công nghiệp viễn thông, VNPT cũng sẽ tìm hiểu để đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện nay VNPT đang nghiên cứu đầu tư sang lĩnh vực mới là lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, VNPT cũng đang nghiên cứu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác.
- Năm 2007 được đánh giá là năm thị trường viễn thông sẽ tiếp tục bị chia sẻ mạnh. VNPT đã có kế hoạch như thế nào để tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững vị trí chủ lực của mình trên thị trường viễn thông Việt Nam?
VNPT có những thế mạnh riêng như uy tín thương hiệu, đội ngũ có kinh nghiệm, tiềm năng về vốn và mạng lưới. Với những tiềm năng này, VNPT sẵn sàng cạnh tranh một cách lành mạnh với các nhà khai thác. Năm 2007, tập đoàn quyết tâm lấy lại khí thế và giữ vững vai trò là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi cán bộ công nhân viên của VNPT phải cố gắng nỗ lực hơn nữa.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Nguyễn Thái/Báo Bưu điện)
,