221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
896668
DN VNPT:"Kẹt giữa mạnh dạn đổi mới và tâm lý "sợ sai!"
1
Article
null
Giám đốc công ty VDC Vũ Hoàng Liên:
DN VNPT:'Kẹt giữa mạnh dạn đổi mới và tâm lý 'sợ sai!'
,

(VietNamNet) - Khác với tính chất "lễ báo công" như mọi năm, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2007 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (BCVT) Việt Nam (VNPT) vào trung tuần tháng 1/2007 đã diễn ra trong không khí rất "nóng". Các doanh nghiệp thành viên đã bày tỏ trăn trở, bức xúc về những khó khăn thách thức, sức ép cạnh tranh và định hướng kinh doanh trong năm 2007, một năm dự kiến có nhiều chuyển biến với ngành bưu chính viễn thông, trong bối cảnh VN đã gia nhập WTO.

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2007 tập đoàn VNPT. (Ảnh: Quang Thuấn.)
Phát biểu ý kiến của doanh nghiệp thành viên, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC mạnh dạn bày tỏ về những khó khăn của các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn VNPT. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là tâm lý "sợ làm sai" các quy định, quy chế áp dụng đối với công ty nhà nước.

"Khi phải tập trung quá nhiều vào việc làm sao để không vi phạm các quy định đầu tư, thủ tục đấu thầu, quy chế quản lý... doanh nghiệp nhà nước sẽ đánh mất đi những thời cơ kinh doanh vào tay đối thủ... Chính phủ nên tận dụng các công cụ như thuế, chẳng hạn như đối với trường hợp thẻ Internet Phone lậu, sẽ có tác dụng mạnh hơn là sử dụng thanh tra, công an. Tôi nghĩ rằng nên tận dụng công cụ thuế nhiều hơn để làm chế tài, phục vụ điều tiết doanh nghiệp, kể cả điều tiết về lợi nhuận", ông Liên nói.

"Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp nhà nước cần phải có tốc độ phát triển tăng, quy mô lớn, thị phần nhiều. Điều đó là rất cần thiết. Nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp nhà nước phải có vai trò điều tiết thị trường nhiều hơn là vai trò chiếm một doanh số lớn, lợi nhuận lớn. Nếu đứng ở góc nhìn này, việc Chính phủ đánh giá và ra mục tiêu đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ khác so với doanh nghiệp tư nhân thuần tuý theo mục tiêu lợi nhuận."

Ông Liên cho rằng "nếu doanh nghiệp nhà nước được đánh giá đúng mức hơn về mục tiêu và vai trò điều tiết, từ điều tiết về giá, đối tượng tiêu dùng, loại hình dịch vụ có tính chất định hướng, công nghệ mới, lĩnh vực kinh doanh rủi ro... cho tới điều tiết về nguồn nhân lực, để tạo điều kiện và cơ sở cho các thành phần doanh nghiệp tư nhân khác thuộc mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, thì chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ thực hiện được vai trò đó đúng hơn và có lợi hơn cho nhà nước".

Tâm lý "chỉ lo làm sao để... không sai!"

Để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc VNPT và tâm lý "sợ làm sai", VietNamNet đã có cuộc trao đổi riêng với ông Vũ Hoàng Liên bên lề Hội nghị triển khai kế hoạch 2007 của VNPT. Sau đây là nội dung chi tiết cuộc trao đổi:

PV VietNamNet: Ông có thể nói thêm về những trở ngại và mong muốn từ góc độ DNNN về CNTT-TT được đề cập trong phát biểu của mình?

Ông Vũ Hoàng Liên:
- Thực ra, vấn đề xuất phát từ những tiêu chí để đánh giá giá trị, kết quả hay tiềm năng thật sự của một doanh nghiệp. Nếu như xác định được một cách hợp lý các tiêu chí để đánh giá kết quả, dựa vào đó để đánh giá tiềm năng thực sự của doanh nghiệp, thì sẽ giúp người chịu trách nhiệm có thể hội tụ sự tập trung vào mục tiêu đó. Họ có điều kiện để ràng buộc trách nhiệm, cũng như tự phấn đấu thực hiện vì những mục tiêu này.

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty VDC.

Để phấn đấu mục tiêu đó, cũng giống như đi kinh doanh vậy, anh muốn có nhiều lợi nhuận thì phải chấp nhận có nhiều rủi ro. Còn nếu muốn không có rủi ro, thì chắc chắn là cơ hội cũng thấp. Trong kinh doanh là vậy, mà cơ hội thấp thì không dễ gì có lợi nhuận cao...

Như vậy, điều quan trọng là anh phải có trách nhiệm với các tiêu chí, mục tiêu cuối cùng. Và với tinh thần như thế, người chịu trách nhiệm cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định để làm sao đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.

Còn bây giờ nếu các DNNN khi đầu tư "chỉ lo không sai", thì cũng đồng nghĩa với chuyện là tôi sẽ không dám mạo hiểm, không dám mạnh dạn, và có những cơ hội tôi sẽ không dám mạnh tay để nắm bắt. Vì mối quan hệ giữa rủi ro và cơ hội trong kinh doanh là rủi ro nhiều thì cơ hội càng cao.

