Các quan chức Hồng Kông vừa cảnh báo Internet và email có thể lại tắc nghẽn khi các doanh nghiệp kết thúc kỳ nghỉ năm mới và đi làm trở lại trong ngày hôm nay (2/1).
>> Internet châu Á có thể nghẽn mạng trở lại vì quá tải
>> Internet châu Á "leo lét" trước các thông điệp mừng năm mới
>> Chunghwa Telecom tuyên bố không đầu tư thêm cáp dự phòng
>> TP.HCM: Ẩu đả vì... Internet "chết"!
>> Các ISP đã khắc phục một phần băng thông Internet quốc tế
>> Dân mạng VN "náo loạn" và "vô vọng" vì không có... YM
>> Viễn thông châu Á lộ ra "tử huyệt" sau động đất
>> Internet châu Á lừ đừ sống lại
Cùng lúc, quá trình khắc phục sự cố vẫn diễn ra hết sức ì ạch vì sóng lớn ngoài khơi và trục trặc nghiêm trọng đối với một trong số các tàu kỹ thuật được cử đến hiện trường để sửa cáp.
Sở Viễn thông Hồng Kông cho biết hệ thống cáp sẽ được sửa xong hoàn toàn vào cuối tháng 1 tới đây, trong khi giai đoạn một (khắc phục cơ bản) sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến ít nhất 1 tuần vì sự cố tàu kỹ thuật bị hỏng nói trên. Hiện con tàu này đã quay trở lại cảng Đài Loan để sửa chữa khẩn cấp.
Nhìn chung, kết nối Internet trong khu vực vẫn còn rất chậm. Chính vì thế, khi "hầu hết các doanh nghiệp, trường học, cơ quan đi làm trở lại vào ngày hôm nay (02/01/2007), người dùng Internet sẽ rất khó hoặc không thể truy cập vào những website quốc tế".
Tương tự là trường hợp email gửi đến và gửi đi từ các máy chủ đặt tại nước ngoài, nhất là những email nào đính kèm file hạng nặng như hình ảnh, âm thanh. Chúng sẽ mất thời gian lâu hơn bình thường để có thể đến được đích.
"Thắt cổ chai"
Theo khuyến cáo, người dùng không nên truy cập vào các website quốc tế "vì những mục đích không nhất thiết", để tránh cho mạng Internet không bị tắc nghẽn trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong khu vực đã rất nỗ lực điều hướng một số lưu lượng đường truyền sang các kênh kết nối khác (như cáp mặt đất và vệ tinh), song đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm "khai thông" phần nào tình trạng "nút cổ chai" của Internet châu Á hiện nay.
Trong khi ấy, Chunghwa Telecom, mạng điện thoại lớn nhất Đài Loan cho biết đã phái 3 tàu kỹ thuật đến sửa chữa những đường cáp ngầm bị hỏng và theo dự kiến, chúng sẽ đến hiện trường trong ngày hôm nay. Theo ước tính của Chunghwa, có cả thảy 4 địa điểm mà mạng cáp bị hư hỏng nặng, và công tác khắc phục khó có thể hoàn thành trước ngày 19/1.
Một quan chức giấu tên tại China Telecom cho biết kết nối Internet và viễn thông sẽ không thể khôi phục 100% trước ngày 15/1, trong khi ở Bangkok, CAT Telecom dự đoán tình hình sẽ cải thiện đáng kể từ giữa tháng 1, nếu như Đài Loan có thể sửa được trục cáp chính của Thái Lan.
Châu Á "thiếu thốn" Internet ít nhất 2 tuần nữa
Dịch vụ Internet của Trung Quốc sẽ không thể trở lại hoạt động bình thường cho tới giữa tháng 1, bản báo cáo mới nhất từ China Telecom, mạng điện thoại lớn nhất nước này cho biết. Sóng lớn khiến cho công tác khắc phục vô cùng khó khăn, chưa kể sự cố mới của một trong những con tàu kỹ thuật được phái đến hiện trường để sửa lỗi.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã trích dẫn lời của một quan chức giấu tên tại China Telecom, khẳng định quá trình khắc phục sự cố sẽ không thể cơ bản hoàn thành trước ngày 15/1. "5 con tàu kỹ thuật đã được cử đến sửa chữa những đường cáp bị hỏng, nhưng sóng lớn đã khiến cho các chuyên gia làm việc rất khó khăn".
China Telecom cho biết bằng cách điều hướng lưu lượng đường truyền sang mạng cáp mặt đất và vệ tinh nối sang châu Âu, khoảng 70% kết nối Internet quốc tế của Trung Quốc đã được khôi phục. Tuy nhiên, chỉ đến chừng nào hệ thống cáp ngầm được sửa xong hoàn toàn, kết nối sang Bắc Mỹ mới thực sự được cải thiện rõ rệt.
Báo cáo này của China Telecom được công bố ít giờ trước khi một tàu kỹ thuật được phái đến hiện trường từ phía Hồng Kông bị trục trặc nghiêm trọng, khiến cho quá trình sửa chữa sự cố phải hoãn lại ít nhất một tuần.
Sự cố mới nhất này càng khiến cho triển vọng Internet sớm trở lại hoạt động bình thường trở nên u ám hơn, và theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, rất có thể Internet sẽ không thể hoạt động hết công suất trước tháng 2/2007.
Trọng Cầm (Theo AP, AFP)