Khó có thể tưởng tượng về một giao diện máy tính không cửa sổ làm việc, không thư mục và không hộp thoại. Nhưng điều đó lại đang trở thành hiện thực khi giới học sinh, sinh viên ở Thái Lan, Libya, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác sắp được tiếp cận loại laptop 150 USD từ dự án One Laptop Per Child (mỗi trẻ em một MTXT). Trong năm 2007, dòng máy tính này hứa hẹn sẽ có những cải biến mới mẻ, khác hẳn dòng máy tính truyền thống.
Những máy tính kiểu mới sẽ có tên XO.Với rất nhiều em nhỏ, hẳn đây sẽ là những chiếc máy tính đầu đời các em được sử dụng. Gần như tất thảy mọi người đều chưa có ý niệm gì về dòng máy mới, các nhà sáng chế đã bắt đầu mọi sáng tạo ngay từ việc phác thảo thiết kế giao diện người dùng sao cho thật trực quan, sinh động với trẻ em.
Những đổi mới đó hẳn sẽ không bình thường, thậm chí đôi chút mạo hiểm khi nhiều tính năng, đặc điểm của dòng máy này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Người ta nói rất nhiều về mục tiêu tiết kiệm chi phí sản phẩm và cơ chế dùng tay kéo khi sạc pin của máy. XO là dòng máy laptop giá rẻ nổi tiếng với mức 100 USD, và với giá thành thấp như vậy, các nhà sản xuất chỉ có thể trông chờ thu lãi khi bán được lượng sản phẩm lớn.
Giao diện thân thiện với trẻ em
Khi sử dụng dòng laptop này, màn hình khởi động sẽ gồm một biểu tượng hình gậy ở trung tâm, bao xung quanh là hình tròn màu trắng. Bao phủ trên toàn desktop là khung màu đen kèm theo các biểu tượng khác. Biểu tượng hình gậy biểu trưng cho người dùng ở giữa, vòng tròn xung quanh chứa các chương trình người đó đang sử dụng, việc khởi động các chương trình cũng bằng cách nhấp chuột lên biểu tượng tương ứng trên khung màu đen như cách khởi động trong máy tính truyền thống.
Nếu người dùng lựa chọn chế độ xem toàn cảnh “neighborhood” - thuật ngữ các máy tính dòng XO sử dụng thay cho thuật ngữ “desktop” – các biểu tượng hình gậy với nhiều màu khác nhau đại diện cho những người bạn của người dùng đang có mặt ở gần đó có thể sẽ xuất hiện trên màn hình. Một tính năng mạng không dây được tích hợp trong các máy tính XO sẽ đảm nhiệm việc tìm kiếm những biểu tượng đó.
Chỉ cần người dùng rà chuột lên biểu tượng của bạn nào thì ngay lập tức tên tuổi cũng như hình ảnh của người đó sẽ hiện lên. Thêm một vài cú “click” khác, các bạn đã có thể trò chuyện với nhau hoặc cùng nhau làm chung việc gì đó như một công trình nghệ thuật, một chương trình âm nhạc trên máy tính với các loa tích hợp sẵn.
Cách thiết kế dòng máy tính XO thể hiện mỗi nỗ lực thông minh trong việc tận dụng tối đa những khả năng hạn chế của máy. Chẳng hạn, để tiết kiệm chi phí cũng như giảm mức tiêu thụ năng lượng, các máy XO sử dụng phiên bản hệ điều hành Linux giản lược, chíp xử lý 366 megahertz của tập đoàn AMD và không có ổ cứng. Để đảm bảo nhu cầu lưu trữ dữ liệu, dòng máy XO có thẻ nhớ flash 512MB và cổng USB 2.0.
Rẻ nhưng "đột phá" về công nghệ
Nhưng mục đích chính mà các “cha đẻ” của XO hướng tới lại là phục vụ tốt hơn trong lĩnh vực giáo dục, vượt xa các dòng máy tính truyền thống. Ông Nicholas Negroponte chính là người triển khai dự án nói trên tại phòng Media Lab của Học viện công nghệ Massachusetts hai năm trước, trước khi dự án trở thành chương trình phi lợi nhuận độc lập như hiện nay. Ông cho biết, ông đã cố tình muốn tránh việc cho trẻ sử dụng máy tính như một công cụ chỉ phục vụ mục đích văn phòng.
Trong một bài phỏng vấn qua email, ông viết: “Từ thực tiễn có thể thấy, một trong những điều đáng phiền lòng nhất nhưng cũng lại phổ biến hơn cả ở những phòng máy tính trong trường tiểu học tại các nước đang phát triển hiện nay, trẻ em chỉ được dạy các chương trình như Word, Excel và PowerPoint. Tôi cho điều đó là tội lỗi, vì trẻ cần được học cách để làm mọi thứ, được trao đổi, khám phá và chia sẻ chứ không phải cứ hùng hục làm như những cỗ máy văn phòng di động”.
