Vụ động đất ở ngoài khơi vùng biển Đài Loan vừa qua là bài học đắt giá đối với toàn châu Á về tính “mỏng manh”, “nhạy cảm” của mạng lưới viễn thông quốc tế. Đã đành là phải khắc phục sự cố, nhưng sau sửa chữa, cái mà toàn châu Á hướng tới chính là một giải pháp an toàn, lâu dài và ổn định.
>> Internet châu Á có thể nghẽn mạng trở lại vì quá tải
>> Internet châu Á "leo lét" trước các thông điệp mừng năm mới
>> Chunghwa Telecom tuyên bố không đầu tư thêm cáp dự phòng
>> TP.HCM: Ẩu đả vì... Internet "chết"!
>> Các ISP đã khắc phục một phần băng thông Internet quốc tế
>> Dân mạng VN "náo loạn" và "vô vọng" vì không có... YM
>> Viễn thông châu Á lộ ra "tử huyệt" sau động đất
>> Internet châu Á lừ đừ sống lại
>> Khắc phục sự cố Internet châu Á: Mất ít nhất 3 tuần!
Các chuyên gia công nghệ lên tiếng cảnh báo, chỉ với một hệ thống phòng bị toàn diện về cơ sở hạ tầng mới đủ khả năng ngăn ngừa các sự cố gây tê liệt toàn cục hệ thống mạng viễn thông quốc tế như vừa qua. Về vấn đề này, ông Eric Domage, uỷ viên quản trị cao cấp của tập đoàn tư vấn công nghệ thông tin IDC cho rằng: “Chúng ta vẫn chưa biết cách thức tự vệ tốt nhất trước những tổn thất về cơ sở hạ tầng”.
Ai cũng biết rằng Internet thực sự mới chỉ xuất hiện hồi đầu những năm 90. Đó là mạng lưới thông tin toàn cầu kết nối giữa hằng hà sa số các mạng phụ khác cùng dùng một ngôn ngữ giao tiếp là IP hay Internet Protocol, giao thức giúp cho hàng tỉ máy tính có thể trao đổi thông tin với nhau.
Khả năng kết nối rộng rãi đó dựa trên hệ thống các thiết bị có độ bao phủ trên toàn thế giới là router, datacenter, server và hàng trăm ngàn thiết bị điều dẫn khác, giúp truyền giao thông tin vào các mạng lớn nhỏ thông qua hệ thống cáp ngầm, cáp truyền trên mặt đất hoặc vệ tinh.
Một trong những điểm “nhạy cảm” nhất của Internet chính là những cái được gọi là “xương sống”, huyết mạch chính giúp cho mạng thông tin thông suốt giữa tất cả các mạng phụ và các châu lục. Khi sự cố vừa qua xảy ra với châu Á, dữ liệu đã không thể truyền qua được hệ thống cáp ngầm do bị đứt gãy và phải cầu viện tới việc điều dẫn khẩn cấp để liên lạc với các server đang đặt tại Mỹ.
Nhưng ông Eric Domage lo ngại tới khả năng Internet sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Ông cho rằng, giải pháp duy nhất chỉ có thể là xây dựng một hệ thống dự phòng điện tử khổng lồ, nói cách khác chính là gia cố thêm cơ sở hạ tầng như hệ thống cáp ngầm hay các router, bổ sung thêm các phương tiện truyền dẫn khác, kể cả vệ tinh.
Ngày nay, có tới 50% lưu lượng viễn thông quốc tế phải đi qua bang Virginia của Mỹ. Đây là điểm đến của đa số các thiết bị đầu cuối dưới biển và là điểm xuất phát của rất nhiều trung tâm router gốc trọng yếu.
Các router là những thiết bị hết sức nhạy cảm. Ông Romain Levy, chuyên gia công nghệ thông tin của phòng Lab Lexsi giải thích: “Bất cứ một hacker hay một sự cố mất điện nào cũng có thể ảnh hưởng tới chúng và khi đó, người dùng không thể truy cập mạng”.
Ông Emmanuel Sartorius, nhân viên phòng vệ cao cấp của Bộ kinh tế Pháp lưu ý thêm là trên toàn thế giới hiện có rất ít các router đó, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Thuỵ Điển. Khi router của nước nào đó bị trục trặc thì về mặt kỹ thuật có thể coi nước đó rơi vào tình trạng “đứt kết nối” với các khu vực khác. Những hệ quả tiêu cực xảy ra do sự cố đứt cáp quang vừa qua ở châu Á hoàn toàn có thể kiềm chế bớt nếu việc truyền tải dữ liệu được chuyển sang sử dụng công nghệ không dây như vệ tinh hoặc Wimax (mạng không dây băng thông rộng).
Bên cạnh những đe doạ về thiên tai, một nguy cơ khác cũng phải kể tới là tin tặc. Ông Paulo Pinto, trưởng phòng lab nghiên cứu về bảo mật thông tin Sysdream cho rằng, “Một hacker có thể đoạt quyền sử dụng router DNS rồi vô hiệu hoá nó”. Và khi không có đường truyền thay thế cũng như không có giải pháp dự phòng khẩn cấp thì “một hacker có thể biến cả một châu lục thành “ốc đảo” về thông tin”.
Kim Thoa (Theo AFP)