Ông có thể cụ thể hơn về tâm lý sợ làm sai của DNNN?

Ví dụ như một dịch vụ mình mua hoặc là bán, nếu giờ mình sợ làm sai, làm rất cẩn thận chi li theo đúng từng quy trình, tức là sẽ mất nhiều công, tốn nhiều thời gian, chậm muộn và mất cơ hội. Nếu đó là một cơ hội tốt thì rất có thể một doanh nghiệp tư nhân khác sẽ làm rất nhanh và cướp mất cơ hội của mình.

Để tránh sai, DNNN phải căn ke rất nhiều khía cạnh, trong khi các quy định của nhà nước rất nhiều, việc kiểm tra cũng rất chi ly. Để đúng hết tất cả những quy định của nhà nước thì phải làm rất cẩn thận, vừa tốn công sức vừa tốn thời gian, dẫn tới DNNN có thể không chớp được cơ hội kinh doanh.

- Ý ông là cần có một cơ chế quản lý thoáng hơn cho các DNNN?

- Không hẳn. Đứng trên góc độ chủ động, tôi cho rằng cần mạnh dạn giao trách nhiệm và mục tiêu cho người lãnh đạo DNNN và lấy phương thức đó làm chính. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể "trao quyền cho anh làm sai" được.

Những sai phạm rõ ràng có tính cố ý, có tính lợi dụng thì mình không bàn, phải xử lý nghiêm rồi. Còn lại, nhà nước nên đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và tính khả thi của việc thực hiện mục tiêu, chứ không nên quá chi ly vào từng chi tiết.

Có thể DNNN có những chi tiết sai nhỏ, thì cũng không nên dựa vào những cái đó để đánh giá tính khả thi của việc có hoàn thành mục tiêu hay không và tiềm năng thực sự của doanh nghiệp đó. Những chi tiết đó là cơ sở để chúng ta điều chỉnh thôi, chứ còn dùng để xử lý và giải quyết vấn đề thì thường sẽ khiến DNNN mất động lực, và chỉ lo đối phó với chuyện "làm sao để không sai" thôi. DNNN sẽ không dám mạo hiểm, mạnh dạn để chớp lấy những cơ hội kinh doanh, lo làm những việc lớn quan trọng hơn.

Người ta nói làm nhiều sai nhiều. Vì thế thì chúng ta nên làm nhiều việc tốt để kết quả át đi những việc sai nhỏ, hơn là chuyện chỉ đảm bảo không có gì sai. Không có gì xấu, không có gì sai đồng nghĩa với những việc tốt chúng ta có thể làm được cũng sẽ bị bớt đi rất nhiều so với khả năng có thể.

- Ông có thể ví dụ về hậu quả của tâm lý "chỉ lo để không sai"?

Lấy thí dụ, nếu chúng ta chỉ căn ke thủ tục đấu thầu hay là các thủ tục về đầu tư, mua sắm thiết bị... làm sao cho thủ tục không sai, thì sẽ dẫn đến chậm tiến độ đầu tư. Khi đó, thiệt hại mà chúng ta mất là hiệu quả đầu tư chậm, ứng dụng công nghệ mới chậm... còn lớn gấp bội so với chuyện chúng ta có thể chấp nhận bỏ qua vài chi tiết thiếu sót không quan trọng lắm để chớp thời cơ.

Có những nguyên tắc kiểm tra kiểm soát để DNNN làm đúng thì đương nhiên phải có. Nhưng bây giờ cần phải có nguyên tắc nào đó để đảm bảo cho DNNN có thể dám vận dụng và được vận dụng để chớp cơ hội, đem lại hiệu quả cuối cùng cao.

Có hai quan điểm đối lập nhau ở đây, một là: Chỉ cần anh đừng tư túi, đừng trục lợi cá nhân, miễn là làm lợi cho nhà nước thì anh cứ mạnh dạn làm, không ai có thể điều tiếng thế nọ thế kia. Nhưng ngược lại là quan điểm: Chuyện anh làm tốt, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì đương nhiên được hưởng, còn chuyện làm sai cái gì thì anh vẫn cứ phải chịu trách nhiệm...

Hai quan điểm ngược chiều như thế đã có từ lâu. Vậy nên có cơ chế như thế nào trong chuyện này? Lúc đó giá trị nào được thừa nhận và dùng nguyên tắc quản lý nào để đảm bảo cho lợi ích nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp phát triển?

Theo tôi, nên gom nhiều lỗi nhỏ lại và cân nhắc với lợi ích đạt được để đánh giá tính khả thi của doanh nghiệp. Không nên vì từng lỗi cụ thể mà có thể kết luận hoặc là xử lý ngay, thì về sau DNNN không ai người ta dám mạnh dạn làm nữa. Nên có sự động viên để các doanh nghiệp nhà nước có thể mạnh dạn đổi mới phát triển, lấy nhiều cái tốt để át ít cái xấu đi.

- Xin cảm ơn ông đã trao đổi!

  • Bình Minh (thực hiện)

Quan điểm của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,