Để hiện thực hoá ý tưởng đó, các thư mục không còn được coi là công cụ tổ chức dữ liệu như hầu hết các máy tính ra đời kể từ chiếc máy Mac đầu tiên năm 1984 của tập đoàn Apple. Theo các nhà sáng chế OX thì thư mục theo kiểu đó buộc người dùng phải nhớ được vị trí lưu trữ dữ liệu chứ không phải dùng thư mục để làm gì. Và để cải cách, các máy XO sẽ được tổ chức xung quanh một biên bản (“journal”), phần tự động phát sinh lưu lại toàn bộ những thứ người dùng đã làm trên máy. Từ đó, người dùng có thể xem lại toàn bộ các journal để kiểm tra công việc cũng như lấy lại các file đã được tạo ra hoặc chỉnh sửa trong những phần đó.
Mặc dù khuynh hướng thiết kế dòng máy chủ yếu dành cho giới học đường nhưng các nhà sáng chế sẽ “không chịu để yên” nếu ai đó nói rằng XO chỉ là máy đồ chơi. Sẽ có rất nhiều chương trình có thể chạy được trên nó như trình duyệt web, soạn thảo văn bản và đọc tin cập nhật RSS.
Không dừng ở đó, những MTXT hiệu XO còn có thêm những tính năng hấp dẫn khác như một camera tích hợp và chế độ hiển thị màu cho phép chuyển máy sang dạng đơn sắc để dễ quan sát dưới ánh nắng mặt trời.
Phần mềm nguồn mở
Ông Chris Blizzard, chuyên gia thuộc tập đoàn Red Hat cho biết, có tới 90% mã xây dựng chương trình cơ bản được kết hợp với nhau từ những công nghệ đã có trong cộng đồng chương trình mã nguồn mở. Để tiếp tục với tính chất “mở” ấy, những chi tiết và mô phỏng trong thiết kế giao diện người dùng (có nickname là Sugar) cũng sẽ được công bố trên mạng để bạn đọc tự do bình phẩm, đánh giá.
Một số blogger cho biết, một mặt Sugar đã tránh được sự phức tạp vốn có trong các hệ điều hành quen thuộc của Microsoft hay Apple nhưng mặt khác, nó lại tạo ra một loạt những điều tinh tế khác cần tìm hiểu mới có thể nắm được.
Tất nhiên chẳng ai tỏ ý nghi ngờ về những ý tưởng công nghệ thể hiện trong giao diện Sugar. Ông Wayan Vota, người đã xây dựng blog OLPCNews.com để theo dõi tiến triển của dự án do những hoài nghi về tính thành công, gọi giao diện Sugar là một sự “tái thiết kế đẹp – đáng kinh ngạc”. Ông nói: “Nó không giống giao diện của Linux. Không giống Windows. Không giống Apple”. Tất nhiên ông cũng không quên nhấn mạnh rằng đó là ý kiến của riêng ông chứ không phải đại diện cho Geekcorps, tổ chức chuyên bảo trợ cho những tình nguyện viên công nghệ ở các quốc gia đang phát triển mà ông làm giám đốc.
Sắp tới tay "khách hàng nhí" khắp thế giới
Trong thực tế thì những chiếc MTXT XO vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa để tối ưu hơn nữa và phải tới tận tháng hai năm nay, giao diện Sugar mới có dịp được trình làng thử nghiệm. Tới tháng 7 năm nay hoặc muộn hơn, có thể sẽ có hàng triệu máy tính được “nhập quốc tịch” Brazil, Argentina, Uruguay, Nigeria, Libya, Pakistan, Thái Lan và Palestin. Theo ông Negroponte thì trong hai tuần tiếp theo sẽ có thêm ba quốc gia châu Phi khác sẽ tham gia chương trình này. Ngân hàng phát triển Bắc – Nam Mỹ đang cố gắng để đưa được các MTXT XO tới các nước thuộc vùng Trung Mỹ.
Dòng máy tính giá rẻ đang do tập đoàn Quanta Computer đảm trách sản xuất. Điều thú vị là tất cả các nước đều có máy tính sử dụng chương trình được cài đặt bằng chính ngôn ngữ của nước đó. Chính phủ cũng như nhà tài trợ sẽ mua máy tính cho trẻ em kèm theo các thiết bị server kèm theo cho các trường học. Tính riêng dự án này cũng đã nhận được 29 triệu đô la tiền quỹ từ các công ty Google, News và Red Hat.
Nhưng nói như thế không có nghĩa tất cả đều hướng về chiến dịch One Laptop. Chính phủ Ấn Độ thoạt đầu cũng tỏ ra rất quan tâm tới chiến dịch nhưng sau đó lại thoái lui. Còn Brazil, mặc dù đã định tham gia nhưng rồi lại đang tìm cách từ chối khi đặt mua dòng máy tính Classmate PC có giá 400 đô của tập đoàn Intel. Chính phủ Brazil dù rất ưa chuộng các phần mềm mã nguồn mở vì yếu tố tiết kiệm chi phí, nhưng trong những thử nghiệm đầu tiên với những chiếc Classmate PC, họ vẫn sẽ phải sử dụng Windows.
Kim Thoa (Theo AP)