“Vì bị quá nhiều người gọi đến quấy rối nên chị M. phải đăng ký dịch vụ hiển thị số để xác định cuộc gọi đến. Chỉ trong một buổi trưa, có tới 20 cuộc điện thoại gọi đến gặp chị M. Gọi lại những số điện thoại đã gọi đến, chị M. chỉ nhận được câu trả lời ỡm ờ hoặc tắt máy…”.
Đầu tháng 1/2007, chúng tôi nhận được đơn đề nghị của anh Nguyễn Văn T. ở ngách 165, phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Anh T. phản ánh, cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh đột nhiên bị xáo trộn lớn sau hàng loạt cuộc điện thoại quấy rối.
Rắc rối sau những cuộc điện thoại
Chỉ trong một thời gian ngắn, các thuê bao điện thoại từ mạng MobiFone: 0905435..., 0905277..., 0909984... và nhiều số từ mạng Viettel: 0986218..., 0982358...0987751... bất kể ngày đêm đã gây sự bất an và quá nhiều rắc rối cho anh T.
Anh T. vốn là lái xe cho một công ty Hàn Quốc. Những cuộc điện thoại lạ đã gây ra nhiều phức tạp về cả tình cảm lẫn kinh tế của anh. Theo nội dung anh T. trình bày, do bị quá nhiều điện thoại quấy rầy nên anh T. đã phải tắt máy để tránh phiền phức, nhưng không ngờ anh lại mắc phiền phức lớn hơn.
Đó là khi giám đốc công ty gọi đi lái xe nhưng không liên lạc được nên cho rằng anh T. sao nhãng công việc, dọa đuổi việc nếu anh không quan tâm đến công việc hơn.
Không chỉ bị phiền toái trong công việc, do những cuộc điện thoại bất thường, gia đình đã nghi ngờ anh sống không chung thuỷ khiến tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ.
Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan khiển trách, anh T. không dám tắt điện thoại ban đêm vì sợ bị gọi đi làm đột xuất. Cũng bởi áp lực của công việc và sự nghi ngờ trong gia đình ngày càng lớn nên anh T luôn trong tình trạng căng thẳng.
Một lần đón khách ở sân bay, phải liên tiếp nhận những cuộc điện thoại gây rối khiến anh va vào một xe ôtô khác, phải đền số tiền lớn, rất may không gây hậu quả nghiêm trọng. Suốt thời gian bị gây rối qua điện thoại, sức khỏe của anh T. bị giảm sút do đủ thứ áp lực mà không giải thích được sự vô tội của mình với người thân.
Trước đây, chúng tôi cũng đã từng nhận được sự cầu cứu của một phụ nữ trẻ khi bị chồng nghi ngờ có quan hệ bất chính do xuất hiện nhiều cuộc điện thoại bất thường. Tình cảm vợ chồng của chị Trần Thị M. ở phố Minh Khai, Hà Nội càng thêm phần phức tạp do người gọi đến yêu cầu chị đi chơi.
Hầu hết các cuộc điện thoại đều gọi điện đến máy cố định của chị M. vào buổi trưa khiến hai đứa con của chị ngủ trưa mà cứ giật mình thon thót. Chồng chị M. thì cho rằng "không có lửa thì làm sao có khói" nên chị M. phải giải thích, thuyết phục mãi mới tránh được cơn thịnh nộ của đức ông chồng.
Cũng vì sự cố ấy nên chị M. phải đăng ký dịch vụ hiển thị số để xác định cuộc gọi đến. Chỉ trong một buổi trưa, có tới 20 cuộc điện thoại gọi đến gặp chị M. Gọi lại những số điện thoại đã gọi đến, chị M. chỉ nhận được câu trả lời ỡm ờ hoặc tắt máy.
Việc xử lý - vẫn phải chờ
Ngoài những lá đơn gửi trực tiếp về Toà soạn, Đường dây nóng của chúng tôi cũng nhận được khá nhiều cuộc điện thoại có nội dung phản ánh tương tự. Từ trước đến nay, việc giải quyết, xử lý thủ phạm của những cuộc gây rối, khủng bố điện thoại mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cách thông thường mà những nạn nhân của trò quấy rối điện thoại lựa chọn là gửi đơn đến cơ quan báo chí hoặc nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Nhưng, quan điểm của một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thì việc cắt thuê bao điện thoại là vi phạm hợp đồng với khách hàng và những quy định của luật pháp về viễn thông.
Anh Nguyễn Văn T. ở phố Quan Hoa sau khi làm đơn gửi đến nhà cung cấp MobiFone và Viettel, may mắn thay, nhà cung cấp đã ngừng cung cấp dịch vụ cho những số điện thoại gây rối vì sau khi gây rối một thời gian, chủ các số điện thoại đó không dùng sim đó nữa.
Chỉ còn duy nhất một số điện thoại là của một học sinh đã được nhà cung cấp yêu cầu xin lỗi anh T. Cuối cùng thì anh T. cũng đã được giải thoát.
Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Đào ở xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình bị nhiều số điện thoại gọi điện đến đe dọa tính mạng của cả gia đình liên tục trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 2006.
Nhưng hiện còn rất nhiều khách hàng sử dụng điện thoại đành sống chung với sự quấy rối khi thỉnh thoảng nhận được một tin nhắn bất nhã, đe dọa hoặc gây hiểu lầm cho người bạn đời của mình.
Trước tình trạng quấy rối và những hành vi sử dụng điện thoại di động (thuê bao trả tiền trước) vào các mục đích không lành mạnh, ngày 17/1, Chính phủ đã đồng ý chủ trương quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước và cho phép triển khai đề án quản lý này phù hợp với pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, phần lớn những thuê bao điện thoại bị quấy rối vẫn phải tự mình đối phó với những rắc rối và hậu quả mà những người thiếu ý thức hoặc vì mục đích nào đó gây ra. Mong các cơ quan liên quan sớm đưa việc quản lý thuê bao điện thoại trả trước vào thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
(Theo CAND)