Nó thậm chí còn có thể chạy nhanh hơn nữa, nhưng đáng tiếc là mức độ tiết kiệm điện năng sẽ giảm sút. Con chip mới tiết kiệm điện năng bằng cách "ru" các lõi chip idle (không làm việc) vào trạng thái "ngủ", và chỉ bật chúng lên khi cần thiết mà thôi.
Năm 1996, một cỗ siêu máy tính có hiệu suất tương tự con chip nói trên (tại phòng thí nghiệm Sandia National Lab) choán một diện tích hơn 2000 square vuông, huy động gần 10.000 vi xử lý Pentium Pro và ngốn hơn 500 kilowat điện.
Hâm nóng cuộc chiến
Tất nhiên, mẫu chip "khủng bố" mới nhất của Intel vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, song nó đã đánh dấu một bước đột phá có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, cho một ngành công nghiệp bán dẫn vốn luôn bị ám ảnh bởi mâu thuẫn: làm sao hiệu suất càng cao, trong khi mức tiêu thụ điện năng phải thấp nhất.
Có một thời kỳ, các hãng bán dẫn chỉ chăm chăm vào việc tạo ra những vi xử lý có tốc độ cao mà không mảy may lo nghĩ đến chuyện chúng sẽ bị đốt nóng quá mức. Giờ đây, sự cân bằng giữa hiệu suất và mức tiêu thụ điện năng được coi là phần xương sống của Định luật Moore.
Mới tháng trước thôi, Intel và IBM lần lượt tuyên bố rằng họ đã tìm ra giải pháp thay thế cho những vật liệu dùng để chế tạo ra chip máy tính hiện nay, do chúng bắt đầu nảy sinh vấn đề: khi kích cỡ các con chip ngày càng được thu nhỏ, những vật liệu này bắt đầu để dòng điện rò rỉ ra bên ngoài, dễ gây ra tình trạng chập mạch, bốc cháy hoặc đốt nóng.
Cú đột phá của Intel lại càng hâm nóng cuộc chiến giữa hãng này với đối thủ AMD. Chính AMD là hãng đã giúp Intel phát triển công nghệ vật liệu thay thế nói trên, cùng với Sony và Toshiba để "đấu lại" Intel.
Nhiều hướng ứng dụng, nhưng chưa gần gũi
Theo dự kiến, các quan chức của Intel sẽ tiết lộ nhiều thông tin hơn về con chip 80 lõi nói trên trong tuần này. Mặc dù vậy, họ thừa nhận "không tài nào thương mại hóa được con chip trong điều kiện hiện nay". Bản thân việc sản xuất đại trà con chip đã khó, mà ngay cả hệ điều hành đủ thông minh để điều khiển nó cũng chưa chắc đã ra đời.
Nhìn chung, giới chuyên gia công nghệ tỏ ý khen ngợi Intel vì thành tích "nhét" được 80 lõi chip lên một bảng silicon duy nhất. Những lõi này nhỏ và tinh giản hơn nhiều so với các dòng chip mới nhất, hiện có của Intel (lõi kép và lõi tứ). Con chip mẫu có tới 100 triệu transistor trên nó.
Có lẽ, những nơi đầu tiên sẽ ứng dụng con chip này là các trung tâm dữ liệu của tập đoàn, các siêu máy tính, cơ sở hạ tầng viễn thông hoặc những viện khoa học, nghiên cứu "hạng nặng". Intel cũng gợi ý một khả năng ứng dụng mang tính "bình dân hơn": Một chương trình giám sát thông minh các trận đấu thể thao được truyền hình trực tiếp, tự động nhận dạng và nén các hình ảnh quan trọng nhất dựa theo "gu" và mối quan tâm của khán giả.
Một vài hướng khác là trong sử dụng trí tuệ nhân tạo, mô hình máy tính 3D và nhận dạng giọng nói thời gian thực.
Trọng Cầm (Tổng hợp PC World, AP)